
Ông không muốn nhắc nhiều về thời trẻ cũng như những thăng trầm trong cuộc sống mà chỉ say sưa nói về sách. Hỏi ông đã đóng được bao nhiêu cuốn, ông bảo làm sao mà nhớ hết được, hàng trăm hay hàng chục ngàn sách cũ. Trước TPHCM có khoảng 10 cơ sở đóng sách nhưng rồi nghỉ hết. Hồi đầu, ông Rạng tự mình tìm đến mấy chỗ bán sách cũ và nhận sách về làm. Sau đó, những người yêu sách và có nhu cầu phục chế sách, tài liệu quý hiếm tìm đến ông để bảo tồn tài sản.
“Nhìn nhiều cuốn sách thấy te tua, cũ nát hết cả thì muốn bệnh luôn. Về là tháo ra sắp xếp lại từng trang, dán những chỗ rách hay may lại. Cuốn nào hư ít làm mau, hư nhiều làm lâu. Ngày cao là 5 cuốn còn trung bình 2 cuốn” - ông kể chuyện. Lướt qua chồng sách cũ ở trên bàn ông Rạng, phần lớn là sách thời xưa. Có cuốn long gáy, có cuốn sứt chỉ, rách bươm, màu giấy ố vàng màu thời gian và công việc của ông là “cứu” chúng.
Với những cuốn sách bị mối mọt, ông Rạng phải bồi giấy để cố gắng giữ lại nguyên bản. Vì chủ nhân sách cũ phần lớn là những người lớn tuổi và kỹ tính. Nhà ông có một chiếc máy cũ dùng để cắt bìa sách hay trang sách lại cho thẳng vì do phải bồi (dán thêm giấy) vào các trang cũ bị rách nên phần sách không còn đúng kích thước.
Hỏi thu nhập ông sao, ông bảo “đủ xài, một cuốn là 50.000 đến 100.000 đồng tùy theo hiện trạng”. Gia đình ông không ai theo nghề phục chế sách, vì nghề này đòi hỏi sự kiên nhẫn, chăm chú và quan trọng là tình yêu với sách. Sách cũ hỏng phải dò từng trang, theo chỉ dẫn của khách yêu cầu, làm đúng thậm chí là tốt hơn. Có những khách hàng đến đưa sách cũ đến, nói là kỷ niệm của ông nội, ông ngoại để lại giờ muốn phục chế như xưa, còn không thích mua mới dù sách có tái bản bán ở tiệm.
Hỏi ông hay đọc sách gì, ông bảo thích đọc sách Văn Sử Địa, dạng sách Đắc Nhân Tâm. Ngày xưa thuê “Tam quốc chí”, “Thủy hử”, chuyện chưởng Kim Dung, tiểu thuyết tình cảm Quỳnh Dao về xem. Ngày nay ông Rạng bảo phong trào chơi sách cũ đang trở lại, vì đời sống khá lên, nhiều người có tiền thích sách. Thực ra thì sách bao giờ cũng là người bạn tốt...