5 tháng mới có vài sản phẩm
3 trong số 62 sản phẩm đã và chuẩn bị ra mắt du khách là Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc kết hợp ẩm thực, dịch vụ do doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư; Tổ hợp khu vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng bên bờ vịnh Hạ Long do một đơn vị tư nhân đầu tư; hay cắm trại, bóng đá và bóng chuyền bãi biển tại Khu nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn mới được khai trương.
Trong khi đó, hầu hết các sản phẩm du lịch trên biển, liên quan đến vịnh Hạ Long, Bái Tử Long vẫn nằm trên giấy. Trong đó gồm: Tàu thủy tham quan, lưu trú du lịch hành trình vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - vịnh Hạ Long; các tuyến du lịch tham quan, lưu trú bằng tàu cao cấp trên vịnh Bái Tử Long; các hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí dưới nước bằng thuyền buồm, kayak, xuồng cao tốc… tại Ba Hang, Tùng Sâu, Vung Viêng, Hang Cỏ trên vịnh Hạ Long; du lịch nghiên cứu, tham quan các di chỉ khảo cổ học và trải nghiệm nét văn hóa độc đáo của cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long; du lịch trải nghiệm nuôi cấy, khai thác, chế tác ngọc trai Hạ Long; du lịch trải nghiệm câu cá, đánh cá cùng ngư dân vịnh Hạ Long; chèo đua thuyền Rồng truyền thống trên vịnh Hạ Long; trải nghiệm một ngày ở làng chài Vung Viêng; sản phẩm thư giãn tắm biển và tổ chức các dịch vụ tại các bãi cát tự nhiên ven các rặng núi giữa vịnh Hạ Long…
Điều đáng nói là, nhiều dịch vụ trong số các sản phẩm mà Quảng Ninh đăng ký đưa vào hoạt động trong năm nay đã từng được thí điểm thành công trước đó nhưng sau đó bị dừng, như: Câu cá, đánh cá cùng ngư dân; đua thuyền Rồng truyền thống; tắm và tổ chức các dịch vụ trên các bãi tắm giữa biển…
Riêng với việc mở thêm các bãi tắm giữa vịnh Hạ Long, Bái Tử Long thì du khách, người dân, các công ty lữ hành và cả các đơn vị chức năng liên quan đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị suốt nhiều năm qua và cũng đã có đề án chi tiết, nhưng vẫn không mở được. Việc này khiến hàng triệu du khách phải chung nhau một bãi tắm duy nhất giữa vịnh là bãi Ti-tốp, trong khi vịnh Hạ Long, Bái Tử Long có khoảng 200 bãi cát đẹp nằm ở chân các núi đá giữa biển.
Một trong những lý do về sự chậm trễ này, theo lý giải của các cơ quan chức năng là phải đợi quy hoạch mới vịnh Hạ Long – Bái Tử Long.
Có thêm một lần lỗi hẹn?
Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và các công ty du lịch, chỉ riêng lý do này thì sẽ không có bất cứ sản phẩm du lịch nào trên biển được đưa vào khai thác trong vòng 2 năm tới vì phải đợi quy hoạch vịnh Hạ Long, Bái Tử Long mới. Chưa kể, quy trình, cách thức xây dựng sản phẩm du lịch hiện nay rất phức tạp, mất nhiều thời gian vì phải xin ý kiến của tất cả các sở, ban, ngành, thậm chí cả những đơn vị không liên quan.
Ông Lê Tiến Dũng – 1 trong 2 thành viên sáng lập CLB thuyền buồm cảng Tuần Châu – cho biết nộp hồ sơ xin mở các hoạt động thuyền buồm trên vịnh Hạ Long từ tháng 5.2022. Hồ sơ đi vòng vèo qua hết đơn vị này đến đơn vị kia, với mỗi đơn vị cho một ý kiến khác nhau và sau đó được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu phải xem xét sớm giải quyết nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.
Ông Dũng cho biết, không được cấp phép thì không thể tổ chức cho du khách trải nghiệm và đặc biệt là không thể mời các CLB thuyền buồm quốc tế đến giao lưu, đua…
Theo bà Nguyễn Huyền Anh – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh – sở vẫn đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị đăng ký mở sản phẩm du lịch năm 2024 để giám sát, thúc đẩy tiến độ.
Để việc triển khai kế hoạch xây dựng 62 sản phẩm mới có hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, trong đó đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai phát triển sản phẩm.
Các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đến công tác phát triển sản phẩm du lịch mới chủ động xác định được lộ trình, nhiệm vụ cần thiết để đưa sản phẩm du lịch mới vào hoạt động trong năm 2024.
Hằng tháng, hằng quý, các địa phương rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các sản phẩm du lịch mới đã được công bố và bổ sung các sản phẩm du lịch mới.