Vất vả khổ luyện, đầy rẫy rủi ro
Theo thống kê của Hội Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động Việt Nam năm 2023, tần suất tai nạn lao động trong một năm của các nghệ sĩ xiếc lên tới gần 40%, gấp 20 lần so với mức độ tai nạn lao động trong ngành công nghiệp sản xuất thông thường.
Những tai nạn như ngã gãy tay, gãy chân, thậm chí liệt nửa người, nguy hiểm đến tính mạng... luôn hiện hữu, rình rập trong quá trình luyện tập, trình diễn của các nghệ sĩ xiếc. Dù mất hàng chục năm để rèn rũa điêu luyện, rủi ro vẫn có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Trao đổi với Lao Động, NSND Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tiết lộ đã bắt đầu học xiếc từ năm 12 tuổi (năm 1978) và tốt nghiệp năm 1983.
Từ đó, anh trung thành theo đuổi nghề xiếc, từ một diễn viên nhỏ vô danh đến chuyên nghiệp, trở thành thầy dạy cho nhiều thế hệ trẻ tiếp nối.
NSND Tống Toàn Thắng nhận định: "Nghề xiếc cực kỳ khó khăn, vất vả, khổ luyện. Vì đặc thù của nghề là làm những điều khác thường mà ít ai làm được, nên buộc phải khổ luyện mới có thể thành tài".
Quá trình học tập trong trường mất khoảng 5 năm, từ một người bình thường đến khi ra làm nghề rất vất vả, không phải ai cũng theo được. Nhiều người phải bỏ giữa chừng vì quá khó khăn, nguy hiểm.
"Có khóa tuyển vào 60 diễn viên nhưng khi ra trường chỉ còn 20, 25 diễn viên theo nghề. Nhiều gia đình thấy con mình ngã vì luyện tập cũng không dám cho con học tiếp", nghệ sĩ nói.
Với nghệ sĩ Hải Đăng (tên thật là Nguyễn Thế Liêm, sinh năm 1985), việc đối mặt với nguy hiểm chết người khi trình diễn là chuyện "thường như cơm bữa". Bởi "bạn diễn" của anh là con cá sấu Xiêm hơn 10 năm tuổi, dài 2,5m và nặng hơn 100kg.
Để làm công việc này, anh phải rèn luyện thể lực và tập trung cao độ. Thậm chí, Hải Đăng cũng phải chuẩn bị tinh thần đối mặt với rủi ro có thể gặp phải với "bạn diễn": "Nhẹ thì bị cắn gãy tay, gãy chân, đủ để giã từ sân khấu. Nặng thì có thể nguy hiểm tính mạng".
Bản thân Hải Đăng cũng từng suýt chết vì bị 3 con trăn cùng lúc siết chặt khi cúi chào khán giả trong một buổi biểu diễn hồi 2015-2016. Nam nghệ sĩ lập tức đổ gục xuống sàn. Sau khi được các đồng nghiệp trợ giúp gỡ trăn ra khỏi người và sơ cứu, anh vẫn bất tỉnh vài phút vì ngừng hô hấp đột ngột.
Bất chấp những khó khăn, nguy hiểm đó, Trịnh Ngọc Hiếu (22 tuổi) vẫn mạnh dạn, kiên trì theo học xiếc. Giống như bao nghệ sĩ khác, Ngọc Hiếu cũng có niềm đam mê với môn nghệ thuật xiếc và muốn theo đuổi đam mê đó đến cùng.
Tuổi nghề ngắn ngủi
Đa số nghệ sĩ xiếc đều theo học bộ môn này từ rất trẻ, ở độ tuổi dưới 20, thậm chí sớm hơn. Dù thế, sau nhiều năm rèn luyện, họ vẫn bị "đào thải" rất sớm.
NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ: "Những người diễn xiếc và ballet phải dùng sức lực cường độ cao. Họ dùng được thể lực, thể chất, mọi tinh túy tài năng trong giai đoạn ngắn của tuổi trẻ sung mãn.
Tuy nhiên, duy trì đến mấy thì phụ nữ 35 tuổi là trôi dốc, nam giới cũng tương tự. Đó là còn chưa kể đến chấn thương, đau đớn, phải giải nghệ sớm hơn tuổi 35".
Theo ông Thắng, thời hoàng kim của nghệ sĩ xiếc chỉ kéo dài tối đa 20 năm trên sân khấu. Đặc biệt là phụ nữ, họ phải kết hôn, sinh con khiến xương bị cứng, không còn giữ được phong độ nên phải giải nghệ sớm.
"Ở tuổi đó, họ chưa có lương hưu, phải chuyển sang làm nhiều loại nghề khác không phải sở trường, rất vất vả", ông Thắng nói.
Dù còn trẻ, Ngọc Hiếu cũng nhận định thời kỳ phong độ nhất của riêng mình là 22-28 tuổi. Qua 35 tuổi, phong độ đi xuống rõ rệt, cơ thể sẽ không còn dẻo dai, xương cứng hơn. Nếu muốn bám trụ với nghề, diễn viên xiếc phải chọn các tiết mục khác nhẹ nhàng, dùng sức ít hơn để tránh để lộ điểm yếu.
Dẫu tuổi nghề ngắn ngủi, lương thấp, các nghệ sĩ xiếc khó lòng tiết kiệm để lo cho cuộc sống từ khi giải nghệ tới lúc về hưu. Bởi theo Quy định, lương diễn viên xiếc tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chỉ hơn 3 triệu đồng.
Với chế độ luyện tập 80.000 đồng/ngày (cho các chương trình mới), bồi dưỡng không quá 200.000 đồng/buổi biểu diễn, các nghệ sĩ xiếc thậm chí không đủ tiền kiếm sống nếu không nhận thêm show, làm thêm công việc khác.