Triển lãm được thực hiện bởi 10 anh chị em nghệ sỹ thuộc Dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam, thực hiện trong vòng hơn 3 tháng của năm 2017 và hơn nửa năm của năm 2016.
Trúc chỉ là tên gọi để chỉ kỹ thuật làm giấy mới (tre), một loại hình đồ họa mới. Với phép tiếp biến văn hóa, đã thổi hồn vào khái niệm giấy thủ công, vào tre trúc và các nguyên liệu sẵn có tại địa phương một tinh thần mới, một tinh thần của sáng tạo. Làm cho các chất liệu thân quen hiện ra với một ánh sáng và vị thế mới: ánh sáng của nghệ thuật.
Triển lãm sẽ trưng bày hệ thống tác phẩm được thể hiện bằng nghệ thuật Trúc Chỉ gồm hình tượng dòng sông Trúc chỉ dài 120m, mười hai mô hình trụ đứng. Trúc chỉ đa nghĩa, gợi hình ảnh chiếc áo tơi thân thuộc cũng như cấu trúc đặc thù của tín ngưỡng Miền Trung: Linga-Yoni với hệ thống hình ảnh gọi nhớ quê hương… hệ thống tác phẩm Trúc chỉ treo tường cùng chủ đề, motif hình ảnh, khai thác hiệu ứng bề mặt, hệ thống tác phẩm Trúc chỉ được bố trí phần sân bảo tàng khai thác ánh sáng tự nhiên… cùng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh và video bổ trợ. Tất cả sẽ được bố trí hòa hợp, thành một “đối thoại” với không gian triển lãm.
Triển lãm “TRÚC CHỈ- Lời của Sông” đã được trưng bày tại Viện Goethe Hà Nội (tháng 7.2016).
Ngoài ra, Khán giả sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nội dung, tư tưởng và ý nghĩa của tác phẩm triển lãm; về khái niệm, ý niệm, quá trình hình thành và quan niệm của Trúc chỉ với người sáng lập Trúc chỉ và các nghệ sỹ thuộc dự án Nghệ thuật Trúc chỉ Việt Nam. Đặc biệt là đóng góp của Trúc chỉ cho nghệ thuật tạo hình và Đồ họa Việt Nam một loại hình mới và thuật ngữ Đồ họa Trúc chỉ/ trucchigraphy.