Theo lời kể của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, Nhà văn Lê Lựu là con người hết sức nông dân nhưng ngược lại, cách nhìn thời cuộc của ông cũng rất tinh quái, hóm hỉnh và luôn luôn có lòng tin.
Theo Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, giữa văn chương và cuộc đời của Nhà văn Lê Lựu rất khác nhau. Cuộc đời của ông là một người chân quê, mộc mạc, rất hào sảng đồng thời có cả chất nghĩa hiệp mặc dù tiền không có, nhưng cuộc đời cũng rất nhẹ nhõm.
"Văn chương của Nhà văn Lê Lựu rất tinh quái, những tác phẩm như "Sóng ở đáy sông", "Thời xa vắng" có những cảnh báo, dự báo về đời sống xã hội. Văn chương của ông không bao giờ cũ.
Đó là điều rất hiếm trong văn học, đọc lúc nào cũng được, đọc lúc nào cũng thấy mới. Nhưng mà quả thật, những nhân vật giữa văn và đời của Lê Lựu đều rất đặc biệt" Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước cho hay.
Nói về những kỷ niệm cùng Nhà văn Lê Lựu khi ông còn tại thế, Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước cho biết, Lê Lựu là một nhà văn quá nhiều nước mắt. Khi ông ốm, Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước cùng với Thiếuu tướng, Nhà văn Hồng Thái xuống thăm hỏi, cứ cầm tay là Nhà văn Lê Lựu lại khóc.
“Nhiều khi nghĩ lại, thấy Nhà văn Lê Lựu có nhiều khát vọng, ông luôn nghĩ rằng ngoài văn chương ra thì mình có thể làm được nhiều thứ khác.
Lê Lựu là một nhà văn tài hoa với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Ông không chỉ là một người đổi mới, ông còn là một Nhà văn với khát vọng muốn làm thật nhiều việc có ích cho đời. Nhưng tiếc rằng ông ấp ủ nhiều, nhưng rồi nhiều việc ông không kịp làm hoặc không thể làm” Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước tiếc nuối.
Nhà văn Lê Lựu luôn luôn ảo tưởng lòng tốt của nhiều người, họ cũng giống như mình, gặp nhiều điều không giống như văn chương. Vì thế, khi thực hiện một số dự án, Nhà văn Lê Lựu đã không thành công. Đó là điều khiến Lê Lựu mất quá nhiều thời gian.