Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hoá Toàn quốc trong lĩnh vực văn học

Mai Hương (Thực hiện) |

Sau Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021, trong 1 năm qua, đời sống văn học, nghệ thuật ở các địa phương, đơn vị trên cả nước đã có những sự chuyển biến rõ rệt. Để hiểu thêm về sự thay đổi này, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với Nhà văn Bùi Việt Thắng.

Xin chào Nhà văn Bùi Việt Thắng, sau 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, có thể thấy, một cuộc đổi mới trong lĩnh vực văn hoá, biến văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc, đất nước, đã được diễn ra. Nhìn lại 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư, ông đánh giá toàn diện về nền văn hoá nước nhà như thế nào?

- Qua các Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (1945), lần thứ hai (1948) đến lần thứ ba (2021), chúng ta ghi nhận thấy vai trò cực kỳ quan trọng của văn hóa: “Soi đường cho quốc dân đi” và “Văn hóa còn dân tộc còn”. Như vậy có thể hiểu, văn hóa là “chân tủy” của một quốc gia, dân tộc, đất nước trong bất kỳ thời đại nào (từ cổ chí kim), bất kỳ không gian nào (từ Đông sang Tây). Văn hóa thấm vào “chân tơ kẽ tóc” đời sống của mỗi con người - từ cách tư duy, cảm xúc, hành xử, đến trang phục, ẩm thực, giải trí,...

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 là sự kế tục tinh thần căn bản của các hội nghị trước đó. Từ đây, văn hóa được xác định có vị trí ngang bằng với chính trị - kinh tế - xã hội. Chính sách văn hóa đã có những chuyển động (đầu tư thích đáng) sẽ kích hoạt cả vật lực cả nhân lực - hai yếu tố thành công của bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của con người. Văn hóa được xác định như một trong bốn mũi giáp công kiến tạo xã hội mới (chính trị - kinh tế - xã hội - văn hóa). Chúng ta không thể đọ sức, đua tài với thế giới bằng thương hiệu các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Microsoft của tài phiệt Bill Gates, ở Mỹ chẳng hạn. Cái chúng ta nếu có thể trình làng ở phạm vi toàn cầu chỉ có thể là văn hóa.

Trong lĩnh vực văn học, việc tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật đã có những đổi mới gì, thưa ông?

- Văn học nghệ thuật là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa. Năm 2022 có thể gọi là “Năm văn hóa Việt Nam”. Bởi từ cuối năm 2021, UNESCO đã công nhận và vinh danh hai nhà văn tài năng Việt Nam Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương là Danh nhân Văn  hóa thế giới. Hai địa phương Bến Tre và Nghệ An đã tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về thân thế, sự nghiệp của hai văn nhân quê hương, đồng thời tổ chức thành công lễ đón bằng công nhận của UNESCO về Danh nhân Văn hóa thế giới trong không khí phấn khởi và tự hào.

Năm 2022, có thể nói là khoảng thời gian giữa nhiệm kỳ của Hội Nhà văn Việt Nam khởi sắc và nhiều hy vọng. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X tổ chức ở thành phố Đà Nẵng (6.2022) đã thể hiện chiến lược văn học của Hội Nhà văn Việt Nam - hướng tới tương lai trên nền tảng và nội lực văn trẻ.

Trong một động hướng tích cực, đề án sách cho thiếu nhi đang được hiện thực hóa và có nhiều triển vọng hứa hẹn. Sách cần cho mỗi người, mỗi nhà, cho cả cộng đồng vì văn hóa đọc là đầu tiên và cuối cùng, dẫu cho văn hóa nghe nhìn đang bành trướng chiếm dần thị phần sinh hoạt tinh thần của con người thời đại. Giải sách Quốc gia 2022 cũng đã tôn vinh văn chương (các tác phẩm được giải: “Cô bé nhìn mưa” của Đặng Thị Hanh, “Nậm Ngặt mây trắng” của Nguyễn Hùng Sơn...).

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, văn nghệ sĩ trên toàn quốc đã đẩy mạnh phát triển không gian văn hóa công cộng, tăng cường hoạt động sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian. Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động này sau 1 năm?

- Không gian văn hóa công cộng không phải bây giờ mới đặt ra như một nhu cầu thiết yếu. Từ xưa, trong Folklore không gian văn hóa công cộng đã được coi là then chốt (nhất là các loại hình nghệ thuật biểu diễn). Chẳng qua là chúng ta phục hồi những thuần phong mỹ tục bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý vì nhiều lý do khác nhau. Các cuộc triển lãm, hội diễn có quy mô toàn quốc dành cho các hình nghệ thuật đã được tổ chức bài bản hơn, quy mô hơn, hiệu quả hơn.

Theo tôi quan trọng nhất là kéo, đưa được quảng đại quần chúng vào tham dự sự kiện, có khi đóng vai trò tích cực đồng sáng tạo. Những hoạt động này như dấu chỉ xác nhận quan niệm cái đẹp chính là cuộc sống, nghệ thuật không thể thu mình trong các “sa lông”, cho một nhúm người tự xưng là “tinh hoa”, như một thứ “trend”, “mode”.

Ông đánh giá như thế nào về sự quản lý của các cấp chính quyền trên lĩnh vực văn học?

- Tôi đã trải nghiệm hoạt động văn học từ Trung ương (các Ban, Bộ, Ngành) tới địa phương (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh/ thành phố). Nên nhận ra một thực tế: Ở đâu cán bộ lãnh đạo quan tâm đến Văn học Nghệ thuật thì ở đó anh chị em văn nghệ sĩ được nhờ (“mở mày mở mặt” như dân gian nói). Nhưng cũng có địa phương các vấn đề Văn học Nghệ thuật chỉ được xếp vào mục/ nội dung cuối cùng của các tờ trình nghị sự đặt lên bàn họp.

Cán bộ lãnh đạo chưa đủ tầm không nhìn thấy Văn học Nghệ thuật là cốt lõi của văn hóa, lợi ích lâu dài của Văn học Nghệ thuật như là của để dành tinh thần cho các thế hệ mai sau. Hạn chế này là do tư duy nhiệm kỳ, thói ăn xổi ở thì như dân gian nói. Thậm chí cán bộ lãnh đạo các cấp khi được tổ chức phân công phụ trách văn hóa thì coi như mình “rủi ro” (!?) khi so sánh với trang lứa phụ trách các ngành giao thông, tài chính, xây dựng, y tế,...

Theo ông, những đóng góp của lĩnh vực văn học vào công cuộc đổi mới nền văn hoá là gì?

- Định đề “Văn học là nhân học” giống như các định đề trong toán học. Chiến lược con người chính là chiến lược văn hóa. Xét sâu hơn, văn học là nghệ thuật ngôn từ. Tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt “như bùn và như lụa” (Lưu Quang Vũ) là một dấu chỉ của trình độ tư duy, năng lực cảm xúc.

Những câu thơ sau nhiều người tưởng là ca dao: “Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về nhà” ( Ngô Văn Phú - Mây và bông). Văn học chất lượng cao có thể đóng vai trò nhịp cầu giao lưu, đại sứ văn hóa theo quy luật tiếp biến văn hóa. Gần đây chúng ta đã xuất khẩu văn hóa bằng (thông qua) văn học (các tác phẩm của Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quan Thiều,...).

Vậy trong lĩnh vực văn học, những khó khăn, hạn chế còn tồn tại là gì, thưa ông?

- Khó khăn, hạn chế thì nhiều. Nhưng vắn tắt là thiếu cả “nhân lực” lẫn “vật lực”. Hiện Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.600 hội viên (con số tính đến năm 2020). Người ta gọi vui đó là “Hội người già” (trên 60 tuổi là gần 70%). Người trẻ không mặn mà với nghề chữ vì “lập thân tối hạ thị văn chương”. Thêm vào kinh phí đầu tư cho ngành sản xuất chữ nghĩa eo hẹp.

Nhà văn sống đạm bạc thanh bần. Các chính sách văn hóa nhằm phát triển văn học chưa hoàn thiện và khó khăn khi đi vào thực tiễn. Cái khó bó cái khôn. Cũng có một thiểu số biết cách làm cho cái khó ló cái khôn. Nhưng nhìn chung mặt bằng văn chương chưa cao dẫu số lượng tác phẩm in ra ngày càng nhiều. Một nghịch lý khó bề khắc phục.

Theo ông, cần làm gì để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hoá toàn quốc 2021?

- Một quyết sách dẫu đúng đắn nhưng đi vào thực tế còn gian nan khi hiện thực hóa. Bởi “Lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe). Để thực hiện tốt kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba (2021) thì cần một cuộc ra quân tổng lực, thực sự là một “cuộc chiến đấu vĩ đại” của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Muốn tới thắng lợi thì chúng ta phải đoàn kết nhất trí từ trên xuống dưới, phải huy động càng nhiều hiến kế, sáng kiến văn hóa. Để một ngày, chúng ta tự hào xướng lên: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu” (Nguyễn Trãi - Bình ngô đại cáo).

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Mai Hương (Thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Giáo dục 24/7: Viện Văn học lên tiếng về việc sách đạt giải bị tố đạo nhái

Linh Trang - Bắc Hà |

Giáo dục 24/7: Sách đạt giải của Hội Nhà văn bị tố 'đạo văn', Viện Văn học lên tiếng; Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh trên cả nước; Trường học 'xé rào' thu phí gây bức xúc: trách nhiệm của ban giám hiệu ở đâu?;...

Thời xa vắng - phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đặc sắc của Lê Lựu

Trang Ngọc |

Lúc sinh thời, nhà văn Lê Lựu (12.12.1942-9.11.2022) đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc như "Sóng ở đáy sông", "Thời xa vắng", "Chuyện làng Cuội"...

Nhà văn Lê Lựu: Nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam

Hải Minh |

Theo lời Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Lê Lựu là một nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Giáo dục 24/7: Viện Văn học lên tiếng về việc sách đạt giải bị tố đạo nhái

Linh Trang - Bắc Hà |

Giáo dục 24/7: Sách đạt giải của Hội Nhà văn bị tố 'đạo văn', Viện Văn học lên tiếng; Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2023 của học sinh trên cả nước; Trường học 'xé rào' thu phí gây bức xúc: trách nhiệm của ban giám hiệu ở đâu?;...

Thời xa vắng - phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đặc sắc của Lê Lựu

Trang Ngọc |

Lúc sinh thời, nhà văn Lê Lựu (12.12.1942-9.11.2022) đã để lại nhiều tác phẩm đặc sắc như "Sóng ở đáy sông", "Thời xa vắng", "Chuyện làng Cuội"...

Nhà văn Lê Lựu: Nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam

Hải Minh |

Theo lời Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nhà văn Lê Lựu là một nhân vật đặc biệt của văn học Việt Nam.