Hơn 2.200 năm trước, Tần Thủy Hoàng hoàn tất cuộc chiến tranh thống nhất bờ cõi để lập nên đất nước Trung Hoa, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên trong lịch sử.
Để bảo vệ đế chế của mình, ông đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành - nơi được mệnh danh là cửa ải lớn nhất trong thiên hạ. Đồng thời, Tần Thủy Hoàng cho khởi công tạo nên khu lăng mộ hoành tráng bậc nhất để chuẩn bị đưa chính mình sang thế giới bên kia.
Nhưng sau khi Tần Thủy Hoàng băng hà, nhà Tần sụp đổ trong nội chiến và bạo loạn. Vị trí lăng mộ vĩ đại này cũng biến mất khỏi lịch sử từ đó.
Phim tài liệu "Bí ẩn của những chiến binh đất nung" (""Mysteries of the Terracotta Warriors", Netflix, 2024) đưa khán giả theo chân các nhà khảo cổ đến với lăng mộ Tần Thủy Hoàng tại Ly Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc). Bộ phim mở ra hành trình khai quật và giải mã bí ẩn về lăng mộ khổng lồ nằm sâu dưới lòng đất, với những con số vô cùng ấn tượng.
Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây được xây dựng bởi hàng trăm nghìn lao động trong gần 4 thập kỷ và hoàn thành vào khoảng năm 208 TCN.
Lăng mộ rộng 49km vuông, bên trong chứa hàng trăm ngàn mảnh lớn nhỏ của những chiến binh đất nung.
Theo thống kê, có khoảng 8.000 tượng người đất nung được phát hiện ở nơi mai táng của Tần Thủy Hoàng.
Tiến sĩ Hứa Minh Đức - Nhà sử học thời Tần nhận xét: "8.000 chiến binh đất nung được chôn cạnh vị Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, chắc chắn là một trong những phát hiện khảo cổ lớn nhất mọi thời đại. Đáng kinh ngạc hơn, những chiến binh đang cùng nhau bảo vệ một thứ, đó là lăng mộ Tần Thủy Hoàng".
Khi được khai quật, các chiến binh đất nung trong lăng mộ đã không còn lành lặn. Mỗi bức tượng có thể vỡ thành gần 400 mảnh lớn nhỏ.
Các nhà khảo cổ có thể mất 3 năm để phục chế 1 bức tượng và đưa nó trở lại trong đội quân dưới lăng mộ Tần Thủy Hoàng.
Ngược về quá khứ, vị Hoàng đế trẻ tuổi bắt đầu xây dựng lăng mộ từ năm 13 tuổi.
Sau khi thống nhất giang sơn, Tần Thủy Hoàng đưa hơn 700.000 phạm nhân đến Ly Sơn để xây lăng mộ.
Xưởng thủ công ở các thị trấn được chuyển đổi thành dây chuyền sản xuất đất nung khổng lồ, với những người thợ được đưa về từ khắp nơi trên cả nước.
Dù dựng lên hàng ngàn tượng đất nung, mỗi bức tượng đều được những thợ thủ công chăm chút tỉ mỉ từng li từng tí.
Dường như mỗi tượng đất nung đều được lấy nguyên mẫu từ các chiến binh ngoài đời thật.
Ngoài ra, quá trình khảo sát lăng mộ còn tìm thấy 150 tượng ngựa kỵ binh, 130 tượng chiến xa tứ mã. Khu vực có lớp đất bao bọc bên trên địa cung, đoàn khảo cổ phát hiện thấy 300 đường hầm bồi táng (chôn kèm theo xác) với trên 5 vạn cổ vật quan trọng. Rải rác khắp lăng mộ là hàng trăm ngôi mộ chứa hài cốt các phi tần, con cháu của Tần Thủy Hoàng.
"Sử ký" của Tư Mã Thiên viết: "Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng nung và đưa quách vào.
Đem những đồ quý báu của các cung điện, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, như Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy dầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy mãi mãi".
Sau khi chôn cất Tần Thủy Hoàng, có lời đồn rằng những người thợ xây dựng và cất giấu báu vật có thể tiết lộ lối vào, gây nguy hiểm cho lăng mộ. Do đó, Tân đế Hồ Hợi đã sai người đóng kín đường hầm đi đến huyệt mộ Tần Thủy Hoàng và cả cửa ngoài hầm.
Tất cả những người biết rõ về kiến trúc, lối vào lăng mộ và nơi cất giấu báu vật đều bị nhốt kín trong lăng mộ, mãi mãi không thể thoát ra. Bên ngoài, Tân đế sai người trồng cây cỏ lên trên, ngụy trang thành một ngọn núi bình thường.
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng cất chứa những kho báu và bí mật khổng lồ, với giá trị lịch sử vô cùng to lớn, cứ như vậy biến mất khỏi lịch sử Trung Quốc, cho đến hàng ngàn năm sau mới được phát hiện và khai quật.