Đền Vua Lê nằm ở thôn Hoàng Tân, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật - tín ngưỡng được người dân địa phương xây dựng vào thế kỷ XV (năm 1428) để thờ vọng vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Đền Vua Lê được UBND tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2002.
Theo người dân, trải qua thời gian dài sử dựng, chịu mưa nắng các hạng mục của di tích đã bị xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống ngói bị vỡ hỏng, phần cấu kiện bằng chất liệu gỗ đã bị mục gây võng mái, tường nứt vỡ có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Mối nguy này gây ảnh hưởng đến các hoạt động tại đền, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường di tích và đặc biệt là sự an toàn của Nhân dân và du khách thập phương đến hành lễ tại đền Vua Lê.
Ngày 25.8 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt công trình cải tạo di tích này. Công trình có tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng.
Ông Hoàng Khánh Vượng (TP Lạng Sơn) - chia sẻ: "Đền Vua Lê mọi người vẫn hay lui tới, thời gian trước đền xuống cấp mọi người cũng lo, nay thấy thành phố cải tạo xây lại người dân rất vui, vừa là di tích lại là nơi giáo dục truyền thông thì nên giữ gìn".
Ngày 3.9, PV đã có mặt ghi nhận tại công trình, ở lần trùng tu này gian tiền tế, gian hậu cung, mái che sân giữa sẽ được xây mới hoàn toàn, tổng diện tích xây dựng trên 130m2. Trụ cổng và cánh cổng phụ của đền cũng được làm mới.
Trên công trình gần chục công nhân đang tất bật làm việc. Các gian của ngôi đền được xây mới hoàn toàn từ móng.
"Khi móng vừa xong thì chúng tôi bắt đầu xây tường, mọi việc được tiến hành khẩn trương, tiến độ đặt ra là xong trước Tết Nguyên đán 2025", một công nhân chia sẻ.
Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, việc tu bổ di tích đền Vua Lê nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích và phục vụ nhu cầu tham quan, hành lễ của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Bên cạnh đó, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các đơn vị tuân thủ quy định của pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng. Ưu tiên đảm bảo giữ gìn di tích lâu dài, chống lại các ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, xã hội và môi trường, việc xây dựng phải hài hòa với cảnh vật xung quanh.