Live Fast, Die Young - Sống nhanh, Chết trẻ

Hoàng Nguyễn |

Ngày 20.7 vừa qua, những fan âm nhạc trên toàn thế giới bàng hoàng khi đón nhận tin Chester Bennington, thủ lĩnh nhóm rock lừng danh Linkin Park treo cổ tự vẫn tại nhà riêng ở tuổi 41. Vậy, điều gì đã và đang xảy ra với các ngôi sao nhạc rock? Điều gì khiến cuộc sống của họ thường trở nên bế tắc, nghiện ngập và cuối cùng là tìm đến cái chết như một sự giải thoát?
Những bi kịch xung quanh cuộc đời của các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dường như là điều đã trở nên quá quen thuộc. Hai bộ phim tài liệu: “Kurt Cobain: Montage of Heck” và “Amy” đã miêu tả chân thực lại cuộc đời cũng như giai đoạn khởi nghiệp của Kurt Cobain và Amy Winehouse - những nghệ sĩ đã từng phải tranh đấu với ma túy, trầm cảm và mặt trái của sự nổi tiếng - những thứ đã gián tiếp gây ra cái chết của họ ở tuổi 27. Một cuốn tiểu sử khác, “Love & Mercy”, đã đưa người đọc đến với thế giới của Brian Wilson, đồng sáng lập và là trưởng nhóm nhạc rock nổi tiếng The Beach Boys, người đã vượt qua giai đoạn khó khăn bằng ý chí mạnh mẽ và những sự giúp đỡ đến từ bên ngoài.
Tuổi thọ trung bình ngắn hơn so với người thường
Giống như Achilles, chiến binh Hy Lạp huyền thoại trong sử thi “Iliad” của Homer, luôn phải đấu tranh với những xung đột trong nội tâm mình, những người nghệ sĩ hiểu rằng tham gia tour diễn và theo đuổi vinh quang từ rất sớm, có thể đồng nghĩa với những sự cám dỗ và lối sống suy đồi từ rất trẻ, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn điều đó. Kurt Cobain cũng đã để lại câu nói nổi tiếng trước khi tự sát bằng súng săn vào năm 1994: “Thà sống một cách cháy bỏng, còn hơn chết đi trong mờ nhạt”. Tất nhiên, những câu chuyện về sự sụp đổ và tự hủy hoại bản thân không chỉ giới hạn trong các nghệ sĩ nổi tiếng như Cobain, Winehouse hay Wilson. Thật vậy, theo những phát hiện đáng lo ngại trong một nghiên cứu gần đây, những nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc thường có tuổi thọ trung bình ngắn hơn 25 năm so với người thường, và thường có tỷ lệ tử vong cao bởi các lý do như tai nạn, hành hung và tự sát.
Nhưng liệu có phải những cám dỗ, những mối nguy hiểm và những thăng trầm của cuộc sống phía sau ánh đèn sân khấu là lý do duy nhất cho một cuộc sống bất hạnh và khuynh hướng tự hủy hoại bản thân như vậy? Hay còn những lý do nào khác khiến cuộc đời của họ trở thành một tấm bi kịch đằng sau bức màn của sự nổi tiếng?
“Tôi đã chơi cocain liên tục trong ba ngày” - Anthony Kiedis đã mở đầu đầu cuốn sách “Scar Tissue” năm 2004 của anh bằng một câu nói như vậy. Những câu chuyện về việc sử dụng chất kích thích và ma túy mà người đứng đầu nhóm Red Hot Chili Peppers cung cấp trong cuốn hồi ký đã đưa người đọc đến với một thế giới đầy màu sắc của lối sống “tình dục, ma túy và rock’n’roll” mà rất nhiều ngôi sao nhạc rock vướng vào. Kiedis đã mô tả lại cuộc sống “chạy đua với sex / làm bạn với heroin” gắn liền với nghề nghiệp của mình một cách rõ ràng và chân thực nhất trong “Scar Tissue”.
Không phải mọi nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đều bị cuốn hút vào các cuộc trụy lạc thường xuyên. “Tôi không phải là kẻ dễ dàng bị cám dỗ bởi những thân thể trần truồng”, cựu ca sĩ của nhóm rock The Smiths - Morrissey đã tự nhận xét về bản thân mình như vậy. Boy George, nhạc sĩ nổi tiếng người Anh cũng đã từng tự nhận xét bản thân mình bằng câu nói “tôi thà uống một tách trà còn hơn là quan hệ tình dục”. Tuy nhiên, bất kỳ ai đã từng đọc hồi ký và tiểu sử về những ngôi sao nhạc rock, đều có thể cho bạn biết những trường hợp như vậy là cực kỳ hiếm, đặc biệt đối với một lĩnh vực mà đa phần những người tham gia là nam giới.
Một ví dụ dễ thấy nhất là hai cuốn hồi ký của nhóm nhạc rock kỳ cựu Aerosmith. “Một người đàn bà có đời sống tình dục phóng khoáng, cùng với khả năng xài ma túy có thể được xem như một món quà từ thiên đường” - Joe Perry, tay guitar của ban nhạc, đã nhận định như vậy trong “Rocks: My Life In and Out of Aerosmith”. Cùng với cuốn hồi ký của Perry, cuốn hồi ký của ca sĩ chính Steven Tyler, “Does the Noise in My Head Bother You?” - cũng đã không ngần ngại mô tả lại đời sống tình dục của các thành viên trong ban nhạc. (Tyler cho biết kinh nghiệm tình dục đầu tiên của ông là một cuộc tình tay ba lúc 7 tuổi với cặp song sinh Pháp ngồi ngay cạnh trong dàn hợp xướng nhà thờ).
Niko Wenner, một tay guitar và là đồng sáng lập nhóm nhạc Oxbow, người đã từng chơi chung với Jellyfish, Swell, God, Whipping Boy... nhớ lại cái lần khi anh hỏi người quản lý lâu năm của Aerosmith về lối sống hoan lạc của ban nhạc. Wenner cho biết: “Tôi ngây thơ và chân thành hỏi cô ấy liệu những câu chuyện đàm tiếu ngoài đường phố về ma túy, về những cuộc ăn chơi trác táng, hoặc bất cứ điều tiếng gì có đúng là sự thật không?” Sau một thoáng im lặng nhìn tôi với sự hoài nghi và tội nghiệp... Cô ấy cũng thành thật trả lời một cách dứt khoát và đơn giản: “Tất nhiên”.
Và các câu chuyện như vậy vẫn cứ luôn tiếp diễn. Nhưng ít ra Kiedis, Tyler, Perry và Wenner vẫn làm được cái điều mà không phải nghệ sĩ nào cũng may mắn làm được, đó là sống sót được đến tuổi trung niên. Ngay cả khi tất cả chúng ta biết rằng phong cách sống bản năng và gấp gáp có thể gây nên những tổn hại đến sức khoẻ và tinh thần, thì việc cắt ngắn một phần tư thế kỷ tuổi thọ để trở thành một hình mẫu nhạc công điển hình dường như vẫn là một cái giá phải trả quá khắc nghiệt. Giáo sư Dianna T. Kenny thuộc Đại học Sydney đã từng phát biểu: “Ngành công nghiệp âm nhạc đang ít nhiều giết chết những người nghệ sĩ trong cuộc”.
Chester Bennington, thủ lĩnh nhóm rock lừng danh Linkin Park.

Vòng đời dài và vòng đời ngắn

Kenny đã có những phát hiện đáng lo ngại sau khi xem xét lịch sử đời sống của hơn 12.000 nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc ở tất cả các thể loại nhạc phổ biến, đã mất trong khoảng từ 1950 đến 2014. Hơn 90% trong số đó là nam giới - đây là điều không làm chúng ta thấy quá ngạc nhiên. Cô cũng phát hiện ra rằng các nhạc công, ngoài việc có tuổi thọ ngắn hơn, còn có nguy cơ tử vong cao gấp 5 - 10 lần, và khả năng tự sát cao gấp 2 - 7 lần so với người thường. Tất nhiên, các nhạc công không phải là những người duy nhất có xu hướng sống nhanh và chết trẻ. Và như nghiên cứu từ một số nguyên tắc, bao gồm tâm lý học tiến hoá, di truyền hành vi và nhân học đã cho thấy sự cám dỗ từ những thú vui ngắn hạn sẽ mang tới những rủi ro dài hạn ngày một tăng cao. Và điều này nằm trong bản chất tự nhiên của con người.
Nhìn chung, muôn loài đều phải đối mặt với sự cân bằng giữa sống sót và sinh sản. Các nhà sinh học nghiên cứu lịch sử sự sống đã đưa ra hai thuật ngữ “Lựa chọn K” và “Lựa chọn R” như hai chiến lược mở rộng và duy trì số lượng mà các loài khác nhau theo đuổi để tối đa hóa hai mục đích đó. Những loài theo “Lựa chọn K” như voi và các động vật có vú lớn khác, phát triển trong môi trường ổn định hơn, thường sinh ít con cái hơn nhưng lại có tuổi thọ cao hơn và con cái thường nhận được sự chăm sóc cẩn thận hơn từ cha mẹ. Trong khi các loài “Lựa chọn R” như côn trùng, phát triển trong môi trường bất ổn hơn, lại tập trung vào việc sinh con đẻ cái thật nhiều, với một vòng đời ngắn hơn, như một sự đảm bảo cho quá trình duy trì nòi giống mình.
Con người thường phù hợp với mô hình “Lựa chọn K” hơn, nhưng cũng có những trường hợp đặc biệt lại thiên về “Lựa chọn R”, và đi đôi với nó là sự gia tăng nhu cầu tình dục. Việc này tùy thuộc vào môi trường mà họ sinh sống. Scott Barry Kaufman, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania, từng một lần nhắc đến điều này trên tạp chí Psychology Today: “Lựa chọn lối sống bản năng và gấp gáp có thể cũng nằm trong sự tiến hóa của con người, nhằm tăng cường khả năng sinh sản khi phải sống trong một môi trường nguy hiểm và bất định”.
Các tác nhân trong môi trường của chúng ta có thể “kích hoạt các gen sống nhanh”, như Kaufman đã nói, và bằng cách tạo ra các hành vi nhanh chóng mang lại niềm vui và lạc thú, sự tiến hóa đảm bảo rằng chúng ta vẫn luôn là một phần của nó, kể cả những cuộc chơi ma túy - tình dục như Kiedis đã đề cập. Một số yếu tố môi trường có gắn đến đời sống cá nhân của từng người có thể đóng vai trò là yếu tố kích hoạt. Ví dụ, việc một người cha không có sự quan tâm chăm sóc đầy đủ đến con cái mình sẽ khiến người con trai sau này có tính cách hung dữ và dễ dẫn đến phạm tội hơn. Còn người con gái sẽ có xu hướng tìm kiếm những người bạn tình ngắn hạn (do những kinh nghiệm trải qua thời thơ ấu dẫn đến việc không có nhiều niềm tin vào đàn ông).
Nhìn chung, trong quá trình tiến hóa, đàn ông, vốn có sự di truyền và gắn kết với con cái thấp hơn so với phụ nữ, buộc sử dụng những phương pháp duy trì nòi giống nhanh nhưng cũng rủi ro cao - Catherine Salmon, giáo sư tâm lý học tại Đại học Redlands cho biết. Và phụ nữ có lẽ vẫn luôn là đối tượng quan trọng nhất trong đời sống của đàn ông - là đối tượng khiến hành vi của một người đàn ông trở nên tốt hơn hoặc xấu đi. Salmon nói: “Cuộc sống của một người đàn ông có yên ổn hay không phụ thuộc vào những người phụ nữ xung quanh anh ta. Nếu xung quanh đàn ông có nhiều phụ nữ và họ sẵn sàng đến với anh ta, thì phần lớn đều sẽ không thể từ chối”.
Và hầu hết các ngôi sao nhạc rock nam đều không có thói quen từ chối những fan hâm mộ nữ. Tất nhiên, bản thân chúng ta cũng khó mà tránh được nếu đặt trong vị thế của họ. Salmon cho biết: “Với những cám dỗ đặc biệt đi kèm với phong cách sống đó, có rất ít cá nhân có khả năng cưỡng lại khi có cơ hội, đặc biệt khi nó được trao cho những chàng trai trẻ”.
Chết trẻ, nhưng mặc kệ
Nói như vậy không có nghĩa là con người không thể thay đổi, và sự thay đổi đó dựa nhiều vào môi trường sống của họ sau này. Còn đối với các ngôi sao nhạc rock, sự thay đổi của họ thường chỉ đến khi họ đã ở độ tuổi trung niên.
Tất nhiên, các ca sĩ và nhạc sĩ không chỉ đơn thuần là những người tham gia vào lĩnh vực âm nhạc. Họ còn là người của công chúng, họ có vai trò như một cầu nối truyền đạt các thông điệp đến người trẻ tuổi, bao gồm cả việc truyền bá lối sống gấp gáp và bản năng này. Trong bản hit “Live Fast, Die Young” của mình với Kanye West, rapper Rick Ross đã từng hát: “Tôi đang sống một cuộc sống đầy hoang dại / Chết trẻ, nhưng mặc kệ, chúng tôi luôn là số 1”.
Những bài hát ca ngợi lối sống gấp, kích thích sự hưng phấn của người nghe - có lẽ đã góp phần đẩy mối nguy hiểm và những nguy cơ phá hoại tiềm ẩn của lối sống này lên cao hơn nữa. Có lẽ điều này đã góp phần làm gia tăng những hành vi phá hoại, tỉ lệ trầm cảm và cuối cùng là việc tìm đến cái chết của nhiều nghệ sĩ. Và hầu hết những người tham gia vào lĩnh vực âm nhạc từ khi còn trẻ đều chưa đủ trưởng thành để nói “Không” với những căng thẳng và niềm đam mê khác đi kèm trong các tour diễn dài ngày. Wenner đưa ra kết luận: “Có thể nói, với nhiều người, hành vi tự hủy hoại cũng chính là tự khẳng định giá trị bản thân”.
Và đúng như vậy, trong lĩnh vực âm nhạc, những nghệ sĩ lựa chọn lối sống bản năng, bùng cháy để trở thành số 1 từ khi còn trẻ thường sẽ gặp những kết cục bi thảm. “Vì công việc tôi đang làm và ngành công nghiệp tôi đang theo đuổi, tôi thường ra ngoài mỗi đêm và trở về trong tình trạng nát bét”, Amy Winehouse thẳng thắn bộc bạch trên tờ Mirror vào năm 2007. Khi đó Amy đang phải tranh đấu với chứng nghiện rượu của bản thân. “Nhưng dù cố gắng thế nào đi chăng nữa, tôi lại vẫn sẽ lặp lại sai lầm!”, Amy nhấn mạnh, gần như trong tuyệt vọng. Và vào ngày 23.7.2011, cô đã ra đi vĩnh viễn vì ngộ độc rượu tại nhà riêng.
Sáu năm sau ngày mất của Amy Winehouse, Chester Bennington - người cha của 6 đứa con cũng đã tìm đến cái chết như sự giải thoát cho những năm tháng vật lộn với rượu và ma túy, cho những ám ảnh khi bị lạm dụng tình dục từ năm 7 tuổi. Có lẽ những vinh quang được xây dựng trên những nỗi đau rồi cũng sẽ có lúc sụp đổ cùng với những nỗi đau…
Hoàng Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Rồi sẽ đến lúc, nghệ sĩ múa sống được bằng nghề!

Đặng Chung (thực hiện) |

Một cuộc trò chuyện nhiều cung bậc cảm xúc, đôi mắt thoáng ngấn nước, Tuyết Minh chia sẻ về cái nghề đã khiến chị khóc - cười và những dự án dài hơi đang ấp ủ, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: “Cảm ơn con vì đã đến thật đúng lúc!”

Nguyễn Lê |

Cậu trai “cổ đeo nơ”, có bờ má phụng phịu tỳ bên cây vỹ cầm năm xưa, giờ đã kịp làm bố sau 10 năm mong ngóng và trở thành vị PGĐ trẻ nhất trong lịch sử 60 năm của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Rồi sẽ đến lúc, nghệ sĩ múa sống được bằng nghề!

Đặng Chung (thực hiện) |

Một cuộc trò chuyện nhiều cung bậc cảm xúc, đôi mắt thoáng ngấn nước, Tuyết Minh chia sẻ về cái nghề đã khiến chị khóc - cười và những dự án dài hơi đang ấp ủ, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: “Cảm ơn con vì đã đến thật đúng lúc!”

Nguyễn Lê |

Cậu trai “cổ đeo nơ”, có bờ má phụng phịu tỳ bên cây vỹ cầm năm xưa, giờ đã kịp làm bố sau 10 năm mong ngóng và trở thành vị PGĐ trẻ nhất trong lịch sử 60 năm của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.