Thời điểm nước nhà thống nhất, nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc “Mùa xuân đầu tiên” chứa đựng sự hòa giải, bác ái và tình yêu thương giữa con người. Đây cũng là một trong những ca khúc xuất sắc nhất trong âm nhạc của Việt Nam.
Trao đổi tại hội thảo khoa học về sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh, trong 3 lĩnh vực âm nhạc - hội họa - thi ca, việc bảo tồn những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Văn Cao cần được phát huy và hiện thực hóa khẩn trương.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói: “Là một nhạc sĩ, một sáng tác lý luận, khi xem biểu diễn, tôi luôn cảm thấy trong lòng còn điều gì đó mắc nợ với chính tác giả Văn Cao. Bởi, chúng ta chưa có được một bản chuẩn về bản phổ cũng như về diễn tấu để đúng tinh thần của nhạc sĩ Văn Cao. Đây là điều mà tôi trăn trở từ rất lâu rồi.
Trong những sự kiện quan trọng, khoảnh khắc thiêng liêng của đất nước, chúng ta chưa có được một bản nhạc vang lên đúng nghĩa”.
Theo nhạc sĩ, muốn một bản nhạc đúng nghĩa, ngoài giai điệu, ca từ của nhạc sĩ Văn Cao còn cần phải có những yếu tố về nghệ thuật, âm nhạc. Bản nhạc phải đúng nhất với nguyên tác gốc, có giai điệu, tiết tấu, hòa thanh chuẩn nhất dù quốc tế hay trong nước chơi bản nhạc đó. Dù đánh bản nhạc bằng nhạc dân tộc, bằng dàn nhạc kèn, dàn nhạc giao hưởng đều phải đúng nguyên tác.
Ngoài ra, các ca khúc mà nhạc sĩ Văn Cao để lại được các nghệ sĩ trẻ thể hiện ngày nay đều bị tam sao thất bản. “Không bài nào chính xác với ý đồ của nhạc sĩ Văn Cao. Tư duy chuyển giọng của nhạc sĩ Văn Cao chưa có ca sĩ trẻ nào thể hiện được. Trong các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của văn học nghệ thuật nói chung, chúng ta nên số hóa và giữ lại tất cả các tác phẩm về văn học, trong đó có âm nhạc. Chúng ta giữ lại bản nhạc, file âm thanh, phần biểu diễn chuẩn nhất để làm mẫu, truyền lại cho đời con cháu sau này” - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Về thi ca, tuy nhạc sĩ Văn Cao không để lại nhiều tác phẩm nhưng thơ của ông được đánh giá là mang chiều sâu, tư tưởng của người nghệ sĩ: Nhân văn, duy mỹ, đề cao vẻ đẹp tinh thần, thẩm mỹ khiến thơ của ông luôn mới, riêng biệt.
Về hội họa, bên cạnh hàng trăm bìa sách minh họa, hình ảnh chụp lại những bức tranh sơn dầu của ông cho thấy tư duy hội họa của nhạc sĩ Văn Cao rất độc đáo, quyến rũ nhưng hiện đại.
Bằng cách nhìn trí tuệ, khách quan khoa học với độ lùi lịch sử nhất định, các đức tính về phẩm chất, tài năng, phong cách nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao được phác họa một cách tiệm cận nhất với chính con người ông.
Nhạc sĩ Văn Cao được phác họa là hình ảnh một người nghệ sĩ ham học hỏi, tài năng và khát khao luôn đổi mới để vươn tới cảnh giới cao nhất của chân - thiện - mỹ.
Các tác phẩm nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao thuộc ba lĩnh vực: Âm nhạc - hội họa - thi ca đều mang tính dự báo, thể hiện tài năng nghệ thuật thiên tài của ông.
Tác phẩm của nhạc sĩ Văn Cao đã vượt qua thử thách khắc nghiệt nhất là thời gian, để tiếp tục đi trên con tàu trong hành trình chạm đến “bất tử”. Thời gian không làm nhạc sĩ Văn Cao bị lãng quên, mà ngược lại làm cho ông được nhớ mãi.
Nhạc sĩ, hoạ sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Đi theo con đường giống cha, tôi được mọi người trong nghề kính trọng. Đó là điều tôi tự hào nhưng cũng dặn bản thân phải cẩn thận, khiêm tốn hơn trong mọi việc”.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923. Ông sinh ra và lớn lên tại Lạch Tray, Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân trong một gia đình viên chức. Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Năm 1996, cố nhạc sĩ Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên. Ông cũng đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba...