Lịch sử đã lưu lại cho Hà Nội một di sản kiến trúc đẹp, lạ, khiến cho những ai sinh ra ở Hà Nội, đã từng sống tại Hà Nội, hoặc hiện ở xa Hà Nội, mỗi khi nhớ tới những góc phố thân quen, những mái ngói thâm nghiêm, những cây bàng lá đỏ, đọng đầy bao kỷ niệm, đã không khỏi bồi hồi.
Là người sinh ra và trưởng thành ở Hà Nội, họa sĩ Phạm Bình Chương luôn nuôi trong mình một tình yêu thầm lặng với nét đẹp bình dị đó với ý niệm ''mong rằng thông qua tình yêu Hà Nội, tôi sẽ tìm được chính mình’’. Và anh đã chọn hiện thực làm phong cách biểu đạt trong các tác phẩm hội họa, bởi lẽ ''tôi yêu những mảng tường rêu phong, những ô cửa cũ, hay vệt nắng ong thấp thoáng qua những lùm cây, và tôi muốn chúng ở lại trong tranh tôi như nó vẫn có ngoài đời. Vậy nên, tôi phải vẽ sao cho thật đúng, để giữ lại chúng cũng như giữ lại cả tình yêu đó…’’.
Cũng bởi nỗi niềm đau đáu đó theo đuổi suốt 20 năm qua, nên Phạm Bình Chương đã bền bỉ thủy chung với vẻ đẹp chậm rãi của Hà Nội, để qua ''Xuống phố 3’’ (kéo dài tới ngày 1.12) ''trình bày lại những góc quen thông qua những hình hài phố, những góc quen mà ai xem tranh tôi cũng đều cảm thấy mình đã từng ở đó. Đó chính là một Hà Nội trầm mặc, thanh lịch và ấm áp…’’.
Trong tranh của Phạm Bình Chương, đâu chỉ có những ''hình hài phố’’, mà còn có cây cầu Long Biên thân thương mang trên mình trầm tích lịch sử, những con ngõ nhỏ, mảng nhà dịu êm sau cơn mưa đêm, những người phụ nữ cao niên đôn hậu nơi phố cổ, phố cũ…
Như một người chép sử, Phạm Bình Chương đã thêm một lần ''xuống phố’’ bày tỏ theo lối riêng những cảm xúc chân thành với tình yêu Hà Nội bằng ngôn ngữ hội họa, để lưu giữ những nét đẹp đã khiến nhiều người ngẩn ngơ nỗi nhớ mỗi khi dội lên trong ký ức những kỷ niệm, hoặc mỗi khi xa Hà Nội…