Pho tượng Quán Thế Âm chùa Báo Ân: Báu vật của Việt Nam lưu lạc nơi xứ người

Nguyễn Hữu Mạnh - Đào Xuân Ngọc |

Giữa hàng nghìn báu vật thuộc đồ tượng Phật giáo tại Bảo tàng Guimet (Pháp) thì pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm chùa Báo Ân vẫn luôn là tác phẩm chứa đựng sự bí ẩn và thu hút sự chú ý đặc biệt của bất cứ ai đến chiêm ngưỡng. Pho tượng có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam đã tạo ra nhiều trao đổi tại các diễn đàn trong nước và quốc tế, chủ yếu đề cập đến các nghi vấn về xuất xứ, niên đại và mức độ ảnh hưởng của các trường phái nghệ thuật Phật giáo biểu hiện nên pho tượng.

Một trong những pho tượng Quán Thế Âm đẹp nhất Việt Nam

Nằm trang trọng giữa gian nghệ thuật Đông Nam Á của bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) là pho tượng Quán Thế Âm nghìn mắt nghìn tay xuất xứ từ chùa Báo Ân (Việt Nam). Pho tượng được tạo hình bằng chất liệu gỗ, phủ sơn, thếp vàng, thể hiện vị Bồ tát trong tư thế đứng trên bệ tòa sen (nay không còn), với vô số các cánh tay xếp thành sáu lớp  tỏa ra thành hình cánh cung. Mặt sau của các cánh tay này nối ghép vào với nhau, tạo thành một mặt phẳng. Chiều cao tổng thể của tượng là 151cm, trong đó chiều cao từ chân tới đầu tượng là khoảng 130cm, khoảng rộng lớn nhất giữa hai cánh tay là 140cm.

Toàn thân tượng ở tư thế đứng, y phục dài phủ kín xuống đôi chân trần, hai chân có đeo chuỗi dây ngọc (chuỗi anh lạc). Tượng Ngài có ba đầu (đầu ở hai cạnh bên có xu hướng nhỏ hơn), tượng đội mũ miện hình mây cách điệu có đính các viên bảo châu. Phía bên trên đầu có búi tóc nổi cao hình chóp, xung quanh vành mũ miện có năm vị Phật đang tọa thiền định, trong đó vị Phật trung tâm có kích thước lớn hơn toạ trên một toà sen có hai lớp cánh (bị vỡ phần đầu). Đầu hướng chính diện có dấu vết mờ nhạt của con mắt thứ ba bị lớp sơn son thếp vàng phủ lên trên.

Khuôn mặt tượng tròn đầy hiện lên nét hiền từ, gần gũi, từ bi, trang nghiêm.

Bức tượng có ba lớp tay: Lớp thứ nhất gồm 6 cánh tay lớn đặt phía trước, lớp thứ hai có 38 cánh tay lớn, lớp thứ ba là hàng trăm cánh tay nhỏ xếp theo hình quạt, khoảng dày nhất gồm 6 lớp tay. Những cánh tay nhỏ này được xếp thành các vòng tròn đồng tâm, tạo thành vầng hào quang vây quanh tượng.

Đôi tay chính chắp trước ngực, lòng bàn tay chắp lại với nhau, thể hiện Namaskara Mudra/Anjali Mudra (liên hoa hợp chưởng ấn). Ấn này là biểu tượng của sự hợp nhất giữa lòng từ bi vô lượng và trí tuệ của Bồ tát. Hai tay ở dưới kết Samadhi Mudra [thiền ấn] với lòng bàn tay hướng lên trên, tay trái để dưới tay phải, hai ngón cái khẽ chạm vào nhau. Mỗi bên vai ở lớp tay thứ hai có 19 cánh tay lớn thon dài, trang trí trang sức ở bắp tay và cổ tay. Nhiều bàn tay, ngón tay đã bị vỡ và huỷ hoại nhiều; các ngón tay không rõ có thủ ấn hay cầm khí trượng không nhưng con mắt trong lòng bàn tay còn thấy rõ.

Những đặc trưng trong nghệ thuật tạo hình của bức tượng chùa Báo Ân cho thấy đây là hình tướng của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm. Thiên Quang Nhãn Quán Tự tại Bồ tát bí mật pháp kinh cho chúng ta biết rằng, Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm có đầy đủ trăm nghìn tay, mắt cũng như thể là bậc phụ mẫu của thế gian. Bức tượng khắc họa chân thực hình tướng của Ngài trong những kinh điển Mật giáo: Toàn thân có màu hoàng kim, mặt chính giữa có ba mắt, có nghìn tay nghìn mắt, trong nghìn cánh tay có 42 tay cầm khí trượng hoặc bắt ấn, còn lại không cầm khí cụ.

Nguồn gốc và hành trình lưu lạc

Trong hai cuộc trưng bày gần nhất tại bảo tàng Guimet vào năm 2014 và 2017, pho tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được chú thích nguồn gốc là ở “Lien Tri, Hanoi”. Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng lần theo dấu vết của tên gọi này để thử xác định vị trí của chùa Liên Trì. Khi tra cứu các sử liệu, chúng tôi phát hiện trong Đại Nam Nhất Thống chí có đoạn chép: “chùa Liên Trì ở thôn Cựu Lâu thuộc huyện Thọ Xương là chỗ có của lầu Ngũ Long đời Lê xưa kia..., tám mặt đều đào ao trồng sen, đặt tên là chùa Liên Trì”.

Đến năm 1929, lưu trữ viên của Sở Lưu trữ và Thư viện Đông Dương kiêm nhà cổ tự học André Masson, trong cuốn chuyên khảo nổi tiếng về lịch sử Hà Nội cuối thế kỷ XIX của ông cũng cho biết vị trí chính xác của chùa Liên Trì: “Ở phía Đông Nam hồ (Hoàn Kiếm), chỗ ngày nay là sở Bưu điện, sừng sững ngôi chùa đặc biệt nhất trong các chùa ở Hà Nội. Tòa nhà chính của chùa được bao bởi một hồ tròn đầy sen, chính hồ sen này đã cho chùa cái tên Liên Trì (Fleurs de Lotus)”. Nhiều tấm bản đồ Hà Nội được vẽ vào cuối thể kỷ XIX cũng mô tả vị trí của chùa Liên Trì.

Dựa vào đây, ta có thể xác định vị trí chùa Liên Trì  nằm ở khu vực Bưu điện Hà Nội ngày nay, với dấu tích còn lại là tháp Hòa Phong nằm ngay sát bờ hồ Hoàn Kiếm. Ngoài Liên Trì, chùa còn mang nhiều tên gọi như: Chùa Cửu Tỉnh, chùa Sùng Hưng hay chùa Liên Hoa. Chùa được Tổng đốc Nguyễn Đăng Giai xây dựng từ năm 1842 - 1846 nên cũng hay được gọi là chùa Quan Thượng, chùa Nguyễn Đăng Giai. Trong chùa có những bức tranh Thập điện Diêm Vương mô tả những hình phạt ở dưới các tầng địa ngục nên người Pháp còn gọi chùa là Pagode des Supplices (chùa Khổ Hình). Tuy nhiên, Báo Ân là tên gọi phổ biến nhất của chùa vào giữa thế kỷ XIX.

Các ghi chép đương thời đều cho thấy Báo Ân là một ngôi chùa lớn, rộng khoảng 40 hécta “quy mô lớn nhỏ 36 tòa, gồm 188 gian, nhà thờ Phật rộng rãi tráng lệ”. Tuy nhiên, những cuộc chiến với thực dân Pháp xảy ra ở Bắc Kỳ đã khiến ngôi chùa dù mới xây dựng đã nhanh chóng rơi vào tình trạng tàn tạ, hoang phế. Chính trong bối cảnh này, ông Gustave Dumoutier, một người yêu cổ vật và thành viên của Viện Hàn Lâm Bắc kỳ (Académie Tonkinoise) đã đưa pho tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm về Pháp và quyên tặng pho tượng cho Bảo tàng Guimet vào năm 1889. Ngay sau đó, năm 1890, chùa Báo Ân bị san phẳng do nằm trong quy hoạch xây dựng Hà Nội thành thủ phủ xứ Đông Dương lúc đó.

Sau khi đến Pháp, pho tượng được trưng bày trong chuyên đề “Pagode Tonkinoise” (Chùa Bắc Kỳ) ở Triển lãm quốc tế tại Paris năm 1889. Sau đó, nó xuất hiện tại vị trí trung tâm trong “Khu trưng bày Đông Dương” của bảo tàng Guimet trong vài năm. Cuối cùng, nó bị lãng quên trong kho và bị nhầm tưởng thành một bức tượng có nguồn gốc Trung Quốc, niên đại được suy đoán vào thời Ngũ Đại hoặc thời Tống. Đến thập niên 90 của thế kỷ XX, các chuyên gia phục chế hàng đầu của bảo tàng Guimet đã phục chế lại pho tượng từ hơn 800 mảnh vỡ nhỏ để tái tạo vẻ hoàn chính đến từng chi tiết như chúng ta chiêm ngưỡng ngày hôm nay.

Gần đây, pho tượng Quán Thế Âm (Bảo tàng Guimet) đã được VPIN Studio dưới sự điều hành của KTS Đinh Việt Phương phục dựng hoàn chỉnh bằng kỹ thuật 3D. Sau một số dự án thành công trong nước như tháp chùa Dạm, tượng Phật Tích, hộp vàng Ngọa Vân, phiên bản tượng này sẽ là di sản đầu tiên của Việt Nam ở nước ngoài được số hóa và phục dựng. Tượng sẽ ra mắt công chúng yêu di sản tại Hà Nội từ ngày 14 đến 17.12.2021, cùng với đó một chương trình tọa đàm về lịch sử, ý nghĩa và giá trị của pho tượng với sự tham gia của nhiều nhà khoa học liên quan cũng sẽ được tổ chức.

Nguyễn Hữu Mạnh - Đào Xuân Ngọc
TIN LIÊN QUAN

Đưa sản phẩm OCOP - báu vật của làng quê vươn xa ra thế giới

Vũ Long |

Cả nước đã có 61 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 5.042 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Nguồn gốc tượng Phật cổ xem như báu vật tại chùa Phù Dung ở Hà Tiên

Lục Tùng |

Kiên Giang - Tại chùa Phù Dung ở TP. Hà Tiên có thờ một pho tượng Phật quý với nguồn gốc hết sức ly kỳ.

Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Anh Minh |

Những cây nghiến cổ thụ, có tuổi đời cả nghìn năm vẫn đang sừng sững giữa núi rừng Na Hang (Tuyên Quang). Với vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng, địa phương này đang lên kế hoạch để phát triển du lịch sinh thái.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đưa sản phẩm OCOP - báu vật của làng quê vươn xa ra thế giới

Vũ Long |

Cả nước đã có 61 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm, công nhận 5.042 sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm).

Nguồn gốc tượng Phật cổ xem như báu vật tại chùa Phù Dung ở Hà Tiên

Lục Tùng |

Kiên Giang - Tại chùa Phù Dung ở TP. Hà Tiên có thờ một pho tượng Phật quý với nguồn gốc hết sức ly kỳ.

Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Anh Minh |

Những cây nghiến cổ thụ, có tuổi đời cả nghìn năm vẫn đang sừng sững giữa núi rừng Na Hang (Tuyên Quang). Với vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng, địa phương này đang lên kế hoạch để phát triển du lịch sinh thái.