Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có gần 100 lễ hội, trong đó có những lễ hội lớn, thu hút hàng vạn người dân và du khách tham gia như: Lễ hội cố đô Hoa Lư, Lễ hội truyền thống thờ Đức Thánh Minh Đại Vương, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội đền Thái Vi, Lễ hội Báo Bản Nộn Khê, Lễ hội Kỳ Phúc đình Cam Giá, Lễ hội đền La, Lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn...
Thời gian qua, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Phần lớn các lễ hội đều được diễn ra trong không khí trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
Trong các lễ hội, phần lễ và phần hội được tổ chức trang trọng, kết hợp hài hòa các nghi lễ truyền thống và hiện đại. Phần lễ được tổ chức đúng lễ nghi, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục, tập quán của địa phương. Phần hội, được tổ chức với nhiều trò chơi, phong tục tập quán và văn hóa dân gian được khôi phục, bảo tồn và phát huy.
Bà Vũ Thanh Lịch - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa đặc biệt có tính tập thể, tính cộng đồng và sự cố kết cộng đồng, phản ánh tín ngưỡng và sinh hoạt của người dân trong lao động, sản xuất, hay trong việc hình dung lại các sự kiện lịch sử. Lễ hội giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội nói chung hay cộng đồng dân cư nói riêng, bởi nó đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, giúp con người có dịp nhìn lại một chu trình đã qua, hướng đến những điều tốt lành và có niềm tin vào đời sống thường nhật.
Ninh Bình là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống và đặc trưng gắn với những lễ hội đặc sắc. Đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn to lớn, là một trong những thế mạnh của để Ninh Bình phát triển du lịch cộng đồng.
"Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch từ các lễ hội, ngoài việc liên kết các tuyến điểm di tích, điểm tổ chức lễ hội với các trung tâm dân cư, còn là việc tổ chức lễ hội cần đưa thêm các hoạt động nhằm khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa phi vật thể như: thi làm trang phục truyền thống, thi kể truyện cổ, thi chế biến các món ăn có tính chất đặc trưng vùng miền, thi biểu diễn nhạc cụ dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian bên cạnh các môn thể thao hiện đại nhằm làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, tạo ra màu sắc văn hóa trong nếp sống, lễ hội để thu hút du khách" - bà Lịch cho hay.