Trong tác phẩm Kiều, điều lo lắng nhất là gì?
- Điều mà tôi lo lắng và hồi hộp nhất chính là phản ứng của khán giả về Đạm Tiên. Chúng tôi đã giấu nhân vật này đến phút cuối mới công bố bởi vì đây là nhân vật phá cách nhất so với nguyên tác.
Đạm Tiên trước đây là một kỹ nữ, chắc chắn cô ấy cũng sẽ có rất nhiều uẩn khúc trong cuộc đời của mình, nên tôi quyết định bàn với đạo diễn Phi Tiến Sơn về việc đặt hàng kịch bản để viết.
Chúng ta không thể thay đổi cột mốc trong cuộc đời Kiều, không thể bắt người này sống, người kia chết. Vậy nên muốn sáng tạo, thì sáng tạo dễ nhất là ở nhân vật một hồn ma. Bởi vì đây là nhân vật sẽ mang yếu tố ma mị và trong “Truyện Kiều”, Đạm Tiên luôn luôn xuất hiện cùng Kiều trong giấc mộng.
Nên tôi suy nghĩ rằng, làm sao để cho nàng Kiều mạnh mẽ hơn, bởi nếu theo nguyên tác chúng ta có thể thấy nàng Kiều rất đáng thương, bị xô đẩy hết cái này đến cái khác. Cô ấy có thể phản kháng bằng cách nào thì Đạm Tiên chính là một nhân vật để giúp Kiều làm điều đó.
Trong phim, không ai có thể nhìn thấy Đạm Tiên cả, chỉ có mình Kiều đối thoại với Đạm Tiên. Đạm Tiên và Kiều chính là một tâm hồn nhưng có 2 suy nghĩ. Đôi khi trong chúng ta, cái thiện cái ác luôn luôn có những cái đấu tranh, thì Đạm Tiên được đưa vào với ẩn ý đó.
Vì sao chị có thể cùng lúc đảm nhận cả vai trò sản xuất lẫn đạo diễn và kiêm vai Đạm Tiên?
- Thực ra lúc đầu, tôi không phải người đảm nhận vai Đạm Tiên mà mời một diễn viên khác, đã ký hợp đồng, đã đo đạc quần áo, chuẩn bị mọi thứ nhưng lúc đó dịch COVID-19 diễn ra và bạn ấy đang ở Mỹ không thể quay về Việt Nam nên tôi và ê-kíp buộc tôi phải tham gia đóng.
Khi theo dõi Kiều, nếu có ý kiến cho rằng, phim đang cổ suý cho “tiểu tam”, chị nghĩ sao?
- Chúng tôi không cổ súy "tiểu tam". Thực ra thì trong chuyện, tình yêu không ai có lỗi. Trong chuyện tình tay ba, bất kể ai rơi vào hoàn cảnh đó, đều là những người đau khổ.
Rất nhiều người khi biết tôi làm về phim “Kiều” và biết tôi làm ở giai đoạn Thúc Sinh - Hoạn Thư - Thúy Kiều sẽ nghĩ Hoạn Thư sẽ là một người độc ác, sẽ là một người ghen tuông, nhưng khi xây dựng nhân vật, chúng tôi sẽ nhìn ở một khía cạnh khác, một người chính thất, một người phụ nữ bị phản bội. Mọi người sẽ thấy rằng nó đau lắm.
Và Kiều cũng vậy. Nếu tôi là Kiều, chắc chắn tôi cũng sẽ yêu Thúc Sinh, bởi vì khi một người phụ nữ đang ở lầu xanh, số phận bị chà đạp lại có một người yêu thương mình chân thành, một người trân trọng mình thì chắc chắn mình sẽ phải đi theo tiếng gọi của tình yêu đó, và tôi nghĩ bất kỳ người phụ nữ nào khi rơi vào hoàn cảnh như Kiều, mà gặp được Thúc Sinh thì chắc chắn cũng sẽ yêu thôi.
Chưa kể, ngày xưa quan niệm “5 thê, 7 thiếp là chuyện bình thường”. Trong cuộc tình tay ba thì cả 3 đều đau khổ, đó cũng là thông điệp mà bộ phim muốn nói đến về nỗi đau của những người trong cuộc.
“Kiều” có khá nhiều “cảnh nóng”, chị có sợ khán giả cho rằng phim đang lạm dụng điều này để thu hút khán giả?
- Tôi nghĩ với một bộ phim tình cảm, không có “cảnh nóng” thì rất khó để truyền tải. Hoạn Thư không thể ghen nếu không biết, không chứng kiến chồng mình bội bạc. Ngược lại, khi cô ấy trả thù cũng vậy.
Như mọi người thấy, Hoạn Thư không đánh đập, không làm Kiều phải khổ về thể xác, nhưng thực ra cái trả thù về tinh thần mới khủng khiếp hơn rất nhiều. Đó cũng là ý đồ của ê-kíp khi xây dựng tình tiết đó.
Đoàn phim đã xử lý thế nào để các cảnh quay không bị "phản cảm"?
- Trong một bộ phim tình cảm, không thể thiếu những “cảnh nóng”, nhưng những cảnh này được quay như thế nào thể hiện sự tinh tế, nghệ thuật, và tôi cảm thấy rất mừng khi diễn viên đã làm được điều đó. Và cả ê-kíp đã sử dụng các góc máy quay, để khán giả cảm thấy được các nhân vật đang yêu nhau, đang hết mình trong tình yêu chứ không phải là điều dung tục, đó là điều mà bộ phim hướng tới.
Cảm ơn chia sẻ của chị!