Truyện ngắn: Người qua đường

LAM ANH |

Cạch, cạch. Chú chim sẻ mổ liên hồi vào mặt kính suốt nửa tiếng đồng hồ bị mắc kẹt. Dù đang rất mệt hắn cũng cố dậy đóng kín cửa phòng, chầm chậm đến mở tung cánh cửa sổ hết mức có thể. Hắn dùng cây quạt giấy xua xua, hướng chú chim kia biết đường lao ra ngoài, nhưng vô ích. Sẻ càng bay loạn xạ, va đập đủ bốn bức tường. Duy phần cánh cửa sổ có thể di động đã mở sẵn thì nó không đủ tin cậy lao ra, cứ đâm đầu vào phần kính đóng chặt cố định…

Hằng tuần, phòng bệnh của hắn đã đón và chia tay bao đợt bệnh nhân khác. Bao lần, hắn và người khác chung nhau chiếc giường này nhưng người đó lại sớm ra đi trước hắn. Bao nhiêu, hắn không buồn đếm nữa. Hắn chẳng phải chuyển phòng điều trị. Hắn vẫn nằm đó, giường số bốn trong căn phòng có bốn chiếc giường trải ga trắng toát.

Người ta nói, số bốn là số tử, thế mà hắn ở đây bao lâu, chỉ toàn chứng kiến người khác chết vì bệnh, riêng hắn vẫn sống trơ. Chắc căn bệnh mang số tử sợ vía gã họa sĩ đơn độc. Hắn thầm nghĩ và bật cười trong khi ngắm nhìn con nhện đang loay hoay giăng tơ trên góc tường. Con nhện miết mải một lúc rồi cũng kéo ra mạng lưới hoàn chỉnh. Vo…vo…bập.

Sự tập trung của hắn đến mức dường như nghe rõ tiếng đập cánh của con muỗi, âm thanh lúc con muỗi va vào mạng nhện êm ái kia và giãy đành đạch. Con nhện vẫn nằm im, không thèm để ý đến con muỗi. Nhện ơi, đan dệt hoài, dệt được tấm lưới đẹp đẽ kia, rồi ngủ vùi, ngủ mãi đến mặc kệ con mồi thế ư?

Suốt đời nhện loay hoay dệt mạng rồi tự giữ chân mình trong góc chật hẹp và quanh quẩn ấy, chờ đón con mồi, no say, nhưng thực chẳng biết gì hơn ngoài những gì bám trên mạng ấy. Nhện giăng bẫy con mồi mà đâu biết cũng tự mình dính mắc bẫy đó…

***

Đứa em đồng nghiệp cũ đã ghé thăm nhà nàng như hắn nhờ cậy. Hắn muốn được nhìn thấy con trai, dù chỉ là bức ảnh chụp lại. Nhưng tất cả đều bị xóa hết, trước khi bạn hắn rời ngôi nhà.

“Ba nó nên tự về thăm con, hơn là cậy nhờ bạn bè. Ngôi nhà này luôn sẵn chỗ cho người biết trở về.”

Đó là điều mẹ nàng nhắn lại với hắn. Người phụ nữ rất mực dịu dàng và luôn ân cần, khiến hắn đâu chỉ xem bà là mẹ vợ. Trước cách cư xử nhẹ nhàng thiên bẩm ấy, hẳn bạn hắn đã nghĩ rằng những lời bà nói ra thật đáng nghe như một sự khuyên nhủ chân thành. Hắn nhếch môi cười chua chát.

Hắn đã gọi…

Đứa bé mới hai mươi sáu tháng tuổi, đôi mắt một mí càng khiến khung trời trẻ thơ như biến mất trong từng ánh nhìn. Ánh mắt đựng hết nỗi niềm của mẹ nó và sự cô độc của người cha. Hắn mừng rỡ, gọi tên con liên tục. Bin ơi, con có nhớ ba không? Hôm nay con có canh khổ qua để ăn không? Bin ơi, Bin ơi!

Thằng bé nhìn hắn cười bằng khóe miệng, đôi môi mím chặt và ánh mắt vẫn xa xăm. Bin ơi, Bin ơi! Hắn gọi con nhưng đứa bé chẳng hề hé miệng. Rụp. Màn hình tối thui. Cuộc gọi đúng bốn mươi sáu giây, gồm tất cả đoạn thoại giữa hắn với bà ngoại cu Bin - người mà hắn đã coi như mẹ ruột, và màn độc thoại của hắn với con trai. Hắn gọi lại, không liên lạc được. Có lẽ điện thoại bên kia bị sập nguồn, hết pin…

Trái khổ qua bỏ hết ruột, nhồi thịt băm nhuyễn và rau thơm, phi thêm vài nhát hành đập giập, phải là thứ hành tăm củ nhỏ xiu xíu mà nức mũi diệu kỳ khi bơi trong chảo dầu sôi, lá ngò gai xắt nhỏ bỏ vào lúc nồi canh đang sùng sục rồi tắt bếp sau vài giây. Đó là món canh hắn thích. Hắn thường uống nước canh và sẽ ăn phần vỏ của miếng khổ qua nhồi thịt, còn phần thịt bên trong, hắn sẽ chuyển qua nàng hoặc đôi khi đành cố tự ăn.

Trong ký ức tuổi thơ, khổ qua mẹ hắn trồng luôn cho quả thật nhiều. Mẹ hắn vẫn hát: Dây khổ qua dịu dàng bông trắng/Trái khổ qua tuy đắng mà ngon. Nhưng mẹ đã ra đi trong mùa khổ qua sai trĩu vườn hồi hắn vừa bảy tuổi. Hình như từ đó, hắn bắt đầu nhớ vị khổ qua. Từng trái khổ qua được luộc lên chấm mắm ớt ăn với cơm, trái khổ qua sống cũng chấm với mắm ớt.

Đắng và cay, hắn đã quen vị từ nhỏ. Mỗi lần ăn khổ qua, hắn lại nhớ giọng hát của mẹ với nón lá nghiêng nghiêng đang cúi đầu bên giàn cây trĩu quả, trong đôi mắt mẹ lúc đó như thu về hết mọi u ám của vũ trụ để bầu trời kia được trong xanh đầy nắng gió. Hắn không biết hắn thích ăn khổ qua thực sự, hay bởi thói quen từ nhỏ, hay bởi chỉ trong mỗi lần ăn khổ qua, hắn mới nhớ chính xác được gương mặt, hình dáng mẹ và giọng hát u buồn ấy. Hắn chưa từng thắc mắc tại sao ba hắn không về khi biết tin mẹ đã mất vì trọng bệnh. Hắn cũng chưa từng hỏi dì và bà ngoại rằng tại sao ba chỉ mang theo anh trai, còn để hắn và chị gái ở lại với mẹ trên cù lao bốn phía mênh mông biển suốt hai năm ròng.

Lạ một điều, trên cù lao ấy ai cũng bơi lội như rái cá từ nhỏ, còn hắn chỉ biết khua nước cho khỏi chìm. Tuổi thơ hắn gắn liền với những chuyến vượt biển của không ít cư dân cù lao, trong đó có người thân của hắn. Nhưng hắn chưa từng có ý nghĩ sẽ rời cù lao. Hắn thích canh khổ qua là chuyện dễ hiểu nhưng một đứa trẻ mới hơn hai tuổi như con trai hắn, đã biết chọn ăn canh khổ qua chứ nhất định không chịu canh khoai tây thì thật chẳng giống những đứa trẻ khác.

Con có biết tại sao lại gọi là khổ qua chứ không phải là qua khổ hay không?

Mẹ ngày xưa từng hỏi hắn thế, hắn đã lặp lại với cu Bin trong mỗi lần cho con ăn canh khổ qua. Nhưng cu Bin làm sao biết trả lời, hắn cũng chẳng cần con trai trả lời ngay lúc đó. Cứ lớn lên đi Bin, rồi con sẽ tự có câu trả lời cho mình. Chẳng hiểu sao những ngày còn bên cạnh con trai, hắn lại có những câu hỏi lặp đi lặp lại kiểu đó, giống hệt mẹ hắn năm xưa.

Dường như báo trước cho những cách biệt về sau, để ký ức trẻ thơ còn đọng mãi về một vị đắng và câu hỏi. Khi hắn đã tự nghĩ về câu trả lời, thì mẹ không còn nữa. Vô tình, giờ đây điều đó như tái diễn. Con trai hắn phải lớn lên trong nỗi mồ côi sớm và một vị đắng với câu hỏi của ba nó, có lẽ sẽ theo nó cùng năm tháng? Con có thể nhớ hết được ký ức ngắn ngủi về ba không hở Bin?

Một người anh trong giới hội họa đến thăm hắn. Người đó cố tránh những tiếng thở dài, tiếng chép miệng lúc chuyện trò. Thể chất hắn thường ngày gầy gò nhưng người ta nhìn vào còn thấy rõ khí chất của người nghệ sĩ ngạo nghễ mà cũng đầy hào sảng. Lúc này, tại căn phòng quá sạch sẽ, người đối diện hắn không khỏi ngậm ngùi. Bệnh ung thư, gã thời gian chẳng biết bao giờ sẽ tiễn biệt hắn.

Người bạn họa sĩ bậc tuổi cha chú, nhận hắn là em và xưng anh từ ngày gặp nhau tại triển lãm của hắn. Người anh đó rất quý hắn. Hắn nhận ra càng người nào yêu quý hắn đến đây, đều mang vẻ lúng túng giống nhau, dù họ đã cố giấu rất kỹ. Hắn hiểu, cũng bởi yêu quý thực lòng họ mới có được vẻ lúng túng đó. Trong buổi gặp nhau rất lâu ấy, hắn không nghĩ lại được nghe nhiều chuyện thầm kín từ người ít nói như ông anh này. Khi bên cạnh người đang lâm vào một hoàn cảnh, người ta nói về hoàn cảnh của riêng mình thực ra không phải là kể lể, mà là một cách sẻ chia.

Hơn nữa, hắn sắp chết rồi, ông anh nọ chẳng cần ngại trong ngày túy lúy, hắn buột miệng thốt ra với ai những chuyện thầm kín kia. Nhưng ông anh đâu thể ngờ khách vừa rời khỏi, hắn đã kể lại câu chuyện đó cho chú nhện đang nằm ngửa chới với hai chân gãy trên bàn sau khi bị người khách gạt cho một phát rõ đau vì cứ trèo lên má lên mồm người ta lúc đang hào hứng kể chuyện.

Hắn đã phải nâng con nhện dậy, đặt nó nằm thoải mái rồi đi lòng vòng cốt bắt con ruồi còn sống, lại bẻ gãy chân và cụt cánh ruồi mới đặt bên cạnh nó, năn nỉ ỉ ôi một lúc con nhện mới chậm chạp ngoạm lấy con ruồi, xem như chấp nhận lắng nghe câu chuyện của hắn. Phòng bệnh vắng, những người bệnh khác đã đi lấy cơm hay đã được người thân đưa về nhà, hắn cũng không để ý nữa.

Nhện à, ngày như hôm nay tao chợt thèm cơm gà quán Bờ Sông quá! Hắn thủ thỉ. Mày nghỉ trưa đi nhé!

Hắn rời phòng bệnh, quyết xuống ăn tạm cơm gà của quán bên kia đường rồi tưởng tượng dư vị yêu thích trong trí nhớ, vì quán Bờ Sông đó cách xa tận năm cây số. Tháng Tư mà nắng nóng kinh khủng, cái nóng khiến hắn ngập ngừng trước cổng bệnh viện, dù quán cơm cách chỉ mươi mét. Đã thèm cơm gà quán Bờ Sông mà ăn phải cơm gà không đúng của quán Bờ Sông, thực là một sự hành hạ. Bữa trưa không thỏa mãn, tới bữa tối nếu vẫn còn thèm thì sao?

Bữa trưa qua, rồi bữa tối, bữa sáng hôm sau, lại những bữa trưa, bữa tối và bữa sáng khác. Cái vòng lặp lại ấy đang khép chặt hắn từng tích tắc. Như tuần lễ bắt đầu từ thứ hai, sang thứ ba, đến thứ tư… và kết thúc ở thứ bảy, chủ nhật rồi lại thứ hai. Tại sao không có thứ bảy rồi thứ tám, thứ chín và cứ kéo dài mãi mà phải lặp lại một vòng giống nhau?

Hắn nhớ đến những họa tiết lặp lại trên mạng nhện và không thích điều này. Hắn thích đếm đến thứ một trăm hơn là ngồi đợi đếm thứ bảy lần thứ mấy. Như hắn không thể tưởng tượng nổi biết hắn ở viện mà nàng chặn hết mọi liên lạc, trong lúc hắn đắn đo trước cổng bệnh viện thì gặp chuyện bất ngờ. Một cậu trai qua đường đột nhiên tấp xe máy vào lề gần chỗ hắn đứng và hỏi:

Anh muốn bữa trưa thế nào, em đi mua giúp cho?

Lẽ nào dáng vẻ vừa định bước ra khỏi bóng râm, lại bước vào của hắn trông thảm hại đến mức người qua đường xa lạ như cậu trai có ý muốn giúp đỡ? Hẳn phải do bộ quần áo bệnh nhân khiến hắn trông tội nghiệp lắm. Mãi về sau hắn cũng không hiểu sao ngay lúc đó đã nói về món cơm gà mơ ước ở quán Bờ Sông. Cậu trai gật đầu cười và bảo hắn hãy vào trong hành lang ngồi đỡ nắng nóng, lát nữa cậu mua cơm về sẽ gọi ra. Hắn chưa kịp nói về vấn đề tiền cơm, thì cậu đã phóng xe vút đi.

Cậu trai thật dễ thương, cậu đã biết gì về hắn đâu mà dặn rằng mua cơm về sẽ gọi ra lấy? Hẳn chẳng ai rảnh để ý một bệnh nhân trước cổng bệnh viện như hắn để rồi đi đùa. Hắn tin cậu, nhưng hắn không muốn vào hành lang mà nghĩ sẽ đứng đợi cậu dưới bóng râm trước cổng bệnh viện. Cơ thể suy nhược do nhiều ngày ăn uống tùy tiện không cho hắn đủ sức đứng thêm giữa cái nóng bỏng rát mùa hè xứ này.

Ngồi ở hành lang đến khi thấy khá hơn nhiều, vừa ra tới cổng hắn đã thấy suất cơm gà buộc vào mắt xích hàng rào. Bao bì đựng suất cơm không lẫn vào đâu được, người mua đã đi mất. Hắn bất giác nghĩ đến nàng, như cậu trai này cũng là một người qua đường.

Hết duyên rồi, không còn chung đường nữa thì chỉ là người qua đường thôi,  nàng dứt khoát vậy ư?

Hắn ở đây đã rất lâu, nàng vẫn không đến. Nàng chặn facebook, điện thoại. Hắn phải lập trang facebook mới chỉ để vào được facebook của nàng mà xem trạng thái cập nhật. Đến cả dòng trạng thái lửng lơ trên mạng xã hội của nàng về hắn cũng không hề có. Nàng thực sự không còn bận tâm tới hắn nữa? Nàng thực sự bỏ mặc hắn sống chết?

Hắn khá đông bạn bè, nhờ lúc này mới có thời gian thấm thía thường ngày gặp gỡ mừng vui, xa cách nhớ mong cuối cùng cũng như sau một bữa nhậu. Vừa cười nói vui vẻ đó, thân thiết đó, tâm tình đó, mà sao đã thấy xa vời, phù vân. Cuộc vui đã dừng ở thì quá khứ, cái hiện tại sau cuối chính là sự trống trải vô cùng, thăm thẳm của đơn độc.

Con người với nhau, vẫn còn có thể đối diện cười nói thật lòng, dù chỉ thật lòng ở ngay khoảnh khắc đó thôi, cũng đủ rồi. Người qua đường, bởi chỉ chung nhau một đoạn đường thôi? Bởi xa hay gần, ai cũng chỉ là người qua đường trong cõi vũ trụ này, một nhoáng xuất hiện rồi biến mất? Hắn nào nghĩ trách ai… nhưng tại sao nàng không hỏi hắn một câu? Số máy lạ nào gọi đến hắn cũng ngỡ là nàng. Hộp thư mới, vẫn không phải nàng.

Hắn đã từ một gã đầu tóc bù xù, áo phông quần hộp mà trở thành người đàn ông ăn mặc chỉn chu, tóc dài buộc gọn hoặc tóc ngắn trẻ trung trong suốt mấy năm bên cạnh nàng. Hắn đã từ chối con tàu đưa hắn về với gia đình người thân ở phía bên kia đại dương, nơi sẵn có một khu nghỉ dưỡng cho hắn làm chủ tận xứ người xa xôi chỉ để được bên cạnh nàng trong căn nhà hai tầng khiêm tốn ấy.

Chẳng phải những bữa tiệc tùng của ông lớn này, đại nghệ sĩ nọ đều mời hắn rất trân trọng, nàng đã lấy làm tự hào đấy sao? Nhiều người thấy hắn ngày ngày lang thang đồng hoang nội cỏ, cuộc vui nào cũng đụng mặt hắn, đã đồn rằng những bức tranh trong triển lãm vang dội kia là của ai, những dòng phê bình nghệ thuật đầy sắc bén kia là của ai khác... Chỉ riêng nàng, chỉ nàng mới biết hắn đủ tài viết xong ngay trong cuộc rượu, và xuyên đêm xuyên bữa để vẽ. Bao lần, chỉ vì nàng muốn một chiếc váy mới mà ba ngày liền hắn không ngủ, vẫn chưa đủ sao? Người đầu kề tay ấp cùng hắn suốt mấy năm qua, cớ sao nàng có thể lạnh lùng đến vậy?

***

Hắn đếm thời gian, từng phút từng giây trôi qua hắn như cách người trung cổ tra tấn tù nhân bằng “giọt nước tử thần”. Người ta đặt tù nhân dưới một - vòi - nước - không - khóa - chặt, chỉ đủ để từng giọt từng giọt rỉ ra, nhỏ xuống trán nạn nhân. Giọt nước chỉ rơi đúng một vị trí nhất định lên trán. Thời gian đầu sẽ không sao nhưng càng lúc anh sẽ càng sợ hãi.

Anh nơm nớp không biết từng giọt nước kia sẽ rỉ đều đặn xuống trán anh đến lúc nào, và trán anh đã lõm đi bao nhiêu từ giọt nước thứ bao nhiêu. Anh sẽ không thể đoán định giọt nước thứ bao nhiêu trong lúc nào sẽ đâm thủng trán anh, xuyên qua da thịt và chạm vào các nơ ron thần kinh não. Thật kinh khủng. Nỗi sợ không đủ giết chết anh, nhưng nó bào mòn anh như từng giọt nước đang có nguy cơ xuyên thủng da thịt.

Đã có minh chứng tin cậy nào cho việc con người thực sự bị đâm thủng não chỉ bằng những giọt nước chưa? Hắn không biết nhưng nỗi kinh khủng này là thật. Hắn còn bao nhiêu việc cần và phải làm. Thời gian của hắn không còn nhiều nữa, bác sĩ đã nói sự thật chắc chắn như thế, khi biết hắn không còn người thân nào cạnh bên tại nơi đây. Đúng ra là hắn không hề nói về bệnh tình cho ba và anh chị hắn đang ở nước ngoài biết. Hắn không được mừng sinh nhật con trai đầy ba tuổi và nhiều năm sau đó.

Hắn sắp chết khi chưa kịp để lại một cuốn sổ tiết kiệm cho con trai. Hắn sắp chết khi chưa hiểu rõ tại sao người con gái cùng hắn trải qua những năm tháng long đong tuổi trẻ, người vợ từng ôm ấp hắn thuở nào lại có thể bỏ mặc hắn trong căn phòng trắng toát tít tầng chín khu bệnh viện này để bước theo mối tình đầu thời phổ thông. Nỗi lòng của nàng là gì? Nàng chán ngán vòng lặp quanh quẩn giới nghệ sĩ bạn chồng?

Nàng đã phải chịu những thống khổ nào và lẽ nào chưa thực hạnh phúc trong năm tháng bên cạnh hắn? Và từ khi sắp chết đến lúc chết đều phải dựa vào những đồng tiền quyên góp của bạn bè, dựa vào phúc lợi xã hội… là điều khiến hắn bất lực nhất. Hắn sợ hãi bởi chặng cuối đời, thế giới quanh hắn chỉ còn lại những tiếng tích tắc lặp vòng của đồng hồ, hoa văn một kiểu trên mạng nhện, và căn phòng màu trắng.

Đến lúc thời gian phải đếm hắn, còn hơn cả hắn đếm giọt nước ngày tháng đang nhỏ xuống trán mình. Hắn chẳng sợ đêm tối như trước, mà bóng đêm phải sợ vì bị hắn làm phiền đến mệt khi cứ thức chong chong. Nếu hắn cần thấy một con đường, thời gian trước mắt sẽ là ban ngày. Nếu hắn cần một giấc mơ, ngay đó là đêm.

Đến lúc này hắn cũng nhận ra, những năm đầu rời cù lao, hắn vẫn mong nhớ trở về, dứt khoát phải có một ngày trở về bằng mọi giá. Rồi chìm trong những khởi đầu mới, hắn chỉ còn tồn tại vì lý do mình phải tồn tại mà không nhớ rằng mình tồn tại để trở về. Giống như người ta đi tìm thượng đế chỉ vì muốn hỏi vì sao tôi hay cười trong những buổi chiều rất buồn.

Đi mãi, đi mãi, người ta chỉ còn biết phải tìm thượng đế cho bằng được mà chẳng hề nhớ vì sao mình phải tìm, để rồi phải tốn công nghĩ ngợi, bàn cãi và đặt ra những lý do cho niềm tin của mình. Khó khăn lắm đến khi gặp được thượng đế, có khi người ta chỉ vụt hỏi: Ông ở đâu bấy lâu nay mà chúng tôi tìm hoài không gặp? Và quên mất điều thắc mắc về một buổi chiều rất buồn. Đó có phải là một kiểu người qua đường không?

Câu chuyện về con người đi tìm thượng đế là của hắn hay của ông anh họa sĩ trong lần đến thăm nhiều tâm sự nhỉ? Hắn chẳng nhớ nữa, chỉ biết đó là tâm tư hắn lúc này.

Còn nhện kia, liệu có bao giờ nhớ được mục đích thực sự khi bắt đầu giăng sợi tơ đầu tiên hay không? Có bao giờ nhện nghĩ những đường tơ ấy thật là một vòng lặp nhàm chán? Có bao giờ nhện nghĩ và muốn có những đường tơ thật khác?

Hắn mỉm cười thật nhẹ, nhìn theo đôi cánh hút dần rồi mất dạng: Chú chim sẻ sau một tiếng đồng hồ lặng yên không đập cánh, đã tự phân biệt đâu là không gian thật và đâu là không gian bên kia cửa kính đóng.

Ngoài trời, mưa vẫn từng cơn đuổi nhau kín ngày… 
LAM ANH
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Truyện ngắn: Người vợ đĩ

Võ Chí Nhất |

Đố ai biết người đàn bà đương lững thững bước đi một mình ở ngã tư đằng kia, đi như thế từ lúc nào? Trông cô ấy như đang chờ đợi ai đấy. Mà thật vậy, thị đứng đấy từ lúc chạng vạng tối, lúc phố thị sầm uất nhất, náo nhiệt nhất. 

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Khởi công gói thầu 2.630 tỉ đồng thi công 2 tuyến giao thông sân bay Long Thành

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Gói thầu 6.12 có giá trị hợp đồng hơn 2.630 tỉ đồng thi công hai tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành là tuyến số 1 và tuyến số 2 đã chính thức được khởi công sáng ngày 14.7 tại xã Long Phước, huyện Long Thành, dự kiến thời gian thi công là 885 ngày.

Vụ 2 bà cháu tử vong vì cháy xe điện: Nhân chứng kể lại phút kinh hoàng

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Trước khi đi ngủ, anh D. cắm sạc pin chiếc xe điện 4 bánh, ai ngờ chỉ ít phút sau, chiếc xe bốc cháy khiến người con gái 5 tuổi và mẹ ruột bị thiệt mạng.

Thắng tay vợt chủ nhà, Nguyễn Thuỳ Linh vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng

HOÀNG HUÊ |

Chiến thắng 2-1 trước đối thủ chủ nhà Iris Wang ở vòng 2 đơn nữ giúp Nguyễn Thuỳ Linh giành vé vào tứ kết giải cầu lông Mỹ mở rộng 2023.

Việt Nam có thể đang chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá

Hương Nguyễn |

“Chúng ta đang sử dụng quá nhiều chính sách tiền tệ để phục hồi kinh tế, tổng cầu mà chậm trễ trong việc dùng chính sách tài khoá phản chu kỳ” - PGS.TS Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nhận định.

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Truyện ngắn: Người vợ đĩ

Võ Chí Nhất |

Đố ai biết người đàn bà đương lững thững bước đi một mình ở ngã tư đằng kia, đi như thế từ lúc nào? Trông cô ấy như đang chờ đợi ai đấy. Mà thật vậy, thị đứng đấy từ lúc chạng vạng tối, lúc phố thị sầm uất nhất, náo nhiệt nhất.