“Giá sàn” ở sân khấu
NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho biết, hiện các nghệ sĩ, cán bộ viên chức trực thuộc quản lý của nhà hát vẫn hưởng lương theo quy định bậc lương Nhà nước. Ngoài lương, các nghệ sĩ (ngạch diễn viên) sẽ được hưởng thêm tiền phụ cấp (tiền bồi dưỡng) khi tham gia diễn xuất trong các vở diễn do nhà hát dàn dựng.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, diễn viên Hồ Liên nói: “Khi nhà hát có vở diễn, nếu chúng tôi có tên trong danh sách diễn viên tham gia, sẽ có thêm tiền bồi dưỡng. Nếu đóng vai phụ, mỗi diễn viên được hưởng 70.000 đến 100.000 đồng cho mỗi suất diễn. Diễn viên đóng vai chính nhận 150.000 đến 200.000 đồng cho mỗi suất diễn. Nói thật, tiền bồi dưỡng cho mỗi đêm diễn nhiều khi không đủ để nghệ sĩ đổ xăng, ăn bát phở buổi tối. Từ nhà tôi đến nhà hát khá xa, nếu đổ xăng 100.000 đồng, ăn thêm bát phở 50.000 đồng, tôi sẽ âm tiền khi chỉ nhận 70.000-80.000 đồng bồi dưỡng cho vai phụ”.
Theo nghệ sĩ Hồ Liên, giá cả thị trường biến động từng ngày, nhưng lương và phụ cấp của nghệ sĩ sân khấu đã gần như đứng im suốt 20 năm nay.
Nhắc đến lương và tiền bồi dưỡng của diễn viên sân khấu, NSƯT Chí Trung - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - cũng đồng quan điểm. Chính vì sân khấu mang lại thu nhập quá thấp, nên khi có chút danh tiếng, hầu hết diễn viên đều đổ xô đi đóng phim truyền hình.
Chí Trung hài hước ví, “Thanh Sơn, Thu Quỳnh đi đóng phim truyền hình và trở nên nổi tiếng, nhưng dù có là ngôi sao ở đâu đi chăng nữa, về đến nhà hát, các bạn ấy vẫn diễn với mức bồi dưỡng 150.000 đồng/suất diễn”.
Nghệ sĩ múa tìm đủ việc
Không chỉ với sân khấu, nghệ sĩ thuộc nhiều ngành nghề như xiếc, múa ở các nhà hát do Nhà nước quản lý đã “khóc ròng” vì lương, tiền bồi dưỡng thấp, trong nhiều năm dài.
Với lĩnh vực múa, xiếc, chế độ bồi dưỡng luyện tập là 35.000 - 80.000 đồng/buổi tập, bồi dưỡng biểu diễn là 80.000 - 200.000 đồng/buổi.
Trao đổi về vấn đề này, NSND Trần Ly Ly từng có nhiều năm gắn bó với múa cho rằng, nghệ sĩ ở các lĩnh vực khổ luyện như múa hay xiếc, gặp rất nhiều khó khăn khi lương và các chế độ đãi ngộ thấp.
Với múa, khi được phát hiện có năng khiếu, các diễn viên phải đi học, rèn luyện từ khi còn rất nhỏ tuổi. Đỉnh cao của nghề múa lại ngắn. Nghệ sĩ múa khi bước vào độ tuổi 30 đã được xem là “già”.
“Ở tuổi 30 khi xương bắt đầu cứng, sức khỏe không còn đủ dẻo dai, nghệ sĩ ở những lĩnh vực phải tập luyện mất sức như múa, xiếc sẽ không thể tập được những động tác khó. Việc biểu diễn cũng hạn chế hơn. Bởi vậy, nghề múa, nhất là với ballet - thực sự là khổ cực” - NSND Trần Ly Ly bày tỏ.
Nhiều gia đình không còn mặn mà trong việc cho con học múa, khi ngành múa vừa tốn sức, vừa thu nhập thấp.
Diễn viên múa Lệ Thanh chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Thường các diễn viên múa 18 tuổi đã tốt nghiệp, bắt đầu đi làm. Nhưng mức lương ở các cơ quan Nhà nước rất thấp. Để trang trải cuộc sống, chúng tôi sẽ phải làm thêm nhiều nghề khác”.
Nếu tìm được những việc liên quan đến chuyên môn như dạy ngoài giờ, dựng bài, biên đạo cho các đoàn múa... là rất may mắn. Nhiều diễn viên múa phải tìm việc không liên quan đến chuyên môn.
NSND Trần Ly Ly khi còn giữ vị trí Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam từng chia sẻ: “Kể từ sau đại dịch, nhiều nghệ sĩ múa phải vật lộn mưu sinh, kiếm thêm. Có nghệ sĩ múa phải đi làm xe ôm, bán hàng online... Tôi thương chảy nước mắt”.