Lý Bạch và nỗi sầu vạn cổ

đỗ trung lai |

Từ thuở bé, vì là út, tôi thường được cha tôi, một nhà Nho - thầy giáo - thầy thuốc nông thôn, cho gối đầu lên đùi người, rồi ru ngủ dần bằng cách ngâm ngợi những bài Đường thi. Ban đầu, tôi chẳng hiểu gì, chỉ thấy âm điệu của chúng thật bổng trầm, thật dễ ngủ.

Dần dần, từ tuổi ấu thơ qua thời niên thiếu, bên cạnh âm điệu, qua lời bình giải của cha, tôi mới hiểu Đường thi đôi chút. Tôi lớn lên, đi học tự nhiên mà lòng không lúc nào vợi nhớ thi ca, nhất là Đường thi. Cùng với sự lớn lên, già đi của mình, càng ngày tôi càng thấy nhiều hơn, rõ hơn cảnh, tình, sự, lẽ đời rồi lẽ trời trong những bài thơ ấy.

Nỗi ngạc nhiên của tôi trước vẻ đẹp và sự sâu sắc ẩn trong Đường thi, không những không bớt đi mà ngày càng nhiều lên. Những bài thơ Đường hay, mỗi lần đọc, lại thấy chúng lấp lánh một kiểu, tùy vào lứa tuổi và tâm thế lúc ấy, thậm chí, tùy cả vào từng cách đọc. Chúng giống như ngọc quý: Xem sớm, xem chiều, xem tối, xem dưới ánh trời, xem dưới đèn nến, xem lúc vui lúc buồn, xem lúc trẻ lúc già... đều thấy khác nhau, chỉ có điều, chẳng khi nào thấy... xấu, dẫu chẳng ai “ngậm ngọc ngày ngày thay cơm”.

Âm điệu của chúng cũng vậy, nó không phải chỉ để cho dễ ngủ, mà vô cùng ảo huyền, kỳ thú, siêu việt: Có thể như gió thoảng ngoài, lại có thể như ầm ầm binh mã; có thể như cây cỏ nỉ non dưới trăng thu, lại có thể như thác bay đá lở; có thể như thủ thỉ tâm sự, ung dung nhàn tản; lại có thể như hì hụi qua trăm núi ngàn đèo; có thể như tiếng thở, lại có thể như tiếng khóc, tiếng thét...

Hóa ra, âm điệu thơ sinh ra không chỉ do bằng - trắc. Âm điệu thực của thơ lại là âm điệu ảo, sau bằng - trắc. Khi trong lòng đã chất chứa cảnh, tình, sự, lẽ đời, lẽ trời, thì nhà thơ phải nói ra, hát lên, kêu lên, thét lên qua bằng - trắc. Thấy bằng - trắc mới chỉ là thấy cái vỏ. Cái âm điệu thực sau bằng- trắc, mượn bằng- trắc, còn cao hơn nhiều và lớn hơn nhiều. Đó mới là âm điệu thực của thơ hay - âm điệu của cõi lòng.

Nỗi sầu vạn cổ

Tôi thường tự hỏi, người đời Đường (618 - 907), dù sống cách tôi cả ngàn năm, sao lại có thể thấu triệt lẽ trời, lẽ đời và tình người đến thế? Dần dần, tôi hiểu ra rằng, sau mọi thứ chủ nghĩa, sau mọi chế độ xã hội mà loài người đã và sẽ trải qua, thì nhân tình vẫn thế.

Loài người văn minh dần, loài người bèn khoác lên mình những thứ vỏ bọc khác nhau, mà trái tim họ vẫn luôn dễ rung động, dễ tổn thương như cũ. Có lúc nào sắt đá lại, thì cũng chỉ vì dễ bị tổn thương mà thôi. Đúng là, “loài người chưa bao giờ đổi tên”!

Hóa ra, mọi sự vui buồn vốn đã có tự ngàn xưa và sẽ còn đến ngàn sau. Ái, ố, nộ, hỉ của con người là bất di bất dịch. Lẽ tử - sinh là lẽ đời cao nhất, cuối cùng, của con người. Lý Bạch, cùng với thời Đường tăng đi lấy chân kinh, đã viết những điều ấy thành thơ.

Trong bài Nghĩ cổ thứ sáu, ông bảo: “Sống, như là khách qua đường ấy - Thác xuống, là ta mới được về - Đất trời như quán trọ kia - Ta như hòn cuội lăn đi giữa đời” (Sinh giả vi quá khách - Tử giả vi quy nhân - Thiên địa nhất nghịch lữ - Đồng bi vạn cổ trần). (*) “Vạn cổ trần” không phải là những buồn bã thường ngày, mà là nỗi đau lớn vì không giải quyết được bài toán sinh - tử, không thể có thuốc trường sinh.

“Vạn cổ trần” mới sinh ra “vạn cổ sầu”. Cho nên Lý Bạch mới bảo: “Ngũ hoa mã, thiên kim cừu - Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu - Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” (Có con ngựa năm hoa kia, có áo cừu đáng giá ngàn vàng đây. Hãy bảo bọn trẻ đem đổi hết ra rượu ngon, để ta cùng bạn bè uống cho tiêu tan mối sầu vạn cổ). “Sầu vạn cổ” là nỗi sầu lớn, muôn đời, của con người, trước cái chết.

Mối “vạn cổ sầu” ấy còn được Lý Bạch nói đến ở nhiều bài thơ khác. Ở bài “Cổ phong” thứ ba, ông viết: “Dây dài khôn buộc mặt trời - Xưa nay ngồi ngẫm sự đời mà cay - Chất vàng cao chín tầng mây - cũng không mua được một ngày xuân xanh” (Tràng thằng nan hệ nhật - Tự cổ cộng bi tân - Hoàng kim cao Bắc đẩu - Bất tích mãi dương xuân).

Ở bài Cổ phong thứ năm, ông viết là: “Đất trời sẽ chẳng còn nguyên - Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người - Tùng xanh, ve đến lả lơi - Nào hay tùng cỗi lâu rồi, còn đâu - Tìm chi tiên dược thêm sầu - Bàn chi những lẽ nông sâu với người - Hỏi ai nghìn tuổi trên đời - Hay là chen chúc một thời, rồi đi?” (Nhật nguyệt chung tiêu hủy- Thiên địa đồng khô cảo - Huệ cô đề thanh tùng - An kiến thử thu lão - Kim đan ninh ngộ tục - Muội giả nan tinh thảo - Nhĩ phi thiên tuế ông - Đa hận khứ thế tảo).

Ở bài “Tương tiến tửu”, ông bảo: “Anh không thấy tóc tơ ngày nọ - Sớm đương xanh, chiều đã tuyết sương - Nhà cao, ai đứng trong gương - Trông lên tóc bạc mà thương phận người!” (Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát - Triêu như thanh ti mộ thành tuyết).

Ở bài “Đối tửu”, ông lại viết: “Tóc đen ngày trai tráng - Nay đã đòi pha sương” (Tạc nhật chu nhan tử - Kim nhật bạch phát thôi).

Ở bài “Tặng Tiền trưng quân Thiếu Dương”, “tóc trắng” lại xuất hiện: “Rượu nồng đang đợi trong chén ngọc - Liễu xanh đưa trời vào tháng ba - Gió xuân còn thổi dăm ngày nữa - Tóc trắng trên đầu hai đứa ta” (Bạch ngọc nhất bôi tửu - Lục dương tam nguyệt thì - Xuân phong dư kỷ nhật - Lưỡng mấn các thành ti) v.v...

Đến bài “Thu Phố ca, thì sự “cộng bi tân”, nỗi “bạch phát thôi”, cảnh “thử thu lão”, tình “bi bạch phát”, tóm lại là “nỗi buồn tóc trắng”, là mối “sầu vạn cổ”, đã nén chặt lại trong một bài tứ tuyệt trữ tình, súc tích, nghẹn ngào, hoành tráng, vĩ đại: “Tóc trắng dài ba ngàn trượng - Sầu ta cũng dài lê thê - Đầy gương, hỏi đâu còn chỗ - Gọi chút sương thu theo về” (Bạch phát tam thiên trượng - Duyên sầu tự cá trường - Bất tri minh kính lý - Hà xứ đắc thu sương).

Tại sao lại là “Tóc trắng dài ba ngàn trượng”? “Tóc trắng” ở đây, chính là nỗi “sầu tóc bạc”, là mối “sầu vạn cổ”, vừa nói. “Ba ngàn trượng” với một đời, cứ như là hoang đường! Thế nhưng, với cả “vạn cổ”, thì không có cách gì nói đúng hơn, đẹp hơn, hay hơn. Mỗi câu một vẻ, đều “nối điêu” cho câu đầu, làm cho nỗi sầu đau trước lẽ tử - sinh, chồng chất lên như núi trên núi, thác trên thác, cây trên cây, trời trên trời, đời này trên đời khác, vô tận, đầy gương, không còn chỗ cho bất cứ một cái gì khác nữa, kể cả chút sương thu - vẻ đẹp mỏng manh, thơ mộng trong cổ thi phương đông.

Ở đây, thi sĩ là người đại diện cho mọi kiếp người mà phát biểu về cái lẽ đời cao nhất, cuối cùng ấy, của con người, cho nên nó thấm đẫm hiện thực nhân sinh. Mặt khác, với tư cách một thiên tài, ông đã tạo ra một bài tứ tuyệt bất hủ, huyền ảo - rắn như kim cương, lấp lánh như kim cương, mà lại có thể tan ngay ra thành sương khói phiêu diêu, tan ngay ra thành “bể khổ” nhân gian.

Thế là từ hơn một ngàn năm trước, Lý Bạch, chỉ cần bốn câu thơ ngắn, đã là “tiền kiếp” của chủ nghĩa “Hiện thực huyền ảo” rồi.

Quả thật, một thi sĩ viết về lẽ trời, lẽ đời, về mối “sầu vạn cổ” bất di bất dịch kia, sâu sắc như vậy, cảm động như vậy, tài hoa như vậy - để cả ngàn năm sau vẫn còn vằng vặc những lời thơ; để cả ngàn năm sau, đọc lại vẫn thấy hệt bây giờ - thì thi sĩ ấy chỉ có thể là Lý Bạch!

Thấu hiểu đến cùng kiếp nhân sinh như thế, Lý Bạch và các thánh nhân, hiền nhân phương đông mới có thể nhìn đời bằng con mắt cao hơn đời. Họ, dù cũng ôm mối “sầu vạn cổ”, dù cũng bất lực trước lẽ tử - sinh, nhưng thông tuệ hơn đồng loại trong việc giải quyết những mâu thuẫn thế tục - sau này triết học hiện đại gọi là những “cặp phạm trù đối lập” - như là “vinh - nhục”, “xuất - xử”, “được - mất”, “thành - bại”, “hơn - thua”, “giàu - nghèo”, “sướng - khổ”, “vui - buồn”..., vì nói đến cùng, không có “cặp phạm trù” nào lớn hơn, gai góc hơn, khiến người ta bất lực hơn, và vì thế cũng vô nghĩa hơn, “cặp phạm trù” “tử - sinh”!

Ở bài “Nghĩ cổ” thứ mười sáu, ông viết: “Vinh hoa như nước chảy về đông- Muôn sự xem như sóng giữa dòng” (Vinh hoa đông lưu thủy - Vạn sự giai ba lan) - khi đã biết vinh hoa, cái mục đích, cái ham hố của bao đời thế tục, cũng chỉ như “nước chảy về đông”, cũng phù du như dòng hoài niệm truyền kiếp, không thể khác; thì mọi chuyện còn lại trên đời này chỉ nên coi như mấy làn sóng dợn, nào có đáng kể gì? Nhọc lòng mà làm chi?

Loài người - tuyệt đại đa số không phải là thánh nhân, hiền nhân - thường buồn, lo, vật vã, tranh giành và chết vì những thứ “giai ba lan” kia, nếu không có Lý Bạch, sao có thể thanh thản mà thâu lấy cái lẽ lớn ấy? Sao có thể thanh thản sống? Sao có thể vươn lên từ “bể khổ”? Quả là, Lý Bạch đã giúp cho loài người nhiều lắm!

Ở bài “Nghĩ cổ” thứ sáu, ông bảo: “Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần - Phù vinh được mấy đồng cân, mà cầu?” (Tiền hậu cánh thán tức - Phù vinh hà túc trân), cũng là cái ý đó.

Đến bài Giang thượng ngâm, ông lại nhắc: “Nếu phú quý công danh bền được - Hán thủy đành chảy ngược về tây” (Công danh phú quý nhược trường tại - Hán thủy diệc ưng tây bắc lưu) v.v...và v.v...

Vì thấu hiểu lẽ trời, lẽ đời như đã nói, Lý Bạch tất yếu phải công bố cái phương châm xử thế - cho ông và cho những người có triết lý sống, có khí chất giống ông, cho “trường phái” của ông.

Trong bài Xuân nhật túy khởi ngôn chí, ông viết: “Đời là cơn mộng lớn- Nhọc lòng mà làm chi?” (Xử thế nhược đại mộng - Hồ lao vi kỳ sinh).

Ở bài Nghĩ cổ thứ nhất, ông cũng nói: “Đời như một giấc mộng thôi” (Tức sự dĩ như mộng)...

Trời đã như vậy, đời đã như vậy, một ngã ba đường tất hiện ra trước mắt ông, buộc ông phải chọn một trong hai ngả: “Xuất” hay là “Xử”.

“Xuất”, thì ông cũng đã thử rồi, và thất bại! Vì thế mà năm 744, ông dứt khoát xin vua cho về quê rồi đi ngao du khắp chốn dù ông cũng từng ôm chí giúp đời. Ông vẫn ví mình như Trương Lương. Nhưng có lẽ, ông có duyên với phần đời sau của Trương Lương: Sau khi giúp Hán Cao tổ lập nghiệp, Trương Lương đi theo Xích Tùng tử, rong ruổi nước non chứ không ở triều nữa.

Ở nhiều bài, ông ca ngợi những tao nhân ung dung tự tại, tự do, xa thế tục, bỏ vinh hoa. Ông làm thơ đề ở nơi ông Đông Khê ở ẩn (Đông Khê cũng là nơi Lý Bạch từng bị lưu đày): “Đỗ Lăng có một người hiền - Ẩn trong nhà cỏ ở miền Đông Khê - Nhà ven núi khác chi Tạ Diểu - Liễu đua xanh cùng liễu Đào Tiềm - Hoa bay mời rượu trước hiên - Đón xuân đã có tiếng chim sau nhà” (Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm - Đông Khê bốc trúc tuế thì yêm - Trạch cận thanh sơn đồng Tạ Diểu - Môn thì bích liễu tự Đào Tiềm).

Lý Bạch yêu tiếng đàn trong núi của Thục Tăng Tuấn: “Vì ta gẩy khúc tương tri - Sơn khê gửi tiếng thầm thì lên thông - Gội lòng khách lâng lâng tựa suối - Cùng chuông chùa tan dưới chiều sương” (Vị ngã nhất huy thủ - Như thính vạn hác tùng - Khách tâm tẩy lưu thủy - Di hưởng nhập sương chung).

Điển hình nhất là bài “Tặng Mạnh Hạo Nhiên”: “Yêu sao Mạnh Phu tử - Tiếng phong lưu có thừa - Tóc xanh khinh xe, mũ - Bạc đầu nằm núi xưa - Say trăng thành thánh rượu - Gần hoa không gần vua - Sạch thơm trong trời đất - Với tùng mây bốn mùa” (Ngô ái Mạnh Phu tử - Phong lưu thiên hạ văn - Hồng nhan khí hiên miện - Bạch thủ ngoạ tùng vân - Túy nguyệt tần trung thánh - Mê hoa bất sự quân - Cao sơn an khả ngưỡng- Đồ thử ấp thanh phân); hay là bài “Hỏi đáp trong núi”: “Hỏi sao chọn chốn non xanh- Ta cười không nói, lòng thanh thản lòng - Kìa hoa đào cùng theo dòng - Sang trời khác, chẳng ở chung với đời” (Vấn dư hà sự thê bích san - Tiếu nhi bất đáp tâm tự nhàn - Đào hoa lưu thủy yểu nhiên khứ - Biệt hữu thiên địa phi nhân gian).

Cái hướng cuối cùng mà ông chọn, chính là hướng mà Trương Lương, Phạm Lãi, Tạ Diểu, Đào Uyên Minh, Mạnh Hạo Nhiên... đã chọn.

Thi tiên

Chọn rồi, thì ung dung tự tại; thì phong, hoa, tuyết, nguyệt; thì làm bạn tốt, làm tài tử - thi nhân; thì cợt đùa - cảm thán khi gặp gỡ - tiễn biệt; thì tức cảnh sinh tình; lúc hoài cổ, khi xuất khẩu vịnh cảnh nhãn tiền; khi suy nghĩ gần xa mà nhả ngọc phun châu, mà phơi bày tâm dạ của bậc thiên tài tao nhân mặc khách:

“Nâng bầu rượu, ừ ta nghèo đói - Cầm nắm nem vui với bạn bè - Người tiên còn sợ nỗi gì - Lần xem vẻ thực trong ly rượu nồng” (Đề hồ mạc từ bần - Thủ tửu hội tứ lân - Tiên nhân thù hoảng hốt - Vị nhược tửu trung chân),

“Náu mình trong rượu ngọc kia - Còn hơn tất tả đi, về nhân gian” (Ẩn tửu nhập ngọc hồ - Tàng thân dĩ vi bảo), “Cuối thuyền sáo ngọc đang reo - Tiêu vàng chờ thổi còn treo đầu thuyền - Mái ngoài, ca kỹ làm duyên - Khoang trong, rượu quý chất nguyên ngàn vò” (Ngọc tiêu kim quản tọa lưỡng đầu - Mỹ tửu tồn trung trí thiên hộc - Tải kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu),

“Cùng nhau ta say mãi - Cùng nhau ta ngâm thơ” (Ẩm quân tửu - Vị quân ngâm), “Từ lâu muốn chối đường quan lộc - Về lại vườn xưa khoác áo xưa” (Cửu từ vinh lộc toại sơ y), “Rừng sẽ trùm cung cấm - Hươu nai đầy đài cao - Bụi vàng chôn thành quách - Người xưa đâu thấy nào - Bụi vàng chôn thành quách - Không uống, còn ra sao” (Cức sinh Thạch Hổ điện - Lộc tẩu Cô Tô đài - Tự cổ đế vương trạch - Thành khuyết bế hoàng ai - Quân nhược bất ẩm tửu - Tích nhân an tại tai).

Ông bảo: “Trời đất đã nhiều phen nghiêng chén - Ta say mèm chẳng thẹn cùng ai - Thánh nhân thích rượu mới hay - Hiền nhân say tít cung mây càng hiền - Thì phải ước thần tiên chi nữa - Thánh với hiền đã đủ thần tiên - Một ly hợp lẽ tự nhiên - Ba ly đạo lớn thông lên tận trời” (Thiên địa ký ái tửu - Ái tửu bất quý thiên - Dĩ văn thanh tỷ thánh - Phục đạo trọc như hiền - Hiền thánh ký dĩ ẩm - Hà tất cầu thần tiên - Tam bôi thông đại đạo - Nhất đẩu hợp tự nhiên).

Ông cũng nói: “Say không còn trời đất - Ôm gối nằm lẻ loi - Thân này như chẳng có - Thế mới là thậm vui” (Túy hậu thất thiên địa - Ngột nhiên tựu cô chẩm - Bất tri hữu ngô thân - Thử lạc tối vi thậm), “Lúc sống mà không uống - Danh hão nào hơn ai - Ta có cua và rượu - Thế là thành Bồng Lai” (Đương đại bất lạc ẩm - Hư danh an dụng tai - Giải ngao tức kim dịch - Tao khâu thị Bồng Lai),

“Ta thường ngày say khướt - Nằm ngoài hiên ngủ khì” (Sở dĩ trung nhật túy - Đồi nhiên ngọa tiền doanh), “Ta bên nhau hoan hỷ - Rượu ngon cùng nâng mời - Gió ngàn thông, hát mãi - Sao trên trời dần vơi - Ta say, bạn vui vẻ- Bên nhau quên sự đời” (Hoan ngôn đắc sở khế - Mỹ tửu tiêu cộng huy - Trường ca ngâm tùng phong - Khúc tận tinh hà hy - Ngã túy quân phục lạc - Đào nhiên cộng vong ky).

Bài thơ nổi tiếng “Tương tiến tửu” chính là bài điển hình cho cách uống rượu tiêu sầu của ông.

Ở đây cần phải nói rõ, rượu, đối với Lý Bạch, là để tiêu nỗi “sầu vạn cổ”; cũng là vì ông thấy: “Từ thời Kiến An lại đây - Đã không còn sang như cũ”; vì “mộng Trương Lương” không thành; vì: “Tâm can giãi cùng ai đây?”; vì: “Ngàn năm trăng vẫn một vầng - Ngàn năm người vẫn như dòng nước trôi”; vì: “Ta cầm lòng chẳng được - Lại đành ngồi nghiêng be - Hát vang chờ trăng sáng - Buồn xưa thôi không về”; cả vì rằng: “Ai cũng tìm nơi nương tựa - Riêng ta một mình tái tê”...;

rồi lại vì rằng: “Ngẩng đầu, trăng sáng trên kia - Cúi đầu, dạ đã tìm về cố hương”; vì rằng: “Vầng trăng chiếu xuống Tây Thi ngày trước - Nay chỉ còn thầm rọi xuống Tây Giang”; vì rằng: “Cái nơi ruột xé gan bào - Là nơi tiễn khách, là Lao Lao đình”; vì rằng: “Tóc trắng dài ba ngàn trượng - Sầu ta cũng dài lê thê”; vì rằng: “Mộ nàng đẫm giọt thương đau - Là bao nhiêu lệ đời sau khóc nàng”;

vì rằng: “Tháng ba, thành Hàm Dương - Bụi chiến tranh trùm khắp - Dân trong thành kêu trời - Sương trắng phơi lăn lóc - Máu người pha đỏ sóng - Dưới chân cầu Thiên Tân”; vì rằng: “Đất trời sẽ chẳng còn nguyên - Tháng ngày rồi cũng cạn trên vai người”; vì rằng: “Đất trời như quán trọ kia - Ta như hòn cuội lăn đi giữa đời”;

vì rằng: “Hỏi ai ngàn tuổi trên đời - Hay là chen chúc một thời, rồi đi?”; vì rằng: “Nhớ anh như nước trên sông Vấn - Tràn đi tìm bạn cuối trời nam”; vì rằng: “Tỉnh, e miệng thế chê cười - Chỉ mong được suốt một đời say sưa”; vì rằng: “Vẫy tay giã biệt từ đây - Buồn thương tiếng ngựa chiều nay lìa đàn”;

vì rằng: “Mộng dài, đèn tắt, trăng tà - Mộng dài mới biết đường xa ngàn trùng - Kìa ai lên núi trông chồng - Thân thành ra đá chồng không thấy về”; vì rằng: “Chàng đi núi thẳm sông đầy - Thiếp mười sáu tuổi khoanh tay đợi chồng”; vì rằng: “Thiếp, chàng nay như nước - Rẽ đôi dòng đông, tây”;

vì rằng: “Dâu vò dạ nhớ quanh năm - Cỏ kia thì cũng bao lần thở than”; vì rằng: “Hương xưa thì vẫn còn đây - Người xưa nước nước, mây mây chẳng về”; vì rằng: “Soi vào trong gương cũ - Đã mòn bao hồng nhan - Rồi khi chàng trở lại - Biết nói sao với chàng”; vì rằng: “Mình ta còn lại bên dòng - Chỉ nghe tiếng hát mà không thấy người”; vì rằng: “Đợi người, người chẳng về đây - Ngõ hoa lặng lẽ rơi đầy hoa rơi”;

vì rằng: “Chim đàn bay hết lên xanh thẳm - Một thức mây nhàn lẻ loi trôi”, “Mây trắng trên đầu tan lại hợp”, “Trời mây huy hoàng thế - Mà người xa mịt mù”, “Nghe lời bẻ liễu trong đêm - Lòng nào không chạnh nỗi niềm cố hương”, “Truyện còn kể với muôn thu - Dám xem cái chết nhẹ như lông hồng”;

lại vì rằng: “Nước đổ từ ba ngàn thước xuống - Như thể sông Ngân gãy giữa trời”, “Động Đình, trăng ngả sang tây - Tiêu Tương, hạc sớm theo bầy về nam”, “Mắt kẻ lưu đày ôm trời lạ - Bãi dài trăng lẻ để cho ai?”, “Tương tư, biết bao giờ tương kiến”; lại vì rằng: “Trời cũng khoanh tay mà bái phục - Lên trời không khó bằng sang Thục”.v.v... và v.v...; tức là cũng vì bao nhiêu nỗi buồn vui đời thường, vì bao nhiêu nỗi yêu mến và ngạc nhiên trước thiên nhiên tráng lệ. Tóm lại là vì: “Không uống, còn ra sao?”.

Thiên tài Lý Bạch đã làm cho rượu thêm vinh dự, chứ không phải rượu làm nên Lý Bạch. Còn những kẻ phàm phu tục tử, “giang hồ vặt”, lấy chính rượu làm... rượu, uống chỉ để... uống, thì chả có liên quan gì đến Lý Bạch, thì không có gì để bàn nữa!

Biết hết, vô cùng cao ngạo và cao đạo; khinh tiền bạc, xe mũ, thói tục, vinh hoa như cỏ rác; mà thơ không hề miệt thị, khinh bạc; yêu cái đẹp và con người đến cùng (Ký viễn, Xuân tứ, Tặng nội, Bạch đầu ngâm, Thiếp bạc mệnh, Cửu biệt ly, Song yến ly, Ngô vương vũ nhân bán túy, Việt nữ từ, Vương Chiêu Quân, Thanh bình điệu, Khuê tình, Trường Can hành, Oán tình...), mà thơ không một lời tầm thường, thô tục; thì người ấy, chỉ có thể là... Lý Bạch!

Cùng với Lý Bạch, Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị làm tôi càng thêm yêu quý Đường thi. Bên cạnh ba ngôi sao lớn này, các nhà thơ khác thời Đường cũng mang tên tuổi mình rắc thêm vào bầu trời Đường thi, làm cho nó hóa Thiên hà.

Người ta thường gọi Lý Bạch là “Tiên thi”, Đỗ Phủ là “Thánh thi”, Bạch Cư Dị là một thi sĩ lớn nặng lòng với nhân tâm. Nhưng thực ra, “Tiên thi”, “Thánh thi” mà không nặng lòng với nhân tâm thì thơ cũng khó có thể sống lâu đến như thế.

Sách Trung Hoa còn có một cách giải thích khác, hẹp hơn: Vì Lý Bạch nghiêng về Đạo Lão; thích ẩn dật, phóng túng, tiêu dao; ưa tiên thuật, nên ông là đại diện của các nhà thơ thích tu tiên, vì thế mà được gọi là “Tiên thi”. Còn Đỗ Phủ được gọi là “Thánh thi” vì ông trung thành với Khổng giáo, với đạo “Thánh hiền”. Nhưng hãy nghe Hồ Thích, một nhà phê bình nổi tiếng của Trung Hoa, nói về Lý Bạch: “Nhạc phủ ca từ xuất tự dân gian, nhưng đến tay Lý Bạch thì bay lên trời”.

Thơ mà “bay lên trời” được, thì người thơ thành “Tiên thi” cũng không có gì là lạ.

(*) Những câu thơ của Lý Bạch được trích dẫn ở đây, là do người viết bài này khởi dịch.


đỗ trung lai
TIN LIÊN QUAN

Trang thơ của Phan Văn Ấu

Phan Văn Ấu |

Phan Văn Ấu (Chương Mỹ, Hà Nội), Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Anh có 3 tập thơ đã xuất bản. Thơ anh chủ yếu viết về nông thôn, giọng thơ chân thực, giản dị nhưng gợi và có điệu riêng; ẩn chứa đằng sau những câu thơ hàm súc là nỗi niềm tâm sự, có lúc đến đắng lòng!

Trang thơ của Đinh Ngọc Diệp

Đinh Ngọc Diệp |

Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (Sầm Sơn, Thanh Hóa), nguyên phóng viên đại diện báo Gia đình & Xã hội ở Thanh Hóa. Thơ anh nhiều thế sự và suy tưởng về con người, sự sống và tình yêu.

Trang thơ của Trần Thị Hằng

trần thị hằng |

Trần Thị Hằng sinh ngày 25.12.1990 (quê Thanh Oai, Hà Nội), Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Tốt nghiệp khoá 11 khoa Viết văn, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Đã xuất bản 2 tập thơ: Logic tình yêu (NXB Hội Nhà văn, 2013), Vẽ (NXB Hội Nhà văn, 2016). Lao Động Cuối tuần xin giới thiệu chùm thơ mới, trẻ trung của chị.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Trang thơ của Phan Văn Ấu

Phan Văn Ấu |

Phan Văn Ấu (Chương Mỹ, Hà Nội), Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Anh có 3 tập thơ đã xuất bản. Thơ anh chủ yếu viết về nông thôn, giọng thơ chân thực, giản dị nhưng gợi và có điệu riêng; ẩn chứa đằng sau những câu thơ hàm súc là nỗi niềm tâm sự, có lúc đến đắng lòng!

Trang thơ của Đinh Ngọc Diệp

Đinh Ngọc Diệp |

Nhà thơ Đinh Ngọc Diệp (Sầm Sơn, Thanh Hóa), nguyên phóng viên đại diện báo Gia đình & Xã hội ở Thanh Hóa. Thơ anh nhiều thế sự và suy tưởng về con người, sự sống và tình yêu.

Trang thơ của Trần Thị Hằng

trần thị hằng |

Trần Thị Hằng sinh ngày 25.12.1990 (quê Thanh Oai, Hà Nội), Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Tốt nghiệp khoá 11 khoa Viết văn, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội. Đã xuất bản 2 tập thơ: Logic tình yêu (NXB Hội Nhà văn, 2013), Vẽ (NXB Hội Nhà văn, 2016). Lao Động Cuối tuần xin giới thiệu chùm thơ mới, trẻ trung của chị.