Triển lãm “Hào khí Thăng Long” lần đầu tiên giới thiệu với công chúng 23 tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn cùng tranh sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc với chủ đề đa dạng từ huyền thoại lịch sử hào hùng của dân tộc; khúc tráng ca cách mạng cho đến phong cảnh thiên nhiên, con người của đất nước Việt Nam tươi đẹp.
Kế tiếp thế hệ họa sĩ Đông Dương những năm 1925 - 1945, mỹ thuật Việt Nam tiếp nối bởi những thế hệ họa sĩ tài năng được đào tạo trong kháng chiến và sau hòa bình lập lại năm 1954.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường (Nguyên Vũ) sinh năm 1930, là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957) trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam.
Ông từng tham gia du kích Bắc Sơn, gia nhập quân đội, chiến đấu ở chiến trường Thượng Lào. Năm 1959, họa sĩ Nguyễn Anh Thường tham gia đoàn công tác của các văn nghệ sĩ do Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Cù Huy Cận dẫn đầu về Quảng Ninh, đi sâu, tìm hiểu thực tế, tiếp xúc với đời sống lao động vùng mỏ.
Ông được phân công phụ trách chính, lớp vẽ đầu tiên của công nhân mỏ tại Cẩm Phả, tạo tiền đề xây dựng sự phát triển rộng khắp của phong trào mỹ thuật vùng mỏ Quảng Ninh sau này.
Từ năm 1959 - 1990, Nguyễn Mạnh Thường công tác tại xưởng phim đèn chiếu, vẽ trên 150 bộ tranh phim về xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường hai lần được Ủy ban Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc trao giải nhất về tranh phim.
Năm 1990, triển lãm cá nhân với loạt tranh mực nho trên giấy dó vẽ về Hạ Long của họa sĩ Anh Thường được dư luận đánh giá cao bởi kỹ thuật thuộc hàng bậc thày trong thẩm mỹ hội họa Phương Đông. Trong số đó, tác phẩm “Bến trăng” vinh dự đoạt Huy chương đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1990.
Xuyên suốt hoạt động mỹ thuật của họa sĩ Anh Thường là những tác phẩm hội họa mang tính biểu tượng, âm hưởng lạc quan, ghi dấu ấn lịch sử và xã hội Việt Nam với những biến động thời cuộc to lớn trong thế kỷ 20.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đất nước và con người Việt Nam vẫn vượt lên, trường tồn, tươi đẹp, tỏa sáng “Hào khí Thăng Long” trong những tác phẩm sơn mài khổ lớn mạnh mẽ và giàu tính hiện đại.
Họa sĩ Nguyễn Anh Thường có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và một số sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, sưu tập tư nhân Phan Minh Hà hiện lưu giữ toàn bộ, có hệ thống những tác phẩm sơn mài, sơn khắc khổ lớn đặc sắc và quan trọng nhất của ông.
Nữ họa sĩ Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1945), tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978.
Hội họa của họa sĩ hướng tới sự giản dị, chân phương là cảm xúc và ấn tượng về những di tích lịch sử đền, chùa cổ kính, những góc phố rợp tán cây vàng, đỏ thời khắc giao mùa, những bến sông nơi sơ tán, rặng tre bình yên ở vùng quê…
Tất cả toát lên một tâm hồn nghệ thuật hồn hậu yêu thiên nhiên và đằm thắm tình người.
Xem tranh của bà, người xem cảm giác gần gũi, thân thương và tạo ra những cuộc đối thoại nội tâm sâu lắng.