Giọng Quảng Nam từ đâu ra?

Thanh Hải |

Cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” của tác giả, PGS. TS ngôn ngữ học Andrea Hoa Pham (Khoa ngôn ngữ văn học và văn hóa - Viện ĐH Florida) vừa được Nhà xuất bản Đà Nẵng giới thiệu, lập tức đã bán sạch. NXB Đà Nẵng chuẩn bị in đợt 2. Điều đáng nói, ngay sau khi giới thiệu, phát hành, cuốn sách đã là tâm điểm của nhiều tranh luận trái chiều…

Kết luận vội vàng!

Chia sẻ tại buổi ra mắt tập sách, tác giả Andrea Hoa Pham cho biết, bà mất 25 năm để hoàn thành cuốn sách, từ khi lên ý tưởng, thu thập, nghiên cứu tài liệu đến khi làm việc với Nhà xuất bản Đà Nẵng để biên soạn, biên tập, chỉnh sửa, hoàn thành bản in. Tập sách có nội dung chính tập trung phân tích, đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, con đường biến đổi của các âm và vần để đưa đến hình dạng ngày nay của tiếng Quảng Nam. Đặc biệt, trong sách có nhiều cứ liệu quan trọng từ các chuyến điền dã ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa - theo tác giả, là hai phương ngữ nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng Quảng Nam.

Dù tác giả Hoa Pham nói rằng mình chỉ đưa ra các giả thuyết về nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam là từ Thanh-Nghệ Tĩnh. Nhưng chính tên sách - “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” đã bị nhiều bạn đọc phản ứng vì “tính khẳng định” này.

Nhiều người cho rằng, chỉ căn cứ vào con đường biến đổi của các âm, vần… mà đi đến kết luận nguồn gốc giọng Quảng Nam là từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là chưa thuyết phục.

Nhà báo Hồ Trung Tú - tác giả cuốn sách “Có 500 năm như thế” (xuất bản 2012) - cho rằng, việc nghiên cứu khoa học mỗi người mỗi ý, mỗi góc độc tiếp cận khác nhau, thậm chí trái ngược là chuyện bình thường. Nhưng tác giả Hoa Pham chỉ dựa vào một hiện tượng âm a thành oa rồi kết luận giọng Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ là chưa thuyết phục.

“Sao không nghĩ người Chàm nói tiếng Việt là do học tiếng Việt từ người Thanh Nghệ mà lại kết luận Quảng Nam có gốc Thanh Nghệ một cách vội vàng vậy? Rồi còn ngữ điệu, thanh điệu của hai phương ngữ vứt đi đâu? Để đưa ra một nhận định rằng dấu vết Champa trong tâm hồn người Quảng Nam là sâu đậm, khi viết “Có 500 năm như thế”, tôi đã phải dùng đến nhiều công cụ nghiên cứu như lịch sử, văn hóa dân gian, dân ca, y phục, dân số, người Chàm ở lại, gia phả, ngôn ngữ... Ngay trong ngôn ngữ cũng khảo sát từ lịch sử ngôn ngữ đến phương ngữ, thanh điệu, ngữ điệu, vốn từ của người Quảng... Thế nhưng cũng để dè dặt nhận ra những gì trong tâm hồn mình nổi trội hoặc chìm khuất hơn…”. Ông Tú chia sẻ.

Tranh biện sẽ thúc đẩy nghiên cứu!

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là việc nêu ra “hiện tượng âm A thành Oa” trong giọng Quảng Nam, cho đến thời điểm này cho thấy tác giả Hồ Trung Tú là người đầu tiên. Ông Tú còn có nhiều công trình nghiên cứu dày dặn, công phu. Ngoài cuốn sách “Có 500 năm như thế”, ông Tú còn có nhiều tham luận khoa học, nhiều bài viết liên quan đến vấn đề này.

Đặc biệt, năm 2014, chính TS Andrea Hoa Pham đã có bài báo tranh biện với tác giả Hồ Trung Tú về “hiện tượng âm A thành Oa” trong giọng Quảng Nam. Ông Tú cho rằng TS Hoa Pham đã phát triển bài báo tranh biện ấy thành cuốn sách “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” hiện nay. Đặc biệt, tác giả đặt lại hiện tượng biến đổi âm (a, oa), dựa trên cơ sở này để phân tích, diễn giải… để đi đến giả thuyết về nguồn giọng Quảng Nam… nhưng hoàn toàn không đề cập đến tên Hồ Trung Tú - người đầu tiên nói đến “hiện tượng biến đổi âm a - oa trong giọng Quảng Nam.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, (ĐH Tổng hợp Hà Nội), trong cuốn “Có 500 năm như thế”, tác giả Hồ Trung Tú, đã thiên về giả thuyết của Trần Quốc Vượng: “Chúng tôi lần đầu nghe giáo sư Trần Quốc Vượng giảng ở trường đại học rằng là: Đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy đã truyền lại cho con cái để thành nên giọng Quảng Nam hôm nay!. Những cảm nhận ban đầu là “rất có lý” ấy đã khai mở cho chúng tôi hướng tiếp cận và quyết định thử tìm cứ liệu để chứng minh điều “rất có lý” này”.

Nhưng Andrea Hoa Pham lại chọn cách giải thích khác, trong cuốn sách đang rất “hot” hiện nay (chưa ra mắt đã bán...hết, NXB Đà Nẵng đang lên kế hoạch in lại), tác giả thiên về giả thuyết: Một số di dân từ Thanh Hoá và Nghệ Tĩnh đã mang đặc điểm thổ ngữ của quê hương vào xứ Quảng, hình thành nên giọng Quảng Nam như chúng ta thấy hiện nay.

Theo GS Hiệp, giả thuyết của Hoa Pham, rằng cư dân Thanh Hoá và Nghệ Tĩnh đi vào Đàng Trong rất nhiều, đi nhiều đợt, sao những đặc điểm của giọng Quảng chỉ thấy ở Quảng Nam, không thấy ở những nơi khác? Nhưng ông cũng đặt vấn đề với giả thuyết của Hồ Trung Tú cần có bằng chứng cụ thể, thấy được, kiểm tra được, chứ không thể dừng lại ở một suy đoán, dù nghe rất có lý.

GS Hiệp nhận định: “Người Quảng Nam rất đặc biệt, thông minh, gan góc, thật thà, nghĩa khí, thích cãi... Đến vấn đề nguồn gốc giọng Quảng Nam từ đâu?... cũng cãi. Tôi cho rằng cách tiếp cận của Andrea Hoa Pham, một người con xứ Quảng, được đào tạo hiện đại về ngữ âm học, hiện đang giảng dạy tại Đại học Florida (Mỹ) chắc chắn sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy một loạt các nghiên cứu để tìm nguồn gốc và sự hình thành những giọng khác ở các vùng phương ngữ tiếng Việt”.

Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

"Cãi" về nguồn gốc giọng Quảng Nam: Phương ngữ phải có không gian riêng

Thanh Hải |

Đà Nẵng - Phương ngữ - giọng địa phương, được hình thành, phát triển và tồn tại trong không gian riêng của nó. Khó có thể kết luận phương ngữ nơi này có nguồn gốc từ nơi khác...

"Cãi" về nguồn gốc giọng Quảng Nam: Tranh biện sẽ thúc đẩy nghiên cứu

Thanh Hải |

Đà Nẵng - Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, (ĐH Tổng hợp Hà Nội) tranh biện về học thuật sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy một loạt các nghiên cứu...

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

"Cãi" về nguồn gốc giọng Quảng Nam: Phương ngữ phải có không gian riêng

Thanh Hải |

Đà Nẵng - Phương ngữ - giọng địa phương, được hình thành, phát triển và tồn tại trong không gian riêng của nó. Khó có thể kết luận phương ngữ nơi này có nguồn gốc từ nơi khác...

"Cãi" về nguồn gốc giọng Quảng Nam: Tranh biện sẽ thúc đẩy nghiên cứu

Thanh Hải |

Đà Nẵng - Theo GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, (ĐH Tổng hợp Hà Nội) tranh biện về học thuật sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy một loạt các nghiên cứu...