Vượt qua giới hạn của con người
Ballet được coi là đỉnh cao của nghệ thuật múa. Để thực hiện được những động tác uyển chuyển, thanh thoát và mềm mại, các vũ công ballet bắt đầu tập luyện từ rất sớm, có người bắt đầu khi mới 6-7 tuổi.
Trong số những bài tập khó, những động tác như “fouette” - điệu xoay người liên tục 32 vòng trên giày mũi cứng, động tác nâng bổng vũ công nữ trong tư thế bàn chân đứng trên điểm gót gọi là “pointe”, những tư thế đứng một chân, xoạc trên không... cần hàng chục năm khổ luyện.
Vẻ đẹp thanh thoát toát lên từ tư thế tạo dáng, những bước nhảy nhẹ như bay đối nghịch với vóc dáng săn chắc của những diễn viên múa ballet.
Sự đối lập thú vị này cho thấy múa ballet đòi hỏi rất khắt khe về thể chất và ngoại hình.
Bộ môn này yêu cầu những chuyển động tinh tế, những cái nhón chân và tiếp đất mềm mại. Nhưng để đạt được “cảnh giới” đó, người diễn viên cần kiên trì tập luyện mỗi ngày, duy trì thể lực và tăng ngưỡng chịu đựng của cơ thể.
Tuy nhiên, đằng sau những màn trình diễn đầy mê hoặc trên sân khấu ấy là biết bao nỗ lực thầm lặng, sự khổ luyện miệt mài của những nghệ sĩ múa ballet. Để có được những bước nhảy nhẹ nhàng, uyển chuyển như thiên nga, họ đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu trên sàn tập.
Điều ấy được NSƯT Phạm Thu Hằng lý giải gỏn gọn trong ba từ “người chọn nghề”. Chị chia sẻ: “Tôi bén duyên với ballet từ năm 7 tuổi. Trong một lần đến Cung thiếu nhi để đăng ký học hát, tôi lại vô thức đứng trước cửa phòng múa, say mê nhìn các bạn tập múa. Thấy vậy, ông nội đã nói chuyện với bố mẹ tôi để cho tôi đi học múa”.
Khác với Phạm Thu Hằng, Vũ Khánh Băng lại đến với ballet vì đam mê với bộ môn này từ trước. Từ bé, thấy những nghệ sĩ ballet trên TV, cô xin bố mẹ cho đi học và nuôi dưỡng đam mê với bộ môn này.
Gần 10 năm rèn luyện gian khổ, Vũ Khánh Băng không nề hà khi bị bật móng, trầy xước, dán băng dính chằng chịt khắp chân để giảm cơn đau khi đi giày mũi cứng. Điều mà cô vũ công trẻ nhắc đến lại là những đàn anh đàn chị trong đoàn đã tập luyện đến mức ngón chân bị biến dạng, chai sạn.
Điều thôi thúc họ bám trụ với nghề là khát khao cống hiến, là ngọn lửa đam mê cháy bỏng và những phút giây tỏa sáng trên sân khấu.
Tuấn Anh, 19 tuổi, cũng đã tập ballet từ khi lên 12. Nhìn lại quá trình khổ luyện vất vả, anh tâm sự: “Tôi vẫn nhớ cơn đau khi phải ép xoạc, ép dẻo những ngày đầu và cả những giọt nước mắt. Dù là con trai, tôi vẫn khóc rất nhiều. Việc tập luyện rất nhiều khó khăn, để đổi lấy những phút giây tỏa sáng trên sân khấu. Nhờ ballet, cơ thể tôi dẻo dai hơn, tôi cũng không còn rụt rè, nhút nhát trước đám đông như trước”.
Hay NSƯT Phan Lương, diễn viên ballet Nguyễn Đức Hiếu cũng kể về những giọt nước mắt rơi trên sàn tập, để thấy rằng ballet làm khó cả nam giới - những người có thể chất khỏe mạnh hơn.
Để chuẩn bị cho một vở ballet hoàn chỉnh, ê-kíp từ biên đạo, dàn nhạc, diễn viên, nhân viên trang phục... có thể mất đến hàng tháng trời. Thế nhưng, buổi diễn sẽ khép lại trong vài tiếng, những tràng vỗ tay và ánh đèn sẽ biến mất sau tấm rèm sân khấu.
Nghề múa ballet còn nhiều khó khăn
Đặc thù nghề diễn viên ballet được đào tạo hàng chục năm trời nhưng thời đỉnh cao chỉ kéo dài tối đa 20 năm, dẫn đến tình trạng nghệ sĩ hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Các nghệ sĩ bước sang tuổi 30-35 hầu như bị suy giảm khả năng biểu diễn, hoạt động chuyên môn.
Biên đạo múa Tuyết Minh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam - cho biết, nhiều nghệ sĩ gắn bó với sân khấu cả tuổi trẻ lại chật vật tìm việc mưu sinh khi hết tuổi nghề. Có khi, cuộc sống của họ hẩm hiu, buồn tẻ hơn sau những năm cống hiến.
Ngoài ra, mức lương hưu của các các diễn viên ballet cũng khá thấp. Nếu diễn viên nhận mức lương 5 triệu đồng, khi về hưu chỉ còn khoảng 2 triệu rưỡi. Còn nếu lương 3 triệu đồng khi nghỉ hưu chỉ được mấy trăm nghìn/tháng, không thể đảm bảo mức sống cơ bản.
Thực tế, đời sống thiếu thốn vật chất của những người làm nghệ thuật cũng là nỗi lo, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của họ. Nhiều diễn viên lâu năm buộc phải làm nhiều nghề như kinh doanh, dạy thêm để lo cho bản thân và gia đình.