Là bởi Trúc chỉ - Lời của sông (phiên bản 2017) quá đẹp về mặt thị giác, quá lạ về chất liệu và quy trình thực hiện, hệ thống tác phẩm quá hoành tránh vượt hình dung của giới làm nghề như tâm sự của họa sĩ lão thành Vũ Dương – nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Đà Nẵng.
Là bởi Trúc chỉ là một loại giấy nhưng không chỉ đơn giản là câu chuyện về một loại giấy hay một tấm giấy. Mà là một ý niệm thông qua tinh thần của cây tre để biểu hiện một loại hình nghệ thuật- giấy của người Việt, do người Việt tạo ra, chứ không phải chỉ để gọi tên một loại nguyên liệu.
Người Nhật có Hòa chỉ (washi), người Hàn có Hàn chỉ (hanji), người Trung Quốc có Xuyến chỉ thì chúng ta bây giờ có Trúc chỉ chứ không phải tên gọi nguyên liệu như: Gampi, Kozo, Hemp…
Là bởi Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam đã ra đời và định danh từ cách đây hơn 5 năm với rất nhiều triển lãm khắp cả nước. Và Trúc chỉ đã đóng cho nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật Đồ họa Việt Nam một loại hình mới với thuật ngữ ngữ “Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy”. Nhưng với số đông, ngay cả ở nơi khai sinh Trúc chỉ là Huế, Trúc chỉ vẫn đang mơ màng sương mù…
Ngay cả hình thức khai mạc, Trúc chỉ cũng mang đến cho công chúng Đà Nẵng một sự lạ lẫm khi thay cho nghi thức cắt băng như thường thấy là hình ảnh giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cùng một công dân nhí của thành phố cùng tự tay mình thao tác hai bức Trúc chỉ theo ý muốn.
Một biểu trượng của sự tiếp biến thế hệ và truyền thống – hiện đại theo lời họa sĩ Phan Hải Bằng - giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế, người sáng lập Dự án nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam.
Đặc biệt trong 5 ngày triển lãm, hàng ngày có các workshop để khán giả và người quan tâm, đặc biệt là sinh viên, nghệ sỹ… được trải nghiệm thực tế với Trúc chỉ.