Ninh Bình được coi là một trong những cái nôi sản sinh ra nghệ thuật hát Xẩm, gắn liền với tên tuổi của cố nghệ nhân hát Xẩm nổi tiếng Hà Thị Cầu. Việc bảo tồn giá trị nghệ thuật hát Xẩm đang được tỉnh Ninh Bình thực hiện với mục tiêu tạo thành sản phẩm du lịch, góp phần định vị điểm đến của du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Ðể góp phần bảo tồn, đưa nghệ thuật truyền thống đến với thế hệ trẻ, những năm qua, nhiều câu lạc bộ hát Xẩm tại các vùng quê, nông thôn ở Ninh Bình đã được hình thành. Riêng tại huyện Yên Mô (Ninh Bình) hiện có gần 100 câu lạc bộ, đội, nhóm hát Xẩm hát được thành lập và đi vào hoạt động có nền nếp, chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Mận - người sáng lập ra Câu lạc bộ chiếu Xẩm mang tên Hà Thị Cầu tại xã Yên Phong, huyện Yên Mô - cho biết, những năm qua, bà và các thành viên trong câu lạc bộ ngoài việc tham gia biểu diễn tại các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ do xã, huyện tổ chức, các thành viên trong câu lạc bộ đã tích cực dàn dựng lại khung cảnh hát Xẩm tại chợ, sân đình cũng như đến trường học giao lưu, truyền dạy nghệ thuật hát Xẩm cho học sinh.
Em Đinh Thùy Linh - thành viên Câu lạc bộ chiếu Xẩm Hà Thị Cầu - chia sẻ, em hát Xẩm từ khi còn học tiểu học. Em rất hào hứng với bộ môn nghệ thuật dân gian này. Lúc đầu khi mới tiếp cận, em thấy chưa quen nhưng sau đó càng học, em càng hứng thú hơn và không còn thấy khó nữa.
"Hát Xẩm đến với em là cơ duyên rất lớn nên em cố gắng trân trọng và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống của bộ môn nghệ thuật này. Em cũng mong muốn hát Xẩm sẽ ngày càng phát triển và được nhiều bạn trẻ yêu thích hơn nữa" - em Đinh Thùy Linh chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Mận cho hay, ngày càng có nhiều bạn trẻ bắt đầu bén duyên với Xẩm. Khi thế hệ trẻ yêu mến hát Xẩm, lựa chọn tiếp nối và phát huy nghệ thuật truyền thống này, chắc chắn Xẩm sẽ được gìn giữ, bảo lưu nguyên vẹn bởi chính những người trẻ.
Để hát Xẩm phát triển và lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống văn hóa, những năm qua, tỉnh Ninh Bình chú trọng công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật dân tộc này.
Ngoài ra, tỉnh Ninh Bình cũng đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống này vào trường học và tổ chức các cuộc thi hát Xẩm mở rộng hàng năm, góp phần từng bước lan tỏa môn nghệ thuật này trong cộng đồng.
Với các hoạt động truyền dạy hát Xẩm và biểu diễn, phục vụ sự kiện cũng như khách du lịch, cùng nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, nghệ thuật hát Xẩm đang được bảo tồn, phát huy hiệu quả và có những đóng góp quan trọng để Việt Nam đề nghị UNESCO công nhận hát Xẩm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
"Ninh Bình là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa với nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc trưng, được phát triển và lan tỏa đến ngày nay. Ninh Bình được xem là một trong những cái "nôi" của nghệ thuật hát Xẩm, gắn bó với sự nghiệp ca hát của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Hiện nay, Ninh Bình lưu giữ hơn 10 làn điệu hát Xẩm như: Điệu xẩm chợ, Chênh bong, Phồn huê, Riềm huê, Huê tình, Hò bốn mùa, Ba bậc, Thập ân, Hà liễu, Tàu điện…
Nghệ thuật hát Xẩm ngày nay đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lưu giữ, lưu truyền và phát triển, trở thành món ăn tinh thần không chỉ ở vùng nông thôn mà cả thành thị" - ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, chia sẻ.