Trong cuộc họp báo định kỳ vào chiều 18.7, Sở Văn hoá Thể thao TPHCM đã có thêm phản hồi về vụ việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Theo đó, đơn vị tổ chức có hành vi sử dụng người biểu diễn là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong thời gian bị đình chỉ sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 25 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tất cả các sản phẩm âm nhạc, biểu diễn trên nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok… do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thực hiện đều bị đình chỉ trong thời gian cấm biểu diễn 9 tháng.
Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 18.7, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói: "Là một ca sĩ nhiều tai tiếng và chiêu trò, Đàm Vĩnh Hưng liên tục vướng ồn ào. Đông fan, nổi tiếng như thế, lẽ ra Đàm Vĩnh Hưng cần lan tỏa những giá trị tích cực của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam đương đại, chứ không phải là cổ vũ cho văn hóa ngoại lai, cũng như tiếp tay cho thứ "văn hóa suy đồi đã chết"".
Theo nhà nghiên cứu văn hóa, việc cấm biểu diễn 9 tháng có thể xem là biện pháp kịp thời, thích đáng. Tuy nhiên, hình thức xử phạt này ngoài giá trị răn đe tạm thời, nên chăng, cần điều tra thêm.
Nếu trong quá trình xác minh, điều tra thêm, các cơ quan chức năng đủ cơ sở kết luận những hành vi sử dụng "huy hiệu lạ" khi biểu diễn của Đàm Vĩnh Hưng là có ý đồ, có yếu tố tổ chức thì cần thực hiện "phong sát", cấm sóng vĩnh viễn cũng như có biện pháp chế tài xử lý nghiêm.
Nghệ sĩ nào vi phạm quy tắc ứng xử, phát ngôn cũng như vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc thì cần thực hiện cấm sóng, cấm biểu diễn vĩnh viễn.
Nghệ sĩ đó không có cơ hội truyền bá văn hóa xấu độc, cũng như có cơ hội để kích động những hành vi tiêu cực đối với khán giả.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói thêm về yếu tố có thể dẫn đến thực hiện lệnh cấm diễn, cấm sóng vĩnh viễn với một nghệ sĩ, đó là có kết luận rõ ràng về các hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc một cách cố ý, thực hiện nhiều lần, đã bị xử phạt hành chính nhưng tiếp tục tái diễn.
"Cũng cần tuyên truyền rộng rãi về các hành vi biểu diễn lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc trong môi trường biểu diễn nghệ thuật cũng như trên các nền tảng không gian mạng để khán giả và nghệ sĩ hiểu những điều họ cần tránh" - nhà nghiên cứu nói.
Việc cấm biểu diễn này tất nhiên cần mang tính khách quan và tất cả là để phục vụ lợi ích của khán giả, đảm bảo môi trường văn hóa văn nghệ lành mạnh.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang, việc cấm biểu diễn đối với một nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm thuần phong mỹ tục của dân tộc chính là cách để làm "trong sạch" môi trường nghệ thuật.
Từ đó các nghệ sĩ thực tài sẽ có không gian văn hóa lành mạnh để sáng tạo.
Động thái này còn là động lực để các nghệ sĩ tâm huyết có "đất" sáng tạo.
"Họ sẽ không bị những "nghệ sĩ thị trường, nghiệp dư lắm chiêu nhiều trò" phù phép khiến vàng thau lẫn lộn. Các giá trị nghệ thuật đích thực sẽ được chọn lọc và phát triển" - nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang nói.
Đàm Vĩnh Hưng tên thật là Huỳnh Minh Hưng, sinh năm 1971 ở Quảng Nam. Năm 1998, nam ca sĩ này đoạt giải tư Tiếng hát truyền hình TPHCM.
Nam ca sĩ từng sở hữu nhiều bản hit như: Tình ơi xin ngủ yên, Bình minh sẽ mang em đi, Say tình, Vùng trời bình yên, Lâu đài tình ái, Góc phố rêu xanh...
Suốt sự nghiệp hoạt động âm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng vướng nhiều ồn ào, scandal và phát ngôn có tính lộng ngôn.