Chuẩn mực về cái đẹp thay đổi
Cuộc thi sắc đẹp đầu tiên được tổ chức ở Mỹ vào năm 1921 với tên gọi Hoa hậu Mỹ. Đây được coi là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của các đấu trường nhan sắc ngày nay.
Sau đó, cuộc thi Hoa hậu Thế giới vấp phải những tranh cãi đầu tiên khi tổ chức phần thi bikini. Trong thời đại đồ bơi kín đáo được coi là thứ bắt buộc, Miss World vẫn kiên quyết cho thí sinh trình diễn áo tắm, tìm ra người đẹp nhất và trao vương miện.
Từ đây, tất cả các thí sinh đều phải đáp ứng các tiêu chí nhất định để có thể đăng quang, bao gồm một cơ thể mảnh mai và săn chắc, nụ cười hoàn hảo, mái tóc dài bồng bềnh, vòng 1 nở nang và đôi chân dài thẳng.
Theo Image, không thể phủ nhận rằng những thí sinh thi hoa hậu đều xinh đẹp, nhưng "cái đẹp" có nhiều hình dạng, nhiều hình thức và kích cỡ.
Có thể nói, các cuộc thi sắc đẹp cổ vũ những kỳ vọng không thực tế về một người phụ nữ, rằng họ nên có ngoại hình như thế nào và cư xử ra sao.
Những giải phụ như "hoa hậu có thể hình đẹp", "hoa hậu có nụ cười đẹp" hay "hoa hậu có làn da không tì vết" xác định mọi đặc điểm cơ thể của phụ nữ một cách máy móc.
Cùng bộ tiêu chí như trên, những người phụ nữ đã lấy chồng, trên 30 tuổi, có chiều cao khiêm tốn, cơ thể đầy đặn... được coi là không đạt "chuẩn".
Ở một số quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Châu Á, việc giành chiến thắng trong một cuộc thi nổi tiếng thế giới được coi là vinh dự lớn, mang lại niềm tự hào cho đất nước.
Những chiếc vương miện mang lại hy vọng cho hàng triệu phụ nữ - nhất là ở các quốc gia nghèo đói - để thoát khỏi cảnh nợ nần, có một cuộc sống chất lượng hơn.
Tờ Outlook nhận định, với hàng loạt lợi ích "từ trên trời rơi xuống", các cuộc thi sắc đẹp dạy các cô gái trẻ rằng họ cần phải xinh đẹp, nóng bỏng để trở nên thành công.
Thế giới không còn quan tâm "nữ hoàng sắc đẹp"
Từ năm 1994 đến 2000, Ấn Độ có 6 nữ hoàng sắc đẹp toàn cầu. Nhưng "phong trào" hoa hậu bắt đầu suy yếu bởi lẽ không giống như trước đây, trở thành hoa hậu không còn đảm bảo cho một cô gái có suất bước chân vào Bollywood.
Tác giả Kiran Manral nhận định: "Tôi nghĩ các cuộc thi sắc đẹp đều dựa trên việc đánh giá phụ nữ chủ yếu bằng vẻ đẹp bên ngoài của họ. Thế hệ trẻ có thể thấy bất công nếu được xếp hạng bởi vẻ đẹp ngoại hình. Ở Ấn Độ, chiến thắng trong các cuộc thi sắc đẹp được coi là bước đầu tiên trong sự nghiệp điện ảnh. Ngoài những người muốn nổi tiếng, ngoài ra, tôi không chắc các cô gái trẻ ngày nay quan tâm đến việc tham gia hay xem các cuộc thi hoa hậu".
Thập niên 1990 và đầu những năm 2000 là thời điểm mà hầu hết các thiếu nữ đều khao khát trở thành hoa hậu. Các hoa hậu từng là "đại sứ thương hiệu" cho đất nước và được ngưỡng mộ, tung hô.
Theo Youth Inc, người thực sự được hưởng lợi từ những cuộc thi hoa hậu chắc chắn không phải là số đông. Các cuộc thi sắc đẹp hoạt động như công xưởng hái ra tiền cho ban tổ chức.
Và khi được hỏi "Bạn mong muốn điều gì nhất", những thí sinh sẽ nhắc đến hòa bình và những thứ được cho là tốt đẹp.
Sự sáo rỗng, rập khuôn và quy chuẩn phi thực tế về cái đẹp là những yếu tố khiến Hoa hậu "mất giá".
"Nếu các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận những người ở mọi tầng lớp, với mọi hình dáng cơ thể, đó sẽ là một thay đổi mang tính cách mạng và thật sự tạo nên một xã hội hạnh phúc lành mạnh", tờ Youth Inc khẳng định.