Sống lại báu vật đại ngàn

Khương Quỳnh |

Gìn giữ báu vật đại ngàn không có nghĩa là giữ chúng trong tủ kiếng để trưng bày như cách của những tay chơi đồ cổ. Báu vật chỉ là báu vật khi nó thực sự có một linh hồn - chứng kiến toàn bộ đời sống của buôn làng, chứng kiến sự trưởng thành của từng đứa con của Tây Nguyên.
Vượt núi khơi lại tiếng chiêng

Khoảng hai chục năm trước, không hiểu vì lý do gì, con đường làng bằng đất quê tôi thỉnh thoảng lại xuất hiện 1-2 chiếc ô tô rất sang trọng. Trẻ con chạy ra xem như xem vật thể lạ. Người lớn ý nhị hơn, tay vẫn như đang làm việc gì đó nhưng mắt thì ngước theo chiếc xe 4 bánh. Những lần sau, làng không còn xao động khi chiếc ô tô này quay trở lại. Bởi mọi người đều biết họ là những người ở thành phố đi mua cổ vật, mua cồng chiêng, ché, đồng la, thậm chí là trang phục thổ cẩm của đồng bào.

Vậy là trong những vụ mùa màng thất bát, người đồng bào chất phác đã bán đi những đồ quý trong nhà chỉ với giá vài triệu đồng, có khi chỉ đổi lấy vài con gà hoặc vài bao thóc. Tiền tiêu cũng hết, thóc gạo chỉ ăn đủ một vài tháng, nhưng sau nhiều năm, họ nhận ra những thứ mình bán là báu vật. Lúc này, những đứa con hiếu thảo của Tây Nguyên đã phải dốc bao nhiêu tâm huyết để tìm lại những báu vật ấy, và khó hơn là để nó "sống" lại.

Tết rồi, tôi được thưởng thức tiếng cồng chiêng trong đêm hội mừng năm mới của đồng bào Châu Mạ (Lâm Đồng). Bên ánh lửa bập bùng và màn sương giăng mắc, những chàng trai tuổi mười tám đôi mươi say sưa với điệu chiêng. Những cô gái mặc váy thổ cẩm duyên dáng chìm đắm trong điệu múa nhịp nhàng.

Trong khung cảnh ấy, một Tây Nguyên nguyên thủy và hào phóng lại trở về. K' Kiểm - đội trưởng đội chiêng có 4 năm học Đại học chuyên ngành quản lý văn hóa ở Sài Gòn. Lúc về, việc đầu tiên anh làm là khôi phục lại đội chiêng cho buôn làng. Đồng bào Châu Mạ gọi chiêng là ching. Bộ ching phải đủ 6 chiếc. Lúc K'Kiểm trở về buôn làng với ý định khôi phục đội chiêng trẻ thì làng không còn đủ bộ nữa. Anh đi hỏi từng nhà, đi khắp buôn làng mà chỉ được 5 chiếc, thiếu mất ching Me - chiếc ching có ý nghĩa như một người mẹ trong gia đình.

K' Kiểm kể lại, anh lặn lội đi sang các buôn làng khác để tìm cho bằng được chiếc ching Me. Có lúc, chàng trai vui sướng vì tìm được một cái. Nhưng lúc mang về làng thử, âm thanh của chiếc ching Me này lại lạc lõng, không hòa hợp được với 5 chiếc ching còn lại. Các già làng lắc đầu, buồn bã: "Chưa được con trai ơi".

K' Kiểm không nản, trong đầu anh lấp lánh ý định sang các buôn làng của tỉnh Đắk Lắk. Lần này, anh đi cùng già K' Phân - người am hiểu về chiêng trong làng. Mất 3 tháng ròng rã, đi vào các buôn làng, thử hàng chục cái ching Me, hai người mới tìm được một chiếng ching Me vừa ý. Nhưng lúc tìm đường về, họ mới nhận ra họ đã vượt qua bao nhiêu buôn làng, bao nhiêu quả núi.

Con trai Ma Tham chưa tròn 2 tuổi đã được mẹ dạy thổi kèn bầu
Con trai Ma Tham chưa tròn 2 tuổi đã được mẹ dạy thổi kèn bầu
Tiếng chiêng như dần sống lại sau những buổi tối các già làng và thanh niên trai tráng ngồi quây quần để truyền cho nhau những giai điệu cũ. Dường như không khó lắm cho những trai làng lần đầu tiên học đánh chiêng. Bởi âm thanh ấy đã vang vọng suốt tuổi thơ của những đứa trẻ lớn lên ở Tây Nguyên. Một đứa bé gái nào sau khi chào đời đều được chào đón bằng tiếng chiêng qua lễ thổi tai.

Tiếng chiêng như một cách thông báo với thần linh, với núi rừng sự có mặt của một cô gái - người sẽ được nhận những ân linh của các Yàng. Âm thanh của cồng chiêng gắn với những mùa lúa, những đám cưới trong làng, lễ ăn trâu, những cái tết cổ truyền đánh dấu sự lớn lên, sự già đi của từng người.

Để con lớn lên trong tiếng kèn bầu

Già Ha Sen có lẽ là nghệ nhân duy nhất còn làm kèn bầu ở môn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Gần 20 năm làm kèn bầu Rokel, ông vẫn nghèo nhất làng. Ông sống chết với nghề, chỉ để "con cháu mình được lớn lên trong tiếng kèn bầu".

Già Ha Sen kể, những năm 2000, ông mới bắt đầu học nghề làm kèn bầu Rokel. Lúc đó, làng ông còn vài ba nghệ nhân già làm nghề. Ông nghĩ, nếu họ chết đi, làng sẽ không có ai nối nghiệp. Ông tìm đến nhà các nghệ nhân để hỏi. Học phí là những quả bầu già và những ống nứa đã đẽo nhẵn mịn mà ông sang tận làng của người Raglai ở Ma Nới, Ninh Thuận để lấy về.

Và rồi, nhờ sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, kèn bầu Rokel của già Ha Sen nổi tiếng khắp vùng. Nó có mặt ở ngàn ngôi nhà của người đồng bào, từ người Raglai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đến người Mạ, Chu Ru, K'Ho, Cil, Làc, Srê... ở Lâm Đồng. Thậm chí, nhiều Việt Kiều trở về cũng tìm đến nhà ông để mua cho bằng được một chiếc kèn bầu mang về cho đỡ nhớ quê hương. Cũng như cách mà ngày xưa ông đóng học phí cho các nghệ nhân già, giờ đây, người đặt kèn bầu của ông cũng trả công cho ông bằng những bao nứa, sáp ong hay những trái bầu.

Với tính cách hào phóng và tử tế của mình, người làng tin rằng, già Ha Sen nhất định sẽ được các Yàng ban ơn bằng một cách nào đó. Đúng như họ nghĩ, Ma Tham - con gái ông trở thành người thổi kèn bầu hay nhất làng, và là người được chọn để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ma Tham lớn lên trong tiếng kèn bầu. Mỗi khi có người tìm đến ông Ha Sen để đặt kèn bầu và thử kèn, Ma Tham lại lấp ló sau bậc cửa để nghe ngóng và học lỏm cách thổi kèn bầu. Chị học của mỗi người một ít, gom góp cho mình. Bởi vậy, hiếm có ai thổi được nhiều điệu kèn bầu như Ma Tham.

Trong đời sống của đồng bào Churu, trong bất kì đám cưới, đám tang nào cũng có sự xuất hiện của tiếng kèn bầu. Trong những lễ hội lớn cầu kì hơn, kèn bầu kết hợp trống và cồng chiêng tạo nên một sự hòa hợp, vang vọng núi rừng. Với người Chu Ru, mỗi điệu chiêng, điệu Rokel đều gửi gắm một thông điệp, kết nối với thần linh, với đại ngàn.

Chúng tôi ngạc nhiên khi con trai của Ma Tham chưa đầy 2 tuổi, chưa biết nói nhưng biết cầm kèn bầu để thổi thành tiếng. Những đứa con lớn hơn của chị cũng thổi thành thạo một vài điệu Rokel. Hiện, chính quyền huyện Đơn Dương mở lớp đào tạo kèn Rokel cho hàng chục trẻ Churu. Ma Tham trở thành cô giáo, bắt đầu truyền dạy những điệu con sóc, điệu ru con, điệu tiễn đưa...

Các giai điệu của kèn bầu hoàn toàn do truyền miệng, không có bất cứ một bản nhạc hay cách nào để ghi chép lại. Ma Tham đã trở thành một người truyền nhân hiếu thảo của buôn làng. Để rồi mai đây, những đứa trẻ ở lớp học của Ma Tham cũng sẽ mang trên vai một sứ mệnh cao cả này - giữ báu vật của đại ngàn ngân vang mãi trên đất cao nguyên đầy gió bụi này.

Khương Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Thủ tướng thăm và chúc tết đồng bào Tây Nguyên

P.V |

Ngày 9.2, trong chuyến công tác cuối năm tại Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm hỏi, chúc Tết và tặng 200 suất quà cho bà con các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Bến Oai Rong ngày đợi voi về

Hữu Long |

Qua rồi cái thời tấp nập, bến Oai Rong (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bây giờ đìu hiu, khắc khoải ngày đàn voi nhà lại đông đúc như xưa. Voi nhà vẫn chưa sinh sản phần vì bị bắt làm du lịch quá sức, phần vì những cánh rừng, nơi từng là “không gian yêu” bị thu hẹp đáng kể. Tây Nguyên ngày mai rồi sẽ không còn voi?

Người giữ hồn tượng nhà mồ Tây Nguyên

Phố Nhơn |

Để gìn giữ bản sắc văn hóa cha ông, có một nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài dạy con cháu tác tượng nhà mồ.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Thủ tướng thăm và chúc tết đồng bào Tây Nguyên

P.V |

Ngày 9.2, trong chuyến công tác cuối năm tại Tây Nguyên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới thăm hỏi, chúc Tết và tặng 200 suất quà cho bà con các dân tộc có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.

Bến Oai Rong ngày đợi voi về

Hữu Long |

Qua rồi cái thời tấp nập, bến Oai Rong (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) bây giờ đìu hiu, khắc khoải ngày đàn voi nhà lại đông đúc như xưa. Voi nhà vẫn chưa sinh sản phần vì bị bắt làm du lịch quá sức, phần vì những cánh rừng, nơi từng là “không gian yêu” bị thu hẹp đáng kể. Tây Nguyên ngày mai rồi sẽ không còn voi?

Người giữ hồn tượng nhà mồ Tây Nguyên

Phố Nhơn |

Để gìn giữ bản sắc văn hóa cha ông, có một nghệ nhân đang ngày đêm miệt mài dạy con cháu tác tượng nhà mồ.