Theo TS-NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh - chia sẻ tại Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Hà Nội tháng 8.2019: Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây tăng trung bình từ 25-30%/năm. Năm 2000, doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam khoảng 2 triệu USD, đến năm 2015 con số này tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018 đạt gần 150 triệu USD.
Số lượng phim Việt Nam sản xuất ngày càng tăng, đặc biệt đa số được sản xuất bằng nguồn vốn xã hội hóa do tư nhân đầu tư và từ các nguồn tài chính khác, khi nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế. Bộ VHTTDL xây dựng 5 chính sách, trong đó riêng chính sách 3 về Quản lý phát hành và phổ biến phim, giải pháp đầu tiên đưa ra là quy định số buổi chiếu phim Việt Nam đối với mỗi phòng chiếu và tỉ lệ quy định chiếu phim Việt Nam theo đơn vị thời gian....
Theo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến 2020 - Tầm nhìn đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt thì đến 2020, tỉ lệ phim Việt chiếu rạp phải đạt ít nhất 35% số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên tổng số buổi chiếu phim tại rạp và năm 2030 là ít nhất 45%. Việc quy định số buổi chiếu phim Việt sẽ nảy sinh 2 câu hỏi lớn: Làm sao số lượng phim Việt sản xuất ra đủ cầu? Và chất lượng phim Việt liệu có thể cạnh tranh với phim ngoại?
Khi tư nhân có tiếng nói quyết định
Theo nhà sản xuất phim tư nhân BHD thì hiện có khoảng dưới 50 doanh nghiệp tại Việt Nam thực sự sản xuất phim, trong đó dưới 15 doanh nghiệp đã sản xuất từ 2 bộ phim trở lên. Kinh phí sản xuất một bộ phim khoảng từ 5 - 30 tỉ đồng. Trước và đầu những năm 2000, mỗi năm có từ 5- 10 phim Việt Nam được sản xuất, chủ yếu là phim nhà nước đặt hàng. Từ năm 2004 trở lại đây, chủ yếu là phim tư nhân sản xuất và hằng năm số phim Việt tăng dần lên…
Như vậy, tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng nếu không muốn nói là quyết định trong việc tăng tỉ lệ phim Việt chiếu rạp. Hiện nay, phim Việt mới chỉ chiếm khoảng 20-30% thị phần về doanh thu… và để con số này có thể tăng lên 40-50%, theo BHD thì cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các chính sách của Nhà nước và được cạnh tranh sòng phẳng, không bị chèn ép hoặc bị áp đặt những điều kiện không công bằng so với phim ngoại...
Theo đó, hiện nay 2 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp chiếu phim nắm phần lớn đầu ra của công nghiệp điện ảnh của Việt Nam là CGV 43% và Lotte 20%, đều là các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Hàn Quốc, quyết định cung cấp phim gì cho khán giả xem. Việc doanh nghiệp Việt Nam không có hệ thống rạp sẽ vô cùng khó khăn cho các bộ phim Việt Nam do các nhà sản xuất không phải là CGV hoặc không hợp tác theo đúng các điều khoản CGV áp đặt đưa ra. Vì vậy, những năm gần đây có thể thấy các công ty sản xuất phim lớn của Việt Nam như: BHD, Galaxy, Sóng Vàng... phải chuyển sang xây dựng rạp chiếu để không quá bị ép trong quá trình đàm phán đưa phim ra rạp.
Nỗi lo việc thiếu các rào cản thương mại để bảo vệ công nghiệp điện ảnh dân tộc, và điện ảnh Việt sẽ chỉ là thị trường tiêu thụ của các nền công nghiệp lớn là hiện hữu.
Vì thế một số nhà làm phim tư nhân như Cty BHD đề xuất cần đảm bảo một thị trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng như một cơ chế đối xử bình đẳng giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài. Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần bổ sung các quy định cụ thể về tỉ lệ phân chia doanh thu bán vé bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài... Cũng như cần thiết kế các rào cản kỹ thuật về thương mại để hỗ trợ điện ảnh Việt Nam phát triển và cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào phát triển công nghiệp điện ảnh về thuế, đất đai và tài chính…
Ở một góc nhìn khác, NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - đưa ra đề xuất: Có quy định ràng buộc các công ty nước ngoài phải đầu tư sản xuất phim tại Việt Nam (hoặc phát hành phim Việt Nam) về đề tài, vấn đề của Việt Nam căn cứ trên tỉ lệ nhập phim ngoại (Ví dụ, công ty nào nhập 3 phim ngoại thì phải góp vốn đầu tư sản xuất 1 phim tại Việt Nam, hoặc phát hành 1 phim Việt Nam thì được nhập 3 phim ngoại, cùng với nó các phòng chiếu cũng quy định phải chiếu phim Việt Nam theo quy định trong chiến lược phát triển điện ảnh…).
Chất lượng phim Việt, bài toán nan giải
Theo một báo cáo gần đây, số lượng các bộ phim Việt ra rạp trong 3 năm gần đây trung bình khoảng 40 phim/năm nhưng số các bộ phim thành công và hoà vốn chỉ chiếm 1/3, còn lại là lỗ.
Thời điểm công chiếu, chất lượng các phim Việt đa phần chưa cao khiến sức cạnh tranh với phim ngoại trở nên yếu kém. Việc tăng tỉ lệ chiếu phim Việt nếu không đi kèm với nâng cao chất lượng phim thì sẽ trở nên khập khiễng.
Các nhà làm phim tư nhân chú trọng doanh thu, vì thế thường chỉ tập trung vào phim hài, hành động, kinh dị... mang tính giải trí thuần túy. Họ rất ít khi bỏ vốn, đầu tư cho phim nghệ thuật, nếu không có ưu đãi của cơ chế Nhà nước về thời điểm chiếu, về tỉ lệ doanh thu… và thậm chí với phim có tính nghệ thuật cao sẵn sàng góp vốn cùng sản xuất.
Yếu tố quyết định vẫn là con người, bởi thế tài năng của các nhà làm phim Việt là quan trọng nhất. Hiện nay, một số tên tuổi của giới đạo diễn trẻ phim Việt đang nổi lên như: Phạm Ngọc Lân, Vũ Ngọc Phượng… làm sao để nuôi dưỡng và phát triển họ mới là vấn đề.
Việc tạo ra một thị trường phim Việt nhiều màu, đa dạng với các dòng phim khác nhau, kể cả phim mang tính giáo dục hay nghệ thuật mang tính thử nghiệm sẽ tạo nên sức sống mạnh mẽ cho điện ảnh dân tộc.