Theo TS. Nguyễn Thị Hồng - Phó trưởng Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hình mẫu của ông tiến sĩ giấy nơi đây chính là bậc đại khoa Đỗ Kính Tu dưới triều Lý, hiện được người dân suy tôn làm thành hoàng làng.
Ông Đỗ Kính Tu (hiện chưa rõ năm sinh) nguyên là người làng Hậu Ái sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học. Thuở nhỏ vốn thông minh, học ít hiểu nhiều nên 13 tuổi sớm đỗ tú tài, 18 tuổi đỗ kỳ thi võ, 23 tuổi đỗ đầu kỳ thi Tam giáo và được vua phong chức Hàn Lâm Viện Đại học sĩ kiêm Võ sư.
Tuy quyền cao vọng trọng nhưng ông không lộng quyền mà luôn cương trực, hết lòng phò vua. Do đó mà đám gian thần buổi nhà Lý suy tàn hết sức căm ghét ông, chúng luôn chờ cơ hội và tìm đủ mọi cớ để hãm hại ông.
Cũng vào thuở ấy, làng Hậu Ái do nằm ở địa thế thấp trũng nên hàng năm cứ vào mùa mưa là cả làng đều bị ngập, mùa màng thất bát, người dân vừa đói ăn vừa đói học. Dân làng muốn có con ngòi dẫn nước đổ ra sông Nhuệ nhưng không làm được vì phải đi qua nhiều làng.
Thương dân, Đỗ Kính Tu khi ấy đã đứng ra thương lượng với các địa phương và lấy hơn 10 mẫu ruộng vua ban để đền bù cho các chủ đất có con ngòi đi qua. Nhờ đó, con ngòi được hình thành, làng Hậu Ái không còn khổ nạn vì úng ngập nữa.
Nhân dịp ông làm con ngòi này, bọn gian thần lập mưu vu cáo với Lý Huệ Tông là ông có ý tạo phản – làm ngòi để luyện tập thủy binh, mở đường đánh vào kinh thành. Nghe theo lời kẻ gian, vua Lý Huệ Tông kết tội và ban cho ông tự quyết án.
Trước tình cảnh ấy, Đỗ Kính Tu uất hận cưỡi ngựa cùng hai quan bộ hạ ra sông Hồng tuẫn tiết, hôm đó vào ngày 21.5 âm lịch năm 1216 (Bính Tý).
Sau cái chết của ông, vua tỉnh ngộ cho rước ông về quê để mai táng. Để tưởng nhớ công lao của ông khi xưa nên người dân làng đã suy tôn ông thành Thánh và thờ làm thành hoàng làng tại Đình Hậu Ái.
Không chỉ có công lao trong việc giúp dân thoát ngập, lúc còn sống ông còn để lại nhiều cống hiến trong việc nâng cao dân trí tại địa phương. Bởi vậy từ sau khi ông mất đi, trải qua các triều Lý, triều Trần, triều Lê... làng Hậu Ái có rất nhiều người đỗ tiến sĩ, cử nhân, tú tài.
Do vậy, để tưởng nhớ công lao của Đỗ Kính Tu và nhắc nhở thế hệ sau không được quên đi ơn đức này, nên vào đêm Rằm Trung thu – cũng là lúc trẻ con vừa mới bắt đầu năm học mới, người dân nơi đây thường làm “ông tiến sĩ giấy” với “hai ông lính đánh gậy trông trăng” (tượng trưng cho hai quân hầu đã cùng ông tuẫn tiết) trong mâm cỗ trông trăng.
Bên cạnh đó, hình tượng “hai ông quân hầu đánh gậy trông trăng” còn thể hiện niềm tin sự khát khao của người dân vào chân lý, ánh trăng sẽ luôn rọi sáng trong đêm để người dân đi ra khỏi tăm tối, cũng như ông Đỗ Kính Tu khi còn sống dù triều Lý có suy đồi nhưng vẫn một lòng đem áng sáng của tri thức, ấm no đến với nhân dân.