Miếng bánh thị phần ở thị trường phim Việt đang được phân chia theo công thức: Trấn Thành, Lý Hải và phần còn lại. Trong đó, ở “phần còn lại” đang đánh dấu những thất bại liên tiếp của các đạo diễn, nhà sản xuất nữ trong 3 năm trở lại đây.
Năm 2022, Lý Nhã Kỳ vì không muốn dự án phim “Kẻ thứ ba” đứt gánh giữa đường nên đã bỏ ra 33 tỉ đồng để phim tiếp tục được sản xuất. Tuy nhiên, khi phim ra rạp, Lý Nhã Kỳ “kêu khóc” bị ép suất chiếu, cuối cùng phim rời rạp và thua lỗ nghiêm trọng.
Cũng năm trong năm 2022, “Thanh Sói - Cúc dại trong đêm” được đánh giá có kịch bản chặt chẽ, phần hành động được thực hiện kỳ công, mãn nhãn, thế nhưng, vẫn là dự án thua lỗ đầy cay đắng của Ngô Thanh Vân.
Năm 2023, đạo diễn nữ Luk Vân - được mệnh danh “đạo diễn triệu view” cũng có cú thất bại với “Khi ta hai lăm”. Đến đầu năm 2024, sau khi Mai Thu Huyền kêu khóc “bị ép suất chiếu” là màn cầu cứu của cựu mẫu Xuân Lan khi các dự án phim đều “ngã ngựa”.
Đến ngôi sao cũng không thể cứu
Bộ phim “Kẻ thứ ba” của Lý Nhã Kỳ có sự tham gia của tài tử Hàn Quốc Han Jae Suk. Tuy không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ nhưng Han Jae Suk vẫn là gương mặt quen thuộc và được khán giả Việt Nam yêu mến. Song, với kịch bản non yếu, Han Jae Suk đã không thể cứu được “Kẻ thứ ba”.
“Kẻ thứ ba” với kịch bản ôm đồm, cách kể chuyện lắt léo, khó hiểu, vừa có yếu tố xuyên không, vừa đan xen quá khứ - hiện tại, quá khứ của quá khứ… khiến câu chuyện trở nên rối rắm. Phim bị chê về chất lượng, không bán được vé và được xếp những suất chiếu ít ỏi.
“Khi ta hai lăm” của đạo diễn Luk Vân quy tụ dàn diễn viên có sức hút như Midu, Ngô Kiến Huy, Lãnh Thanh… nhưng gấp rút rời rạp vì ế ẩm. Kịch bản cũng là điểm yếu lớn nhất của “Khi ta hai lăm”.
“Khi ta hai lăm” có kịch bản rời rạc, thiếu điểm nhấn khiến phim không có được sức hút. Phim bị chê nhạt từ cách xây dựng nhân vật đến xử lý tình tiết, triển khai câu chuyện.
Gần nhất, bộ phim “Cái giá của hạnh phúc” do Xuân Lan sản xuất cũng bị chê về kịch bản dù có sự tham gia diễn xuất của “diễn viên triệu USD” Thái Hòa. Những lỗ hổng trong kịch bản, sự non yếu trong triển khai tình tiết phim khiến “Cái giá của hạnh phúc” rơi vào thua lỗ.
Đây là tác phẩm hiếm hoi có Thái Hòa tham gia nhưng rơi vào kết cục thất bát.
Giải thưởng quốc tế không “hù dọa” được khán giả
Lần nào đưa phim ra rạp, Mai Thu Huyền cũng mang rất nhiều giải thưởng quốc tế (ở các cuộc thi không danh tiếng) ra để “hù dọa”, nhưng kết quả vẫn bết bát.
Khi mang “Kiều” ra rạp, Mai Thu Huyền nói, bộ phim được rất nhiều nhà nghiên cứu về truyện Kiều khen ngợi. Thế nhưng, khi phim khởi chiếu đã nhận chỉ trích nặng nề từ khán giả và giới phê bình bởi cách xây dựng nhân vật hời hợt, cảnh nóng phản cảm, và phá nát nguyên tác.
“Đóa hoa mong manh” tiếp tục là dự án thất bại, khi kịch bản là điểm yếu lớn, phim bất chấp mọi logic trong xây dựng nhân vật cũng như xâu chuỗi tình tiết.
Chỉ vì có những yếu tố lặp lại nhất định từ “Hai Phượng”, một bộ phim chỉn chu, đầu tư lớn như “Thanh Sói” đã ngã ngựa đầy cay đắng. Khi thị trường phim và thị hiếu khán giả đã thay đổi chóng mặt, những nhà sản xuất, đạo diễn nữ không thể dùng “nước mắt” để cứu doanh thu phim được nữa.
Đã đến lúc, thay vì đổ lỗi cho những yếu tố ngoại cảnh như “ép suất chiếu”, “những ý kiến chê bai ác ý”… các nhà làm phim nữ phải nhìn thẳng vào thực lực của mình.
Kịch bản mới đang là điểm yếu lớn nhất ở những dự án phim thua lỗ, bết bát. Chính kịch bản mới là yếu tố lớn nhất khiến các nhà làm phim nữ đang phải trả giá bằng doanh thu.