Giữ hồn cho đảo Lý Sơn

Đăng Huỳnh |

“Cái khó nhất hiện nay vẫn là làm sao bảo vệ được cảnh quan, địa chất của hòn đảo. Ngay cả người dân, nếu chạy theo lợi nhuận quá nhiều sẽ khiến môi trường ảnh hưởng.

Câu chuyện quản lý cũng không đơn giản bởi nó còn liên quan đến cuộc sống mưu sinh của người dân. Chúng tôi khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng chứ không sa vào các dịch vụ xa xỉ” - ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ.

Lý Sơn đón được nhiều nhất khoảng 3.000 người

Điểm dừng chân của chúng tôi trong chuyến công tác Lý Sơn sau giãn cách xã hội do dịch COVID-19 là nhà nghỉ Lộc Thịnh thuộc thôn Đông An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn.

Nguyễn Thị Ngọc Thịnh (sinh năm 1996) sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Du lịch đã ở lại Sài Gòn làm việc 3 năm. Đến năm 2020, cô quyết định trở lại quê hương Lý Sơn để quản lý nhà nghỉ Lộc Thịnh cùng bố mẹ. Thịnh chia sẻ, Lý Sơn có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt những năm gần đây khi lượng khách đang đông lên, cô tiếc vì đã không trở về sớm hơn để làm.

Nhà nghỉ Lộc Thịnh chỉ vỏn vẹn 8 phòng nghỉ. Nhiều thời điểm “cháy” phòng cũng chỉ chứa tối đa khoảng 20 khách. Điều Ngọc Thịnh trăn trở nhất là chất lượng phòng và dịch vụ vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách. Trong tháng 7.2020, gia đình Thịnh cải tạo lại phòng ốc để sắp tới có thể nâng chất lượng hơn. Tuy nhiên, việc cải tạo phòng sẽ đồng thời nâng giá, điều này cũng khiến gia đình cô đứng trước bài toán cạnh tranh so với các nơi khác. Với giá phòng trung bình hơn 300.000 đồng/ngày đêm - mức bình dân, đáp ứng cho nhiều du khách, nên việc tăng giá cũng đứng trước rủi ro mất khách.

Thịnh cho biết, cô muốn phát triển mô hình homestay hơn, bởi nó vừa phù hợp với địa bàn Lý Sơn lại dễ hút khách. Nhưng vì chưa có điều kiện nên trước mắt, việc cải tạo 8 phòng nghỉ cần phải làm trước khi lượng khách đến với Lý Sơn sắp tới sẽ ngày càng nhiều.

Tất cả nhà nghỉ, khách sạn, homestay trên đảo chỉ đáp ứng chỗ ở tối đa cho khoảng 3.000 người. Với diện tích hòn đảo có 10km2, gồm 6 thôn, dân số là 22.000 người, việc mở rộng quy mô các khách sạn, nhà nghỉ cũng là bài toán nan giải. Rồi vấn đề nhu cầu về dịch vụ vui chơi của du khách, tư duy của người dân Lý Sơn về quan điểm làm du lịch...

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách du lịch đến với Lý Sơn ít đi, chính quyền huyện đảo tận dụng thời gian này để làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường, có giải pháp cải thiện dịch vụ du lịch ở địa bàn khi du khách quay trở lại.

Quan trọng hơn: Giữ nguyên chất  Lý Sơn!

Huyện Lý Sơn là địa phương nằm trong quy hoạch “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ hội để tỉnh và huyện đầu tư hạ tầng, đồng thời kêu gọi nguồn lực để xây dựng, phát triển Lý Sơn thành khu du lịch quốc gia. Năm 2019, Lý Sơn đón khoảng 240.000 lượt khách đến tham quan du lịch. Đó là những điểm sáng nhìn thấy được, song để phát triển bền vững và giữ nguyên chất cho Lý Sơn lại là bài toán nan giải.

Theo số liệu mới nhất từ huyện đảo Lý Sơn, địa bàn hiện có 133 cơ sở lưu trú, trong đó có 14 khách sạn, 52 nhà nghỉ, 62 homestay với tổng số 1.069 phòng. Phát triển du lịch đã tạo việc làm và thu nhập cho khoảng 1.855 lao động trực tiếp và khoảng 5.000 lao động gián tiếp trên địa bàn huyện.

Trao đổi với phóng viên của Báo Lao Động, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư huyện đảo Lý Sơn - cho hay: “Chúng tôi thấy Lý Sơn có được tình cảm đặc biệt của đồng bào trên cả nước. Lý Sơn có thế mạnh về vị trí địa lý, chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, Lý Sơn có tài nguyên, thiên nhiên phong phú, đa dạng. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã làm đề nghị trình UNESCO công nhận Lý Sơn là công viên địa chất toàn cầu với nhiều thắng cảnh địa chất đẹp. Chúng tôi cũng có nhiều tài nguyên văn hoá với các di tích trên địa bàn và các truyền thống văn hoá đặc sắc của người dân Lý Sơn”.

Tuy nhiên, cái khó ông Vy chỉ ra là: “Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, dịch vụ du lịch của Lý Sơn chưa được đa dạng, chất lượng chưa cao. Trong thời gian tới, chúng tôi có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng hạn chế này. Cũng rất mong du khách khắp nơi thông cảm vì chúng tôi chỉ mới hướng sang phát triển dịch vụ trong thời gian ngắn từ năm 2016, khi Lý Sơn có điện lưới quốc gia.

Trong quá trình phát triển có nhiều tồn tại, hạn chế, song chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để làm cho Lý Sơn ngày càng tốt hơn. Chúng tôi cũng sẽ lưu ý hơn đến vấn đề môi trường, thiết kế điểm đến cũng như làm thế nào để phát triển bền vững trong tương lai.

Hiện nay, cái khó nhất với sự phát triển du lịch Lý Sơn là phải suy nghĩ, tính toán xem Lý Sơn phát triển như thế nào, đến mức nào là được khi chỉ có 10km2. Chúng tôi gặp khó khăn về tài nguyên đất, nước, môi trường...”.

Chúng tôi cũng đem vấn đề phát triển du lịch Lý Sơn trao đổi với ông Nguyễn Minh Trí - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi - thì nhận được quan điểm khá thực tiễn. Ông Trí cho rằng, việc du khách đến với Lý Sơn quá đông chưa chắc đã tốt cho huyện đảo này trong việc đưa du lịch đi đúng với định hướng.

Ông Trí chia sẻ: “Việc phát triển du lịch Lý Sơn bằng việc tăng số lượng khách bằng mọi giá không phải là chủ trương của tỉnh vì sức chứa của điểm đến có giới hạn, diện tích đảo cũng nhỏ, áp lực dân sinh, cuộc sống lớn. Dân số Lý Sơn 22.000 người trên đảo đã là một áp lực rồi, chưa kể dân số cơ học thêm vào đó. Nếu quản lý không tốt dễ dẫn đến việc huỷ hoại môi trường, tài nguyên. Phát triển du lịch nhưng phải có sự kiểm soát số lượng để vừa phát huy, vừa bảo tồn. Nếu số lượng người đến quá đông, phát sinh chuyện ăn ở sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.

Ngay cả việc phát triển khách sạn, ngành cũng không khuyến khích vì chúng tôi muốn giữ đảo ở góc độ tự nhiên nhiều hơn. Bởi đảo không phải nơi để khách du lịch đến... ăn chơi, mà đến để khám phá giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan của một hòn đảo và các giá trị văn hoá kèm theo. Chúng tôi khuyến khích mô hình homestay nhiều hơn. Khi người dân tham gia vào, họ sẽ có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Không ai bảo vệ môi trường, cảnh quan tốt hơn những người dân bản địa”.

Xây dựng con người Lý Sơn sống có nghĩa, có tình, ứng xử văn minh, lịch sự, sống chan hoà, hạnh phúc, có tình yêu quê hương đất nước, ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng đặt lợi ích chung vì sự phát triển lâu dài, bền vững của huyện lên trên lợi ích cá nhân” - một thông điệp ý nghĩa góp phần phát triển du lịch bền vững của người Lý Sơn.

Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Quảng Ngãi đưa gần 2.000 du khách rời đảo Lý Sơn

Thanh Chung |

Sau khi có ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Quảng Ngãi, tỉnh này đã quyết định bố trí hàng chục chuyến tàu để đưa gần 2.000 du khách rời đảo Lý Sơn vào đất liền.

Hành tím đầy đồng, tỏi đầy chợ trên đảo Lý Sơn

ĐĂNG HUỲNH |

Đến đảo Lý Sơn trong cái nắng gió những ngày tháng 7, có thể dễ dàng bắt gặp những người nông dân đi lượm hành và những bà lão bên sạp "tỏi cô đơn". Đó là những hình ảnh đặc trưng khiến người ta luyến lưu nơi miền cát trắng.

Tỏi Lý Sơn được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý

Thanh Chung |

Tỏi Lý Sơn vừa được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý nhằm chống mạo danh và đảm bảo quyền lợi cho người nông dân ở huyện đảo này.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Quảng Ngãi đưa gần 2.000 du khách rời đảo Lý Sơn

Thanh Chung |

Sau khi có ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Quảng Ngãi, tỉnh này đã quyết định bố trí hàng chục chuyến tàu để đưa gần 2.000 du khách rời đảo Lý Sơn vào đất liền.

Hành tím đầy đồng, tỏi đầy chợ trên đảo Lý Sơn

ĐĂNG HUỲNH |

Đến đảo Lý Sơn trong cái nắng gió những ngày tháng 7, có thể dễ dàng bắt gặp những người nông dân đi lượm hành và những bà lão bên sạp "tỏi cô đơn". Đó là những hình ảnh đặc trưng khiến người ta luyến lưu nơi miền cát trắng.

Tỏi Lý Sơn được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý

Thanh Chung |

Tỏi Lý Sơn vừa được cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý nhằm chống mạo danh và đảm bảo quyền lợi cho người nông dân ở huyện đảo này.