Truyện ngắn: Chó lài

BÙI VIỆT SỸ |

Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, theo văn bản thỏa thuận, phía Đảng Cộng sản Liên Xô nhận bồi dưỡng, đào tạo cho Đảng Cộng sản Việt Nam 200 cán bộ trung, cao về quản lý kinh tế. Thời hạn đào tạo là 2 năm, chính xác là 22 tháng, tại thành phố Mátxcơva và Lêningrat. 

Khóa đầu là 100 người, chia đều cho hai thành phố. Nguyễn Thị Lài - Vụ trưởng thuộc Bộ Công tác xã hội - được cử đi đợt đầu và may mắn được phân công về Trường Đảng Lêningrat.

Quãng 8 giờ sáng, một ngày giữa tháng Tám, lễ đón 50 thành viên do Lài phó phụ trách đối ngoại diễn ra nhẹ nhàng, nhanh gọn ngay tại sân ga Mátxcơva. Ra đón đoàn có Giáo sư Ivan Ivanôvic - Chủ nhiệm khoa Chủ nghĩa cộng sản khoa học - sẽ là phụ trách lớp học. Đó là lời giới thiệu của cô giáo dạy tiếng Nga Anna Petrolôva.

Khác với sự tưởng tượng của Lài và các thành viên trong đoàn, người được cô giáo Anna giới thiệu không phải là mẫu trí thức với cái đầu bạc trán hói tới đỉnh, cặp kính trắng, comple cà vạt nghiêm chỉnh, tay xách cặp da mà ngược lại, là một trung niên quãng trên dưới 50 tuổi. Vận áo vét da lộn màu nâu đã có nhiều vết cáu bẩn của thời gian, không thắt cà vạt trên cổ áo, mặc quần jeans xanh đã bạc màu, chỉ có đôi giày da đen dưới chân là bóng bẩy.

Nhưng bù lại cái hình thức ăn mặc hơi có vẻ bùi bụi ấy là dáng người cao dong dỏng mà cường tráng, với mái tóc màu vàng rơm và đôi mắt to xanh lơ rất hiền dịu. Lài ngờ ngợ như đã gặp con người này ở đâu đó, rất lâu rồi nhưng ấn tượng về mái tóc vàng rơm và đôi mắt xanh thì không bao giờ có thể quên được. Và rồi rất nhanh, trong óc Lài chợt òa lên một tiếng “anh chàng sĩ quan bạch vệ trong phim Người thứ 41” mình đã may mắn được xem gần 20 năm về trước trên sân trường cấp 3 một huyện miền núi tại tỉnh Quảng Bình, quê hương của Lài.

Cô giáo Anna trạc gần 40 tuổi, người nhỏ gọn, trên mặc vét, dưới mặc váy dài quá gối. Chân đi giày cao gót vừa phải, tay ôm một bó hoa tuylip Hà Lan khá lớn. Cô nói:

- Xin mời đại diện của lớp học đến nhận bó hoa của tình hữu nghị từ tay Giáo sư Ivan Ivanôvic!

Lài nhanh nhẹn bước lên. Trong chiếc áo dài trắng, cái dáng cao lớn của Lài như gọn lại. Trước khi trao bó hoa tuylip cho Lài, đôi mắt xanh của Giáo sư Ivan như sững lại vì phát hiện ra vầng trán cao, rộng, hơi dô một vết sẹo màu hồng hồng gần bằng nửa bàn tay. Và khi đôi cánh tay dài và mềm mại vừa đưa ra thì hai cánh tay của Ivan lại như có phần chững lại. Vì phát hiện bàn tay trái của Lài chỉ còn hai ngón: Ngón cái và ngón trỏ. Nửa bàn tay với ba ngón khác chắc chắn đã bị mảnh bom hay rốc-két phạt đi mất rồi chăng?

Sau một phút rụt rè thăm dò, bó hoa cũng nằm gọn trong ngực Lài.

Tối đó, 8 giờ thì cô Anna đưa giáo sư Ivan đến phòng Lài. Đã tiếp xúc vài lần rồi nên câu chuyện có phần cởi mở hơn. Lài đưa món lạc đã rang sẵn ở nhà ra chiêu đãi khách. Cả cô Anna và giáo sư Ivan đều rất thích thú vì lạ miệng. Ivan thích thú quá, thật thà hỏi:

- Lạc có còn nhiều không?

- Dạ! Cũng còn vài gói nữa. Lài đáp.

- Thế thì đừng mời ai nhé! Bữa nào đến nhà tôi! Ta ăn với sâm panh đỏ… chắc còn ngon hơn.

- Đồng ý! Lài đáp.

Khoảng 10 giờ tối thứ Bảy của tuần thứ ba đoàn sang đây, chuông điện thoại của phòng Lài reo. Đầu dây bên kia, tiếng cô Anna chậm rãi:

- Lài à! Thầy Ivan Ivanôvic mời chúng ta sáng mai đến nhà thầy chơi! Nếu Lài thu xếp được thì để tôi báo lại cho thầy, để sáng mai thầy còn đi cửa hàng thực phẩm.

- Cô Anna Petrolôva à! Nhờ cô báo với thầy là tôi rất hân hạnh được thầy mời!... Còn việc đi cửa hàng thực phẩm thì cô nói lại với thầy là thầy không phải lo. Mai tôi sẽ chiêu đãi mọi người món ăn Việt Nam. Tôi bảo đảm là mọi người đều sẽ thích!

Đúng hẹn, cô Anna đón Lài. Cùng đi còn có cô gái chừng bảy, tám tuổi.

- Hôm nay, tôi sẽ chiêu đãi mọi người món ăn đặc biệt… tiếng Việt gọi là phở.

- Phơ! Phơ! Thầy Ivan Ivanôvic lơ lớ nhắc lại.

Mọi người cùng cười ồ cả lên.    

Cô Anna hỏi Lài:      

- Chị được mấy cháu rồi?

- Một! Con trai! Cháu trên 10 tuổi rồi! - Lài đáp.

- Chồng chị làm việc ở đâu?

- Chồng tôi! Lài lúng túng, mặt chợt đỏ ửng lên. Anh ấy hy sinh rồi. Hy sinh ngoài mặt trận chiến tranh chống Mỹ.

- À! Tôi xin lỗi! Anna tỏ ra hối hận với câu hỏi không đúng lúc của mình. Tôi nhớ ra rồi, hôm trước chị nói anh ấy đi bộ đội.

- Không có gì! - Lài đã lấy được bình tĩnh. Và để chuyển hướng câu chuyện, hỏi: Sao ở Nga có nhiều thanh niên tên là Ivan thế?

- À! Cô Anna đưa mắt nhìn thầy Ivan Ivanôvic ngồi bên, một lát sau mới nói tiếp - Ivan là tên rất đặc trưng của người Nga. Người nước ngoài khi không biết tên anh chàng người Nga là gì thì thường kháo nhau: Cái anh hay thằng Ivan mới ở đây! Cô Anna giải thích.

- Cũng giống như ở Việt Nam cái tên Hùng được đặt cho rất nhiều người. Thậm chí con gái cũng có gia đình đặt tên là Hùng.

- Thế thì tên Lài tiếng Việt Nam có nghĩa là gì? Bây giờ thầy Ivan Ivanôvic mới lên tiếng.

- Ở Việt Nam tên Hùng có nghĩa là anh hùng. Tên Dũng có nghĩa là anh dũng. Lài đáp - còn tên tôi là tên một loài chó. Loài chó ở vùng núi cằn cỗi, khắc khổ. Chó lài to ngang với chó béc-giê của Châu Âu. Nhưng không ăn thịt. Không phải là không biết ăn… Mà chỉ ăn khoai, ăn sắn. Đẻ một lứa bốn, năm con. Nuôi rất khéo. Và trung thành với chủ hết lòng.

- Nhà tôi cũng nuôi một con chó lài. Đầu tiên nó là con chó của hàng xóm. Lài kể tiếp chuyện của mình - Một lần đi học về, tôi thấy ông hàng xóm treo nó lên để làm thịt. Con chó không kêu, không giẫy đạp. Chỉ có đôi mắt đen của nó ứa ra những giọt nước mắt rất to. Tôi hỏi tại sao lại làm vậy. Ông ta giải thích, nhà không có tiền đem nó ra chợ bán. Lần đầu nó trốn về được. Lần thứ hai đi chợ thật xa, nó cũng trốn về được. Lần thứ ba đem sang tận huyện khác, ấy vậy mà không hiểu bằng cách nào nó cũng trốn về được. Lần nào trốn về nó cũng vẫy đuôi một cách ngập ngừng như có vẻ hối lỗi. Thôi hóa kiếp cho nó. Không nhỡ người mua họ biết chó nhà mình trốn về, đến đòi tiền thì lấy đâu mà trả. Nghe vậy, tôi quát lên: Thả nó xuống, ai đến bắt đền tôi trả thay. Miệng nói, tay tôi cởi sợi dây thừng thả con chó xuống. Và lôi trong cặp sách ra mười mấy đồng, tiền đoàn phí (tôi chả là bí thư đoàn trường mà) mới thu được chưa kịp nộp lên huyện. Tùy cháu thôi! Bây giờ con chó là của cháu. Ai đến bắt đền! Cháu phải chịu trách nhiệm.

Ấy vậy mà con chó nhất quyết không theo tôi về. Bị ông chủ đánh đuổi rất dữ, dần dần nó mới quen với chủ mới. Tuy nhiên, thi thoảng nó vẫn về nhà cũ, chui vào gầm giường ngủ một giấc… Hôm sau, mẹ tôi phải vào cót thóc lấy hai thúng ra chợ bán cho tôi bù vào tiền đoàn phí đã tiêu.

- Tôi đã nghe và đọc rất nhiều chuyện về chó. Thầy Ivan Ivanôvic đế vào. Phải nói chuyện nào cũng cảm động. Nhưng chuyện con chó của Lài phải nói là đặc biệt!

- Thôi đến giờ ăn rồi! Lài chợt thốt lên. Cô Anna vào bếp giúp tôi được không?

- Tất nhiên rồi! Cô Anna đáp.

Thầy Ivan Ivanôvic giải quyết nhanh gọn nhất. Mặt đẫm mồ hôi, thầy đưa một ngón tay cái lên rồi nói: 

- Nhất! Món lạc đã ngon rồi. Phở còn ngon hơn!

- Mẹ! Làm thế nào? Bé Tanhia một tay ôm bụng, một tay chỉ vào bát phở mới ăn hết hơn một nửa.

- Không sao! Lài trả lời thay! Không ăn được thì… bỏ đi. Lần khác cô sẽ mời… món ngon hơn!

- Lại còn món gì nữa? Thầy Ivan Ivanôvic thực thà sốt sắng hỏi luôn.

- Bí mật. Lài đáp.

Ăn xong, thầy Ivan Ivanôvic yêu cầu Lài kể tiếp về con chó, mà lúc trước Lài kể dở chừng.

- Nó chết rồi! Nó chết để cứu chúng tôi! Giọng Lài đầy xúc động, đôi mắt đen đã ngấn nước mắt.

- Nó chết thế nào? Lài từ từ bình tĩnh kể cho chúng tôi nghe đi! Thầy Ivan Ivanôvic cảm thấy bất ngờ, giọng có phần cầu khẩn.

- Bắt đầu lại từ đâu nhỉ? Lài tự hỏi mình. À, nó bắt đầu về nhà chúng tôi. Tuy nhiên vẫn không quên qua lại nhà chủ cũ, mặc dù đã định giết thịt nó. Loài chó hiểu hết, có điều nó không biết nói ra thôi. Con chó này mắn đẻ lắm, mỗi năm hai lứa. Mỗi lứa có tới bốn, năm con. Nó chăm con khéo lắm. Không bao giờ nằm đè lên con. Khổ, dân ở vùng núi chúng tôi nghèo lắm. Cơm cũng chẳng đủ ăn, nói gì đến việc cho chó. Những chú cún con cứ day hàng vú chó mẹ như rút ruột nó ra. Nhìn nó gầy xơ xác với hai hàng vú tong teo mà xót cả ruột. Bởi thế, chó con biết ăn cơm là mẹ tôi đem ra chợ bán. Con nào to khỏe hơn là mẹ tôi bán trước. Loài chó này thương con nó lắm! Người lạ động vào dù chết nó cũng quyết bảo vệ đến cùng…

Nhưng với mẹ tôi, khi cho con nó vào cái làn mây, nó biết cả đấy! Nhưng chỉ im lặng, thở dài não ruột. Dường như nó hiểu được thân phận làm chó của nó. Trước khi cho cún con vào làn mây, mẹ tôi thường nhắc hai chân trước cún con làm động tác lạy mẹ nó và bảo: “Con lạy mẹ! Con đi!”. Đứng ngoài thấy cảnh ấy tôi cũng ứa nước mắt.

Ngày anh Trọng làm lễ cưới tôi, mọi người bận rộn… chạy ra chạy vào. Riêng nó nằm ở góc nhà, cứ thở dài thườn thượt.

Khi nhà trai đến đón dâu, nó cắn vào gấu quần tôi kéo lại. Dường như loài cho có giác quan đặc biệt. Nó dự cảm được rằng đám cưới tốc hành này sẽ mang tới cho tôi điều bất hạnh nên nó muốn ngăn cản.

Trọng là bạn cùng lớp với tôi. Bố là Bí thư Đảng ủy xã. Điều đáng kể nhất ở đây là từ năm lớp chín, Trọng đã tỏ ra si mê tôi như điếu đổ. Là bí thư đoàn trường, tôi nhiều hôm phải ở lại họp nên về muộn. Những lần như thế, Trọng bao giờ cũng chờ tôi, năn nỉ mời tôi lên xe đèo về. Tôi đều từ chối. Nhưng Trọng cứ bám tôi dai như đỉa. Tôi cắt rừng đi tắt, Trọng vác xe đi theo. Thế rồi “đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma”.

Lần ấy, tôi chọn một cánh rừng rậm rạp nhất để đi vào. Trọng vẫn vác xe bám theo. Rồi bất ngờ từ trong bụi cây, một con rắn hổ mang đen sì phóng ra đớp một miếng vào đùi non của tôi. Tôi chỉ kịp kêu lên “Ối!” một tiếng rồi ngã vật ra.

Trọng đi sau chứng kiến tất cả. Không ngượng ngùng, Trọng kéo ống quần tôi lên đến bẹn. Một tay lục trong túi cứu thương vẫn đem theo người. Lấy ra một cuộn băng quấn chặt mấy vòng phía trên vết cắn. Bốn vết răng đang rỉ máu hằn lên rất rõ. Trọng cúi xuống, dùng miệng hút máu độc ra.

Hút được ba, bốn lần thấy có vẻ ổn, Trọng xốc tôi lên vai, một tay bạt cây rừng, chạy băng băng về nhà một thầy lang trong xã, có tài chữa vết rắn cắn. Lúc đó người tôi đã cứng đơ ra. Bọt mép sùi ra. Ông ta xem vết thương rồi bắt mạch: “May ra thì cứu được”. Nói rồi ông bảo người nhà bắt một con gà giò ra, gí đít nó vào vết cắn.  Một loáng, toàn thân con gà tím đen. Rồi ông ra vườn dứt một nắm cỏ rửa qua loa, cho vào cối giã. Nước lá ông cậy miệng tôi ra đổ vào. Bã thì rịt vào vết. Một lúc sau, tôi tỉnh dần. Ông thầy lang bảo:

- Thằng Trọng nó không hút máu độc ra thì có Hoa Đà tái thế cũng không cứu được.

Từ đó, mặc dù không một lần lên xe của Trọng, nhưng thái độ của tôi với cậu ta cũng có phần thân mật hơn. Sự thân mật tự đáy lòng đối với người đã có công cứu mạng mình. Đó là mùa hè năm 1965, chiến tranh phá hoại bằng không quân diễn ra rất ác liệt ở vùng khu 4, nhất là ở Vĩnh Linh và Quảng Bình. Riêng huyện miền núi Quảng Sơn có phần yên tĩnh hơn.

Vào thời điểm đó, chúng tôi bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Hai chị em tôi đều đạt điểm cao đến bất ngờ. Thằng em tôi có giấy báo của ban tuyển sinh tỉnh cho đi học nước ngoài, còn tôi được vào Tổng hợp Văn. Song hành với việc đó, huyện đội cũng tổ chức khám sức khỏe để tuyển quân. Đúng dịp ấy thì bà mẹ Trọng cùng một bà mối đến nhà tôi. Sau một hồi rào trước đón sau, bà đặt vấn đề thẳng với bố mẹ tôi.

- Cứ nói đi bộ đội hay đi nước ngoài đều là vinh dự như nhau cả… đấy là nói để… động viên nhau thôi, còn chính sách của ta là rất công bằng… Kể cả công bằng xương máu. Đến như nhà tôi, muốn cho thằng em đi nước ngoài thì anh Trọng cũng phải xung phong vào bộ đội… Nói gần, nói xa chẳng qua… cũng phải nói thật. Gia đình tôi muốn cháu Lài nhà ta về làm bạn với anh Trọng… Như vậy nhà ta cũng có rể là bộ đội… thì việc cậu em Lài đi nước ngoài… không ai nói ra nói vào được. Sau một đêm suy tính, bố mẹ tôi đồng ý.

Từ lúc mẹ anh Trọng sang đặt vấn đề với bố mẹ tôi đến lúc tổ chức chỉ diễn ra có hai ngày rưỡi…, đêm tân hôn đúng ngày “phụ nữ bật đèn đỏ” của tôi. Thật là đáng thương cho anh ấy. Mặc dầu rất run rẩy, rụt rè, nhưng anh ấy vẫn không giấu được vẻ háo hức… Nhưng đến khi thấy…. “cái mùi tanh đến lộn mửa” ấy thì anh ấy… phát nôn thật. Còn tôi thì bật khóc. Mà lần ấy, do mọi việc diễn ra quá tất bật, tâm lý cũng bị chấn động nữa nên… “cái chuyện không đáng kể ấy” lại kéo dài và ra nhiều hơn. Ba đêm trôi qua, sáng thấy tôi phơi một dây vải xô, mặc dù đã rất kín đáo ở góc khuất sau nhà, mà bà mẹ chồng tôi vẫn phát hiện ra được. Bà lắc đầu ngao ngán. Còn tôi thì mặt chín đỏ đến tận cổ.

Đêm thứ ba, tôi cố đặt tay anh lên ngực tôi. Anh có vẻ thích thú, nhào lặn một lúc rồi gục đầu vào bấu vú bên kia bú như một đứa trẻ con sáu tháng tuổi. Tôi xốc anh lên bụng… nhưng chưa đâu vào đâu thì một luồng “hoa cà hoa cải” từ anh đã phun ra đầy bụng tôi. Thế là anh ‘xỉu” đi, nằm xuống. Suốt đêm đó, chúng tôi đều không ai chợp mắt lấy một phút. Sáng sớm hôm sau, đã đến giờ anh lên đường rồi. Lần đầu tiên, tôi ngồi trên chiếc bácbaga của chiếc Favorit để anh đèo lên huyện đội. Chiếc xe tải thùng chuyển bánh rồi mà tôi và rất nhiều phụ nữ khác còn cố nhoài người lên. Câu cuối cùng tôi hét to:

- Anh cứ yên tâm mà đi! Dù thế nào em vẫn đợi anh về!...

Sau mấy phút trầm tĩnh lại, Lài kể tiếp:

- Bà mẹ anh Trọng tính, sau khi cưới, tôi về làm bí thư xã đoàn (vì trước đã là bí thư đoàn trường rồi. Và đồng chí bí thư xã đoàn cũ cũng nhập ngũ đợt này) tất nhiên kiêm chức Đảng ủy xã thì tiếng nói của bố chồng tôi có trọng lượng hơn. Việc đầu tiên là đưa được cậu em thứ hai của Trọng đi học nghề tại Cộng hòa Dân chủ Đức.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Huyện thành lập đoàn dân công hỏa tuyến, tôi vì trẻ, khỏe, lại có mác tốt nghiệp lớp 10 nên được cử làm trưởng đoàn gần 200 người. Lúc xuất quân, con chó cứ chạy theo. Tưởng nó “đi tiễn” một đoạn thì về, ai ngờ nó trở thành thành viên của đoàn luôn. Những ngày đêm nghe tiếng phản lực, tiếng bom đạn réo…, nó sợ đến phát run, hết tìm chốn này chúi vào, lại tìm xó xỉnh khác để ẩn thân.

Vướng chân mọi người quá, có người bảo: “Thịt quách nó đi làm một bữa”. Tôi quát: “Không được!”. Thế rồi dần dần, nó quen với bom đạn. Hết đợt dân công, mọi người được trả về địa phương. Riêng tôi được thường vụ huyện ủy giữ lại, đề bạt làm phó bí thư huyện đoàn, phụ trách đại đội xung phong. Thế là thoát ly luôn, không về xã nữa. Tôi gửi con chó cho người cùng xã, nhưng nó nhất quyết không chịu về.

Đêm, khi mọi người ra mặt đường thì nó ở lại, quanh quẩn ở khu vực lán trại. Bom dội rát quá thì nó chui vào hầm kèo. Đơn vị hành quân đi đâu, nó đi theo tới đó. Ăn uống kham khổ, đến người còn chả đủ no, nên nó chỉ có “cơm thừa, canh cặn”, nhưng nó chẳng lấy thế làm “tủi thân”. Bữa nào được anh chị nuôi thương hại vứt cho miếng cháy chảo là sướng đến nhảy cẫng lên. Con vật ở xứ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” là như vậy đấy.

Trận đó, đại đội tôi trấn giữ ở một khúc cua tay áo. Một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực thẳm. Đường vừa chúi xuống lại phải rẽ ngoặt lên. Bom địch dội suốt từ mờ sáng đến chập tối. Suốt cả đêm, đại đội thanh niên xung phong cùng các đồng chí công binh lo phá bom nổ chậm. San lấp hố bom, hàn cạp lại các đoạn đường bị sạt lở xuống vực. Tôi nằm trong hầm kèo mà đất rung chuyển như nằm võng. Con chó đã quen với bom đạn, và số chị em nằm trong hầm đã chật nên nó thường phải nằm ngoài…

Trưa hôm đó, sau khi đánh phá bằng loạt bom tấn, phản lực Mỹ dở chiêu trò mới thả hàng ngàn quả bom bi xung quanh trọng điểm, hòng gây sát thương cho lực lượng bảo vệ tuyến đường. Một trái bom bi nổ gần cửa hầm, con chó đã lãnh đủ… Toàn thân nó lỗ chỗ các lỗ thủng. Nó chết không một tiếng kêu. Không một cú giẫy đạp. Chỉ có đôi mắt là vẫn mở trừng trừng. Tôi nằm ngay sát cửa hầm. Dứt loạt bom, tôi ôm lấy cái xác còn mềm mại và nóng ấm của nó mà hai hàng nước mắt cứ chảy dài xuống má. Và vuốt thế nào hai mắt nó vẫn mở. Tôi lấy một chiếc khăn chiên liệm và tìm một khe đất đào hố chôn nó. Không có một nén hương để thắp…

Nhưng có chuyện sau còn buồn hơn. Chiều trước lúc ăn cơm để tối xuống trận địa thì mấy chị em chúng tôi thấy mùi thịt nướng thơm lừng…, linh tính báo cho tôi chuyện chẳng lành… thì ra mấy bố đã quật xác nó lên, làm hết món luộc lại đến món chả… Tôi gần như ngất đi… Bỏ ăn bữa chiều. Chập tối, xuống trận địa, đồng chí chính trị viên của đơn vị công binh nói với tôi: “Thôi! Lài đừng quá đau buồn! Dù sao nó cũng là một con vật!... Và chiến tranh là thế!” Tôi cứng cỏi đáp lại: “Đồng chí cứ yên tâm! Với tôi, mọi thứ đã qua rồi! Trước mắt là sự sống của con đường… là mạch máu của hậu phương với tiền tuyến lớn”.

Dừng lại một lúc cho cơn xúc động qua đi, Lài hỏi hai người:

- Tôi kể mọi người có hiểu không?

- Rất hiểu! Câu chuyện về một con chó trong chiến tranh đã là như vậy! Thầy Ivan Ivanôvic cảm động nói. Với con người chắc còn khốc liệt hơn nhiều. Khi nào có dịp, tôi mong được nghe Lài kể tiếp về mình. Thời gian còn dài mà!...

“Con không chê cha mẹ khó,

Chó không chê chủ nghèo”

Ngạn ngữ

Xuân Bính Tuất 2006 - Xuân Mậu Tuất 2018.

BÙI VIỆT SỸ
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Truyện ngắn: Người vợ đĩ

Võ Chí Nhất |

Đố ai biết người đàn bà đương lững thững bước đi một mình ở ngã tư đằng kia, đi như thế từ lúc nào? Trông cô ấy như đang chờ đợi ai đấy. Mà thật vậy, thị đứng đấy từ lúc chạng vạng tối, lúc phố thị sầm uất nhất, náo nhiệt nhất. 

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Truyện ngắn: Mừng chiến thắng (Tặng các chàng trai U23 Việt Nam)

Võ Thị Xuân Hà |

Tuyết trắng
(Lời của chàng trai mãnh lực trên sân cỏ)
Không ai nghĩ tuyết sẽ rơi trên sân cỏ.
Nhưng tuyết đã rơi. Những bông tuyết trắng bay bay như trong truyện cổ tích. Nếu chỉ là một chuyến du lịch sang xứ này, có lẽ anh sẽ cùng cả nhóm chụp cho nhau những bức ảnh tyệt đẹp của tuyết. 
Quả thật tuyết quá đẹp, quá trắng trong. 
Đẹp đến rơi lệ.

Truyện ngắn: Cắt cỏ ven sông

nguyễn thu hằng |

Mẹ vẫn đi cắt cỏ ven sông. Đi ngược con sông qua ba ngôi làng, hai cái đồn Tây và năm cánh đồng là về tới nhà chị em Tho. Nhưng tối qua, chị Thơm vừa khóc vừa bảo đã sáu tháng nay mẹ chưa về nhà. Mẹ quá bận. Nghe nói nhà chồng mới của mẹ nuôi cả đàn trâu, mẹ suốt ngày đi cắt cỏ. 

Truyện ngắn: Người vợ đĩ

Võ Chí Nhất |

Đố ai biết người đàn bà đương lững thững bước đi một mình ở ngã tư đằng kia, đi như thế từ lúc nào? Trông cô ấy như đang chờ đợi ai đấy. Mà thật vậy, thị đứng đấy từ lúc chạng vạng tối, lúc phố thị sầm uất nhất, náo nhiệt nhất.