Tản mạn về một cánh “sài môn”

ngô mai phong |

1. Ngày lạnh. Mở Đường thi ra đọc, gặp đúng bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Lưu Trường Khanh vốn từ lâu vẫn thích. 

Xin được chép nguyên văn:

Phùng tuyết túc Phù Dung sơn chủ nhân 

Nhật mộ thương sơn viễn 

Thiên hàn bạch ốc bần       

Sài môn văn khuyển phệ

Phong tuyết dạ quy nhân

Nghĩa :

Gặp tuyết, trú nhờ chủ nhân nhà ở núi Phù Dung

Chiều lặn, núi xanh càng xa hơn 

Trời lạnh, ngôi nhà tiêu sơ càng nghèo nàn  

Ngoài cổng sài nghe có tiếng chó sủa

Người về trong đêm gió tuyết.

Tạm dịch:

Chiều phủ mờ núi thẳm

Trời lạnh thấu mái nghèo

Cổng hờ nghe chó sủa

Người về đêm tuyết reo.

Bài thơ chỉ có bốn câu, tựa đề dài như một tít tin thông tấn, cắt nghĩa rành mạch về hoàn cảnh, địa điểm và lý do nhân vật  phải trú nhờ một nếp nhà nơi sơn cước có tên gọi núi Phù Dung. Tựa đề dù dài vậy nhưng lại là tấm biển chỉ đường không thể thiếu, đưa người đọc đi thẳng vào thế giới của bức tranh nhân thế được họa bằng ngôn ngữ niêm luật với lượng từ đong từng gam, cực kỳ chặt chẽ và chắt lọc.  

Dòng một là nhìn bằng mắt. Dòng hai, cảm bằng da. Dòng ba, biết bằng tai. Dòng bốn, ngộ từ lòng. Toàn bài là các lớp hình ảnh nối tiếp nhau, từ đầu cho đến kết thúc chỉ như bâng quơ câu chuyện của lữ khách về non xa, trời lạnh, mái nghèo, gió tuyết, không một lời biện giải. Nhưng âm hưởng tinh thần của bài thơ ngân nga mãi. Đó cũng chính là giá trị kinh điển của thi pháp Đường thi.

Chẳng phải ngẫu nhiên Lưu Trường Khanh được giới văn chương, học thuật cùng thời mệnh danh là “Ngũ ngôn trường thành”, thực tế, giá trị nhân đạo và bút pháp Lưu Trường Khanh trong thể loại thơ ngũ ngôn nhiều bài có thể đạt ngang tầm tài ngũ ngôn của Đỗ Phủ. 

“Phùng tuyết túc phù dung sơn chủ nhân” của Lưu Trường Khanh đọc lần đầu như gió thoảng. Đọc lần sau, như gió nổi. Đọc lần sau nữa, thấy tuyết bay, lửa reo... Thơ ông là thứ thơ tự nghiệm.

2. Nhà văn Võ Huy Tâm kể, những năm đầu thập niên 80 thế kỷ trước, lương thực thiếu quá, ông bèn bỏ vợ con lại Cẩm Phả, một mình vào rừng phát đồi, mở trang trại trồng sắn và trồng dứa. Cái trang trại được ông đặt tên Thạch Anh Trang kỳ thực chỉ có mỗi một túp lều mái lau, vách đất. Còn  ông chủ áo may ô, quần đùi, gầy nhẳng và đen nhẻm. Nhà tôi và lũ trẻ cứ sợ tôi ở một mình buồn. Nhưng còn lúc nào mà buồn. Ngày vật đất, đêm vật bút. Cũng có lúc rệu rã. Đang rệu rã bỗng có khách tới thăm. Thế là còn tí rượu bỏ ra, lại vui như khướu. Tôi hỏi: “Khách văn à?”. Ông Tâm cười khờ khờ: “Không, là một ông ăn mày đi ngang qua thôi. Thấy nương thì ghé vào xin củ sắn”. “Bác có cho không?”. “Cho chứ. Ông ấy có mỗi cái bao con, tôi phải nghĩ cách bó như hai bó củi cho dễ quẩy”. “Ông ta có biết bác là nhà văn không?”. “Biết thì để làm gì. Họ cũng là con người như mình. Ông ấy còn ghé thăm tôi một vài lần nữa. Có lần ngủ lại”. “Bác dễ thân thật đấy”. “Ờ, có thể. Ăn mày họ cũng tinh lắm, nếu nom người dữ chẳng ai dám đến xin đâu” - ông Tâm lại cười khờ khờ. Bao nhiêu năm, tôi vẫn không sao quên giọng cười khờ khờ của một người hiền.

3. Lại nhớ vụ cá bắc năm nào, tôi lên một con tàu hợp tác xã của Hòn Gai đi đánh cá mập ở vùng biển ngoài khơi Long Châu. Người gửi tôi đi là một lãnh đạo ngành thủy sản. Ông muốn tôi viết giới thiệu về thành công của dự án thực nghiệm dùng lưới rê 3 lớp đánh bắt cá mập tuyến khơi (khi ấy, người ta đang cần vi cá mập để xuất khẩu theo đơn đặt hàng từ phía Hồng Kông - Trung Quốc). Còn tôi thì thích đi chơi. 

Thuyền trưởng là ông già tên Hiền. Con mắt phải chỉ thấy một hốc sâu, xung quanh nhằng nhịt sẹo như vết nổ. Đó là nhát quất đuôi chí tử của một con cá đuối lớn mắc câu khi ông lôi lên thuyền và chuyện bất cẩn này đã xảy ra từ hồi còn trai tráng.  

 Ông Hiền chẳng hỏi tôi nhà đâu, đời sống ra sao, công việc tốt không. Cũng chẳng “tranh thủ báo cáo toàn diện thành tích của đội tàu” như vị lãnh đạo ngành đã dặn dò. Lại bảo: “Trong khoang còn rượu nhé, chú em muốn cứ lấy tợp, rồi cố mà ngủ đi, ngoài kia sóng lắm đấy”. Đêm đầu tiên, Tàu đánh được con cá mập lưỡi búa nặng 161kg.  Đêm thứ hai, tôi để tuột tay văng xuống biển mất tăm ngọn đèn măng - sông duy nhất khi cả tàu đang gò lưng kéo lưới. Tôi giận mình muốn phát khóc. Ngày thứ ba, tôi nôn cả ra áo, ông Hiền phải lau nước ấm và lột chiếc chiếc khăn len trên cổ mình quấn cho tôi. Ai đó bưng ra cháo nóng, nhưng tôi đã mềm nhũn. Bữa về bờ, ông Hiền ấn vào tay tôi con cá đé nướng cỡ bản lá dong, “Đây là cả nhà phần chú em. Mấy hôm rồi, rủi cho chú quá”. Tôi sực nhớ chiếc khăn trên cổ, vừa định cởi, ông Hiền ngăn: “Khỏi, đang giá rét thế này. Chú em cứ quấn mà về. Không dùng thì giặt cất, để lần sau đưa lại cho anh”. Nhưng thời gian mãi cuốn đi, chúng tôi không có lần sau nữa.

4. Năm 1982, lần đầu tiên tôi có việc phải đi Quảng Điền, một xã ven biển của huyện Hà Cối - miền đông Quảng Ninh. Ngày đó, đường  miền đông còn là con đường đất bụi mù, xa ngái. Xe đò Hòn Gai chạy từ sớm, tận chiều mới tới. 

Rời huyện lỵ lúc nhá nhem, tôi chắc chỉ  đi bộ nửa giờ là đến được địa chỉ. Không ngờ, rạc chân vẫn bơ vơ. Hóa ra nơi này là một vùng dân cư thưa thớt. Mỗi chòm xóm có khi chỉ vài ba nhà, tôi biết mình đã lạc. Trong bóng đêm giêng hai mù sương, tôi hết đi ngang lại đi dọc vẫn không gặp người để hỏi đường. Vào lúc chán nản tột cùng, tôi đang định quay về thị trấn chợt nhận ra mùi khói rấm và bóng một nếp nhà mờ mờ bên lùm tre dùng đen sẫm cách mình chỉ mươi sào ruộng.

 Ít phút sau, tôi đã được rửa mặt bằng nước nóng trong gian bếp liền kề của ngôi nhà gạch đất và thưởng thức món cháo khoai với củ cải muối tuyệt ngon lành. Nhà chỉ có hai ông bà già. Họ một mực khuyên tôi nghỉ lại, “nhà rộng chăn ấm, đêm hôm còn lặn lội đi đâu”. Thích nhất là đêm ngủ không cần đóng cửa. Con chó mực rất to tôi đi một bước theo một bước, thỉnh thoảng lại ngếch lên ngửi ngửi ống quần như là để quen hơi chứ không phải canh chừng. Trước lúc tắt đèn, ông chủ nhà còn dặn: “Anh cứ ngủ cho kỹ giấc nhá. Mai dậy không thấy chúng tôi, cứ việc ra đầu hồi mà ăn sáng. Cháo là trong cái nồi đất to treo trên quang. Lạc mặn, cá khô, bát đũa cũng cạnh đó cả”. Tôi thức dậy, chỉ thấy bờ dậu rong giềng phơ phất hoa. Ông bà đã ra đồng từ tinh mơ. Tôi ăn cháo một mình rồi đi, không bao giờ có cơ may trở lại. Đó là những câu chuyện đời... 

5.  “Phùng tuyết túc phù dung sơn chủ nhân” của Lưu Trường Khanh cũng là  câu chuyện đời được viết ra bằng thứ ngôn ngữ bình dân hàm súc. Ở đây, mỗi dòng là một trạng huống cô đơn, thao thức về thân phận con người. Cô đơn trước tà dương núi xa, trước trời lạnh mái nghèo tiêu sái. Và, có một niềm thao thức không yên, không nói ra nhưng vẫn thầm hướng về phía “sài môn”, phấp phỏng niềm chờ đợi. 

Dòng kết, “Phong tuyết dạ quy nhân” (Người về đêm gió tuyết) là một dòng không thể mỹ mãn hơn. Trong gió hú, tuyết bay, hai tiếng “người về” khiến cả bài thơ như bỗng bừng lên lửa ấm, át đi cái giá buốt của trời và cái lạnh của tâm can.

Ở một tầng nghĩa sâu xa hơn, “Phùng tuyết túc Phù Dung sơn chủ nhân” còn là lời mách bảo: “Sài môn”, cánh cổng của những nếp nhà bình dân ken bằng thứ cành cây tuềnh toàng lúc nào cũng có thể gặp trên khắp mọi nẻo đường ở thế gian này. Đấy là cánh cổng của lòng trắc ẩn không bao giờ từ chối những thân phận bần hàn, cơ nhỡ khi cần được cưu mang, chia sẻ. 

Và sự rộng mở của những cánh cổng “sài môn” nhân ái, chính là sự truyền lửa của con người đến với con người, muôn đời không tắt.

ngô mai phong
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.