Không thể im lặng với “Người lắng nghe: Lời thì thầm”

Linh Anh |

Đang có những ý kiến cho rằng bài báo “Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt” của tác giả Trần Việt đăng trên Báo Lao Động điện tử đã tiết lộ nội dung bộ phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” trước khi bộ phim này phát hành.

Đặc biệt, trên một tờ báo xuất bản liên tiếp 2 bài báo ra ngày 5.10 và 7.10 để nhằm vào cá nhân nhà báo Trần Việt Văn - phóng viên Báo Lao Động, thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Báo Lao Động nhận thấy cần phải lên tiếng dù quan điểm của báo là luôn tôn trọng công việc của những bạn đồng nghiệp.

Vấn đề được đưa ra trong bài “Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt” là gì?

Tác giả Trần Việt - bút danh của nhà báo Trần Việt Văn - trong bài báo “Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt” nói về một hiện tượng, đó chính là việc nhiều bộ phim chưa qua kiểm duyệt tại Việt Nam đã được các nhà làm phim, đạo diễn mang đi thi ở nước ngoài. Tác giả gọi đó là “đường tắt” và cho rằng “Chưa qua kiểm duyệt cấp phép phổ biến của cơ quan quản lý đã tự đem đi dự thi quốc tế và lựa chọn những liên hoan phim có khả năng đoạt giải. Sau khi phim đoạt giải về mới quay trở lại xin cấp phép phổ biến phim trong nước” và việc này “xuất phát từ những chế tài xử phạt hiện thời với những bộ phim Việt chưa qua kiểm duyệt, phổ biến đã ra quốc tế chỉ như cái vỗ vai nhẹ chưa đủ sức để răn đe”.

Để chứng minh, tác giả đã lấy ví dụ về trường hợp phim  “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của đạo diễn Khoa Nguyễn và “Vị” (Taste) của đạo diễn Lê Bảo.

Tác giả nhận định: “Dường như các đạo diễn trẻ bảo nhau cứ “bất chấp” gửi quốc tế trước rồi về duyệt trong nước, hi vọng hiệu ứng quốc tế dội trở lại. Đó không phải là cách làm quang minh chính đại mà khác gì đi lối tắt vi phạm Luật Điện ảnh”.

Đó là nhận định, đánh giá, phân tích với tư cách là phóng viên của Báo Lao Động, chứ không phải là thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Thế nào là tiết lộ nội dung phim?

Điều đáng tiếc, trên một tờ báo lớn đã triển khai loạt bài có dụng ý cổ suý cho cách làm thiếu quang minh chính đại, thậm chí vi phạm Luật điện ảnh của một số đạo diễn, nhà làm phim.

Trong bài 1 “Giới điện ảnh “rối bời” vì thành viên hội đồng tiết lộ nội dung phim chưa ra rạp” ra ngày 5.10.2021, nhà báo Nguyễn Kiều Trinh (bút danh Trinh Nguyễn) cho rằng: "Nhiều người trong giới điện ảnh” cùng bày tỏ lo lắng trên Facebook về việc nội dung bộ phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” bị tiết lộ trong bài viết đăng báo của một thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia - ông Trần Việt Văn”.

Bài viết cũng cho rằng, kèm theo việc kể lại phim, vị thành viên hội đồng duyệt phim này còn định hướng dư luận về những bộ phim ông xem khi hội đồng duyệt với hàm ý hạ thấp bộ phim.

Trong bài viết cũng có đoạn: "Những hành vi này của ông Trần Việt Văn đã khiến niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và uy tín của Hội đồng thẩm định phân loại phim Quốc gia bị lung lay. Việc lạm dụng vị trí vừa là thành viên trong hội đồng, vừa là nhà báo để độc quyền thông tin và định hướng dư luận theo ý kiến chủ quan cho thấy rõ ông Trần Việt Văn đang vượt quá xa trách nhiệm, quyền hạn được phép, có dấu hiệu lạm quyền rõ ràng”.

Trước hết, cùng trong nghề, nhà báo Trinh Nguyễn chắc hiểu rõ mọi khái niệm đều phải chính xác rõ ràng, “nhiều người trong giới điện ảnh” là những ai? Thế nào là “rối bời” hay chỉ để bạn đọc liên tưởng đến sự rối ren, lộn xộn, ở ngành điện ảnh Việt Nam?

Bài “Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt” đăng ngày 19.8- như đã nói ở trên - của nhà báo Trần Việt Văn với tư cách là phóng viên của Báo Lao Động, chứ không phải là thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia. Phần “Người lắng nghe: Lời thì thầm” chỉ là một ví dụ trong bài và phần kể nội dung là rất vắn tắt, không thể nói là “diễn biến chi tiết”.

Liệu có ai chỉ xem nội dung thoáng qua trên bài báo của Việt Văn về phim mà hiểu hết cả nội dung phim? Ai là người xem hiểu được chi tiết “bị rơi vào bóng ma quá khứ của chính mình” là một plot twist bị tiết lộ?

Một cảnh trong phim. Ảnh chụp màn hình teaser phim đăng trên Youtube
Một cảnh trong phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm”. Ảnh chụp màn hình teaser phim đăng trên Youtube

Nhà báo Trần Việt Văn thông tin thêm: “Ngày 5.10, một cô nhà báo (nhà báo Nguyễn Kiều Trinh - PV) phỏng vấn tôi về việc tiết lộ nội dung phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm”, tôi có trao đổi rõ là trước đó Wikipedia ngay đầu tháng 8 đã đăng nội dung và bối cảnh phim, còn chi tiết và cụ thể hơn phần nội dung sơ sài về phim trong bài báo tôi đã đăng. Thế nhưng khi bài báo đó lên mạng một tờ báo lớn, cô ta cố tình không đưa thông tin đó vào để tạo cảm giác tôi làm rò rỉ thông tin nội dung phim. Và trên Wikipedia, phần nội dung phim đã nhanh chóng bị cắt bớt ngay tối muộn 5.10".

Điều đáng nói, như chính trong bài báo của mình, nhà báo Nguyễn Kiều Trinh (bút danh Trinh Nguyễn) tiết lộ rằng, bài viết về phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” trên Wikipedia do chính… đạo diễn Nguyễn Khoa tạo ra và để chế độ công khai trước khi phần này bị cắt ngắn vào tối 5.10.

Và trong bài báo của Nguyễn Kiều Trinh không hề có đoạn về Wikipedia, khiến dẫn dụ độc giả quy kết cho nhà báo Việt Văn lạm quyền, tiết lộ nội dung phim.

Điều đó có nên hiểu là sự không trung thực và mục đích cắt bỏ đoạn phỏng vấn nhà báo Việt Văn liên quan đến nội dung phim “Người lắng nghe: Lời thì thầm” của nhà báo Nguyễn Kiều Trinh là gì?

Tất nhiên thông tin về “Người lắng nghe: Lời thì thầm” trên Wikipedia chỉ để kiểm chứng. Khi đưa vào bài viết, nhà báo Trần Việt Văn đã sử dụng nhiều, trong đó có phần giới thiệu bộ phim được các cơ quan báo chí đã đưa trước đó.

Ngay việc có một vài nhận xét về phim cũng không có gì để bị gọi là lạm quyền hay vi phạm Luật bản quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho phim.

Lý do: Không ai cấm nhận xét về bộ phim đã được mang đi dự thi quốc tế (thậm chí được giải) và một phần nội dung của bộ phim được chính đạo diễn cũng như truyền thông đăng tải. Ngoài ra, việc chứng minh thiệt hại phải có cơ sở, bằng chứng, thuyết phục.

Chỉ vì một bài báo, với một số chi tiết của nhà báo đưa ra mà làm cho phim thất thu? Đây chỉ là một suy đoán vô căn cứ, thậm chí nực cười.

Ai sai luật?

Về bài 2 của nhà báo Nguyễn Kiều Trinh: “Hội đồng duyệt có được tiết lộ nội dung phim chưa ra rạp hay không?” ra sáng 7.10.2021, của Trinh Nguyễn, tác giả khẳng định: “Việc lạm dụng vị trí vừa là thành viên trong Hội đồng, vừa là nhà báo để độc quyền thông tin và định hướng dư luận theo ý kiến chủ quan cho thấy rõ, ông Trần Việt Văn đang vượt quá xa trách nhiệm, quyền hạn được phép, có dấu hiệu lạm quyền rõ ràng”.

Trong Hội đồng duyệt phim Quốc gia nhiệm kỳ hiện nay (từ tháng 4.2021), nhà báo Trần Việt Văn của Báo Lao Động là nhà báo duy nhất được Cục Điện ảnh mời tham gia Hội đồng. Không phải ngẫu nhiên nhà báo Trần Việt Văn được mời và được chọn. Điều đó cũng là sự khẳng định tính liêm trực của nhà báo Trần Việt Văn và sự tin tưởng của Cục Điện ảnh đối với ông.

Vậy sự công kích của nhà báo Nguyễn Kiều Trinh với nhà báo Việt Văn khi cho rằng “Vừa là thành viên Hội đồng, vừa là nhà báo để độc quyền thông tin”, “dấu hiệu lạm quyền rõ ràng” là có ý gì?

Để đảm bảo thông tin khách quan, tác giả Nguyễn Kiều Trinh lẽ ra phải lấy thêm ý kiến từ chính Chủ tịch Hội đồng duyệt phim Quốc gia và các thành viên Hội đồng và Cục Điện ảnh chứ không thể đã vội thay Tòa án kết tội nhà báo Việt Văn là lạm quyền, là làm lộ thông tin nội dung phim gây thiệt hại cho phim.

Thêm những câu hỏi

Trở lại bài báo “Ra biển lớn sao cứ đi đường tắt” đăng trên Báo Lao Động nhằm mục đích để bạn đọc hiểu vấn đề khi một bộ phim chưa qua kiểm duyệt đã dự giải quốc tế sẽ tạo ra những góc nhìn méo mó, không thực chất về văn hoá, con người Việt Nam. Và điều này cần phải cảnh báo đối với các nhà làm phim cũng như các nhà quản lý điện ảnh.

Việc đặt ra vấn đề như vậy cũng như đưa ra cảnh báo về một thực trạng cần phải ngăn chặn là đúng hay sai?

Không loại trừ, bài báo đã đăng ngày 19.8 nhưng gần hai tháng sau mới được xới lên phải chăng là chiêu PR cho phim sắp phát hành?

Việc nhà báo Nguyễn Kiều Trinh cắt ghép, lược bỏ chi tiết quan trọng trong bài phỏng vấn mà không hỏi ý kiến người được phỏng vấn đã đúng với các quy định và Luật báo chí hay chưa? Đó cũng là vấn đề cần làm rõ.

Ngoài ra, nhà báo Nguyễn Kiều Trinh liên tiếp công kích, kết tội nhà báo Việt Văn qua 2 bài báo liên tiếp, và nhấn mạnh chi tiết nhà báo Việt Văn là thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia giống như kết tội cả cơ quan Nhà nước là Hội đồng này khi mọi sự việc chưa có cơ quan trách nhiệm nào kết luận đúng sai là có mục đích gì?

Cách đặt vấn đề của nhà báo Nguyễn Kiều Trinh có được hiểu là cố tình hạ thấp vai trò của Hội đồng duyệt phim Quốc gia - những người có vai trò "gác cổng", có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp, tính nhân văn, đảm bảo nội dung đúng thuần phong mỹ tục, văn hoá và pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực điện ảnh?

Và cuối cùng, không thể không đặt câu hỏi: Phải chăng nhà báo Nguyễn Kiều Trinh đang cổ suý cho một cách làm cần hạn chế, ngăn chặn của một số bộ phim hiện nay mà điển hình là Vị - một bộ phim vừa bị Cục Điện ảnh ra quyết định cấm chiếu tại Việt Nam?

Phần cuối

Để làm rõ, chúng tôi đưa ra một số quan điểm sau đây:

Một là, với những phim chưa được cấp phép, chưa qua kiểm duyệt mà đã mang đi dự thi nước ngoài (như trường hợp “Người lắng nghe: Lời thì thầm” và Vị) cần phải có chế tài nghiêm khắc.

Hai là, những cáo buộc về việc nhà báo Trần Việt Văn tiết lộ nội dung phim là hoàn toàn thiếu căn cứ và nhận định “gây thiệt hại cho phim” là nhận định không có cơ sở.

Ba là, nhà báo Trần Việt Văn đã làm đúng trách nhiệm trên cả cương vị nhà báo lẫn thành viên Hội đồng duyệt phim Quốc gia.

Bốn là, việc một nhà báo công kích nhà báo khác trên cơ quan báo chí với những lời lẽ nặng nề như “vượt quá xa trách nhiệm, quyền hạn được phép, có dấu hiệu lạm quyền rõ ràng” “vùng sai phạm”, “cần được pháp luật xử lý” là mang tính xúc phạm và cần phải bị cơ quan quản lý báo chí xem xét, xử lý.

Năm là, việc cắt ghép phỏng vấn, lược bỏ những nội dung quan trọng mà không hỏi ý kiến người được phỏng vấn để người đọc hiểu sai bản chất của vấn đề cũng phải xem xét, xử lý.

Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam lên tiếng về phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử

Bảo Châu |

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan'' - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo chiều 7.10.

Những bộ phim trinh thám Hoa ngữ được mong chờ nhất 3 tháng cuối năm 2021

Tuấn Đạt |

3 tháng cuối năm 2021 là thời điểm đẹp để các nhà sản xuất tung ra những tác phẩm “át chủ bài”. Theo đó, thể loại phim trinh thám Hoa ngữ nhận được sự đón đợi của khán giả.

Ngành phim xin cơ chế “phá băng”

Mỹ Linh |

Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình nói riêng và doanh nghiệp ngành nghề khác nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Kiểm duyệt phim vẫn “nóng”

Việt Văn (lược ghi) |

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Trước đó, ngày 14.9 diễn ra Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Việc góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và về kiểm duyệt phim được các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp... thực hiện qua nhiều hội thảo tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, kiểm duyệt phim là một trong những vấn đề nóng.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Việt Nam lên tiếng về phim "Quân đội Vương Bài" xuyên tạc lịch sử

Bảo Châu |

"Chủ trương nhất quán của Việt Nam đối với các vấn đề về lịch sử là gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhìn nhận lịch sử một cách đúng đắn và khách quan'' - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo chiều 7.10.

Những bộ phim trinh thám Hoa ngữ được mong chờ nhất 3 tháng cuối năm 2021

Tuấn Đạt |

3 tháng cuối năm 2021 là thời điểm đẹp để các nhà sản xuất tung ra những tác phẩm “át chủ bài”. Theo đó, thể loại phim trinh thám Hoa ngữ nhận được sự đón đợi của khán giả.

Ngành phim xin cơ chế “phá băng”

Mỹ Linh |

Các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình nói riêng và doanh nghiệp ngành nghề khác nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đối diện với nguy cơ phá sản hàng loạt khi phải dừng hoạt động vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Kiểm duyệt phim vẫn “nóng”

Việt Văn (lược ghi) |

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm nay. Trước đó, ngày 14.9 diễn ra Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Việc góp ý đối với dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và về kiểm duyệt phim được các Ủy ban của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Ủy ban Xã hội, Viện Nghiên cứu lập pháp... thực hiện qua nhiều hội thảo tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Trong đó, kiểm duyệt phim là một trong những vấn đề nóng.