Vi phạm bản quyền sách không chừa một ai
Trên mạng xã hội, một tài khoản Facebook có tên “Hà Đan Book” rao bán cuốn kỷ yếu hội thảo khoa học về phát triển thị trường nghệ thuật ở Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức.
Liên hệ với PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Viện VHNTQGVN), chị hoàn toàn bất ngờ và cho biết, chưa hề được chủ tài khoản “Hà Đan Book” thông báo gì về việc này.
“Đây là tài liệu nội bộ phục vụ cho hội thảo khoa học, chúng tôi chưa có ý định xuất bản và phát hành ra đại chúng. Chúng tôi cũng ghi rõ thông tin này trên bìa tài liệu. Không hiểu bằng cách nào bạn này lại có được tài liệu và rao bán công khai. Đây là hành vi xâm phạm bản quyền công trình nghiên cứu khoa học của chúng tôi” - PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Trong vai người mua sách, phóng viên nhắn tin cho chủ tài khoản “Hà Đan Book” để hỏi về nguồn gốc xuất xứ, bản quyền, chia sẻ lợi nhuận cho tác giả sách... thì lập tức tài khoản này chặn liên hệ.
Không chỉ bán tài liệu của Viện VHNTQGVN, tài khoản này còn rao công khai nhiều sách, tài liệu của nhiều đơn vị xuất bản, nghiên cứu khoa học khác. Hầu hết là sách photo, sách giả, nhìn qua bằng mắt thường thấy rõ chất lượng in ấn rất kém chất lượng.
Tình trạng vi phạm bản quyền sách vẫn đang diễn biến phức tạp ở nước ta, bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước và những đơn vị chủ sở hữu bản quyền. Không chỉ các dòng sách phổ thông, đại chúng như sách văn học, sách giải trí, sách phát triển bản thân (self-help), sách giáo khoa... mà một số dòng sách kén người đọc như sách nghiên cứu, công trình khoa học cũng bị làm giả, rao bán công khai trên các nền tảng mạng xã hội.
Dạo qua các hàng photo ở cổng các trường trên địa bàn Hà Nội, nhiều nơi bày bán công khai học liệu, giáo trình, sách giáo khoa. Hành vi vi phạm bản quyền kiểu này vẫn chưa được quan tâm xử lý đúng mức.
Mặt trái của công nghệ
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ khiến tình trạng vi phạm bản quyền sách diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, khó xử lý.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhìn nhận, sự phát triển như vũ bão của internet và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu quyền, các đơn vị xuất bản truyền bá, lưu trữ tác phẩm nhanh chóng và rộng rãi hơn.
Trong bối cảnh đó, khi năng lực quản lý Nhà nước, năng lực quản trị của doanh nghiệp, nhà xuất bản và ý thức bảo vệ bản quyền của người sử dụng còn hạn chế, tình trạng vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Năm 2022, cơ quan chức năng từng phát hiện và xử phạt một đơn vị làm sách giả tại Thạch Thất (Hà Nội), thu giữ gần 100 tấn sách, 400.000 bản in lậu cùng các thiết bị in. Năm 2023, tại Thái Bình, cơ quan chức năng cũng phát hiện và thu giữ 90.000 cuốn sách giáo khoa giả, 7 tấn ấn phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại dự thảo nghị định mới (thay thế Nghị định 131) quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, Bộ VHTTDL sẽ tăng mức phạt tiền theo hướng phải tương xứng với mức độ thiệt hại mà các đối tượng vi phạm gây ra để đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, giúp cho các cá nhân, tổ chức hiểu rõ hơn về những hành vi vi phạm hành chính, từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật.