Theo đó, buổi triển lãm giới thiệu đến công chúng 38 tác phẩm của 11 tác giả kéo dài từ ngày 14.7 đến hết ngày 12.8 tại Viện Pháp tại Huế (số 01 Lê Hồng Phong, TP.Huế).
Buổi triển lãm đúng vào dịp chào mừng ngày Quốc khánh Pháp (14.7). Có 38 tác phẩm của 11 tác giả: Đặng Thị Thu An, Phan Hải Bằng, Phan Thanh Bình, Phan Lê Chung, Nguyễn Ánh Dương, Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Vũ Lân, Nguyễn Thị Hiền Lê, Võ Quang Phát, Đỗ Xuân Phú và Nguyễn Phước Hải Trung sẽ trưng bày sản phẩm để gửi đến công chúng.

11 tác giả được giới mộ điệu đánh giá là những người có quá trình sáng tạo nghệ thuật lâu năm, các tác phẩm được mời tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.
Những nét chấm phá trong nghệ thuật của họ có phong cách cá nhân rõ rệt, kỹ thuật cao từ đó tạo sức ảnh hưởng không hề nhỏ đối với không ít nghệ sĩ trẻ.
Các sản phẩm của buổi triển lãm “Tứ diện” phong phú trong chất liệu nghệ thuật, từ sơn mài, sơn dầu, sơn tổng hợp cho đến trúc chỉ. 38 tác phẩm là những lựa chọn tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật mà 11 nghệ sĩ đã theo đuổi và tạo dựng tên tuổi trong suốt nhiều năm qua.

Mỗi sản phẩm đều mang đến cho công chúng một hấp dẫn và để lại ấn tượng riêng như: “Cõi tịnh” của Nguyễn Phước Hải Trung; hay độc đáo từ các bức tranh được vẽ trên trúc chỉ với tên gọi “Ngẫu liên - niềm vui” của Phan Hải Bằng; “Ánh sáng” của Nguyễn Đức Huy luôn níu chân người xem bởi sự sâu sắc trong cách phối màu, sự trừu tượng cao vút khiến người xem suy ngẫm…

Thế giới đối thoại của nghệ sĩ ở không gian hẹp là bốn bức tường trong “căn nhà sáng tạo” của mình; là bốn chiều kích không gian rộng xung quanh của Đông, Tây, Nam, Bắc được mở rộng bởi những chiều kích dọc - ngang; trên - dưới; qua - về. Mỗi người tự đối thoại với không gian và thời gian; các tác giả cùng đối thoại với nhau ở một giới hạn của “tứ diện” và đối thoại với người xem bằng nhiều cách.
Và vì thế, “Tứ diện” cũng chỉ là một cách nói mang tính ước lệ về một sự thông diễn của hành trình tìm kiếm không hơn. Trên hết, điều quan trọng là, mỗi tác giả tham gia triển lãm đều mong được tác phẩm nhận được sự sẻ chia từ phía đối diện của người xem.