Sân khấu hoá các tác phẩm văn học kinh điển: Hướng đi mới không dễ dàng

NGUYỄN HỒNG |

Trước thực trạng hoạt động giải trí đang có những bước đi chậm rãi, việc đưa các tác phẩm văn học kinh điển lên sân khấu được xem như một nỗ lực đổi mới. Tuy nhiên, đây cũng là một sự thách thức không nhỏ dành cho các đơn vị tổ chức nghệ thuật.

Nguồn kịch bản chất lượng

Năm 2020 được coi là một năm “khó chồng khó” đối với mọi ngành nghề nói chung và ngành giải trí nói riêng khi mọi hoạt động dường như phải trì hoãn, huỷ bỏ trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai. Chia sẻ với báo chí về thực trạng sân khấu, NSND Nguyễn Thị Bích Loan - GĐ Nhà hát Chèo Việt Nam nhận định, những năm gần đây, sân khấu truyền thống đang thiếu vắng kịch bản có chất lượng, phần lớn kịch bản vẫn sáng tác theo lối mòn. Những vở diễn lại nặng nề về nội dung, chủ đề tư tưởng, mang tính giáo huấn. Đó cũng là một phần lý do mà sân khấu vắng người xem.

Đồng tình với quan điểm này, NSƯT Thu Huyền - Phó GĐ Nhà hát Chèo Hà Nội còn bổ sung thêm, COVID-19 gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực và trong đó có nghệ thuật Chèo. Thông thường, mùa xuân là thời điểm nghệ thuật sân khấu được thể hiện nhiều nhất thì lại rơi vào đúng thời điểm dịch bùng phát. Thêm nhiều khó khăn khiến nhiều nhà hát tư nhân xã hội hoá buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động.

Trước tình cảnh đó, sân khấu hoá các tác phẩm văn học dần nổi lên như một phương pháp hữu hiệu giúp giải bài toán khó để thu hút khán giả cũng như làm đổi mới kịch bản. Hình thức tiếp biến văn hóa giữa văn xuôi, thơ ca với điện ảnh, sân khấu không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển của đời sống nghệ thuật mà còn tạo cho tác phẩm nghệ thuật có hình hài mới với chất lượng mới được lan tỏa rộng hơn trong đời sống xã hội, góp phần vào giáo dục giới trẻ. Bởi những tác phẩm văn học kinh điển không những đã có sẵn lượng người hâm mộ lớn, có sự “nhận dạng thương hiệu” nhất định mà còn có thể coi là nguồn tư liệu, kịch bản quý, đảm bảo về mặt chất lượng cho các loại hình nghệ thuật.

Điển hình có thể kể đến sự thành công của hàng loạt những tác phẩm phim chuyển thể từ văn học lên màn ảnh Việt như “Vợ chồng A Phủ”, “Chị Dậu” hay gần đây là “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ với doanh thu lên đến 200 tỉ đồng. Không riêng gì môn nghệ thuật thứ Bảy, các sân khấu kịch, tuồng, chèo cũng sôi động không kém với những tác phẩm chuyển thể từ văn học. Tiêu biểu có thể kể đến các vở nhạc kịch của Nhà hát TPHCM với Nàng Kiều của Nguyễn Du bước ra bỗng hóa thành 3 người, tượng trưng cho hiện thực, linh hồn và tương lai của Kiều. Chú dế mèn tinh nghịch của Tô Hoài được khắc họa chân thật hơn trên nền âm nhạc đương đại…

Thách thức

Có thể dễ dàng nhận thấy, các tác phẩm kinh điển có sức nặng nội dung câu chuyện giống như một “gia vị” mới, đem lại những “bữa tiệc” nghệ thuật đầy cảm xúc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của các loại hình nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, song song với những thuận lợi về sức hút, được người xem yêu thích, việc sân khấu hoá các tác phẩm văn học kinh điển sang các hình thức sân khấu như kịch, xiếc, kịch múa, kịch hình thể, Ballet… cũng đặt ra cho các đơn vị tổ chức những thách thức không nhỏ. Theo đó, mỗi một tác phẩm văn học lại có một bối cảnh riêng, đòi hỏi các đơn vị tổ chức cần tìm hiểu kỹ về lịch sử cũng như phục trang, diễn xuất… Ví dụ, “Truyện Kiều” lấy bối cảnh vào đầu thế kỷ 19, “Số Đỏ” tái hiện xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Nếu có bất cứ sai sót gì về bối cảnh nêu trên sẽ đối mặt trước những phản ứng, thậm chí là làn sóng tẩy chay. Ngoài ra, việc chuyển thể những nhân vật như Kiều, Xuân Tóc Đỏ sao cho hợp lý, chỉn chu cũng là một thách thức nữa bởi những nhân vật trong các câu chuyện đã được khắc hoạ sâu đậm trong lòng khán giả.

Đại diện đoàn làm phim “Mắt biếc” cho biết thêm, êkíp đã tốn rất nhiều thời gian mới tìm được diễn viên phù hợp với vai Ngạn và Hà Lan trong 1.400 ứng viên. Không chỉ đáp ứng được yêu cầu về diễn xuất mà cả hai còn cần có ngoại hình phù hợp đúng với miêu tả trong nguyên tác. Đây cũng là câu chuyện chung của nhà sản xuất phim “Kiều” khi tìm kiếm nhân vật vào vai Kiều hay nhà làm phim “Lão Hạc” khi tìm kiếm chú chó vào vai Cậu Vàng.

Vì văn học là nghệ thuật của ngôn từ, trong khi đó, những hình thức sân khấu lại rất “kiệm lời”, tối giản lời thoại, thậm chí là không lời. Do đó, làm sao để chuyển thể cho đúng nội dung tinh thần của các tác phẩm văn học mà lại “vừa khuôn” đối với các hình thức nghệ thuật là câu chuyện không hề đơn giản.

NSND Doãn Hoàng Giang - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ, không phải tác phẩm văn học nào cũng có thể chuyển thể lên sân khấu một cách xuôi chèo mát mái. Để đưa tác phẩm văn học lên sân khấu rất cần có sự sáng tạo, nhất là đối với những trích đoạn được coi là phức tạp, nếu xử lý không khéo thì sẽ làm hỏng cả tác phẩm. Còn nhà sản xuất Mai Thu Huyền thì cho rằng, phim chuyển thể từ tác phẩm văn học phải có kịch bản chuyển thể tốt, chắc chắn còn nếu không, sẽ là con dao 2 lưỡi với nhà làm phim.

“Những người khốn khổ” trình diễn trên sân khấu kịch tại Hà Nội

Theo thông tin từ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB), vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của Đại văn hào Victor Hugo sẽ được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 21-24.11 sau 6 tháng dàn dựng. Vở diễn được quốc tế hóa về mặt diễn viên khi có sự góp mặt của các diễn viên nước ngoài trong Dàn hợp xướng quốc tế Hanoi Voices.

NGUYỄN HỒNG
TIN LIÊN QUAN

Làm phim từ tác phẩm văn học kinh điển: Thuận lợi đi cùng áp lực

NGỌC DỦ |

Làm những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cũng là một hướng đi của điện ảnh Việt Nam; trong năm 2020, theo kế hoạch, có đến 4 tác phẩm được chuyển thể, gồm: Kiều, Trạng Tí, Cậu Vàng và Số Đỏ… Vậy các nhà làm phim phải khai thác ra sao với “tài nguyên khổng lồ” này, để không bị lãng phí?

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.

Làm phim từ tác phẩm văn học kinh điển: Thuận lợi đi cùng áp lực

NGỌC DỦ |

Làm những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển cũng là một hướng đi của điện ảnh Việt Nam; trong năm 2020, theo kế hoạch, có đến 4 tác phẩm được chuyển thể, gồm: Kiều, Trạng Tí, Cậu Vàng và Số Đỏ… Vậy các nhà làm phim phải khai thác ra sao với “tài nguyên khổng lồ” này, để không bị lãng phí?