Tour lẻ “lên ngôi”
Theo đánh giá từ ông Lại Văn Quân - Trưởng phòng kinh doanh Cty Tricolour Travel, dịp lễ 30.4-1.5 năm nay khá trầm lắng. Tâm lý du khách vẫn còn khá thận trọng trước tình hình dịch bệnh, vì thế đến thời điểm hiện tại tour lẻ được du khách lựa chọn đặt nhiều hơn.
Trong đó, nổi bật nhất là tuyến điểm vòng cung đến Hà Giang - Đồng Văn - Lũng Cú - Thác Bản Giốc - Pác Pó - Cao Bằng 4 ngày 3 đêm với mức giá được cho là khá “mềm” vào dịp lễ là 3,5 triệu đồng/người. Đây được xem là một trong những hành trình có nhiều trải nghiệm dành cho du khách khi có dịp chiêm ngưỡng những danh thắng du lịch nổi tiếng và khám phá nền văn hóa dân tộc bản địa đặc trưng miền Tây Bắc. Ngoài ra, tour Quản Bạ, Đồng Văn, Cột Cờ, Lũng Cú hứa hẹn mang đến cho du khách cơ hội khám phá mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đậm bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc ít người.
Ông Đặng Thanh Tùng - Giám đốc Neworld Travel cho biết thêm, các tour du lịch biển tại các điểm khác như Vịnh Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Đồ Sơn… tung những gói khuyến mãi tốt, đảm bảo được chất lượng dịch vụ. Một số cơ sở lưu trú giữ nguyên giá thành hoặc không phụ thu thêm nhiều như một cách kích cầu du lịch nội địa sau thời kỳ “đóng băng”.
Tuy nhiên, so với thị trường miền Nam và miền Trung, du lịch miền Bắc lại không quá sôi động, mặc dù nhiều gói tour hấp dẫn được các công ty lữ hành tung ra chào mời từ sớm. Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thanh Trang - Trưởng phòng kinh doanh WinPro Travel cho hay, tâm lý du khách muốn tìm đến nơi có vùng biển nắng ấm để nghỉ dưỡng sau chuỗi ngày rét lạnh của miền Bắc. Đặc biệt, khi đặt gói đi du lịch sớm cho gia đình, khách sẽ được hưởng lợi hơn rất nhiều khi có thể sử dụng dịch vụ cao cấp với mức giá hợp lý.
Thêm nữa, việc các hãng hàng không đưa ra chính sách ưu đãi phù hợp như đồng loạt phát hành nhiều loại vé khuyến mãi nhằm tạo thêm sự lựa chọn đa dạng cho khách hàng vào dịp lễ 30.4-1.5, ví dụ hãng hàng không mới mở Vietravel Airlines thu hút sự quan tâm của du khách khi tung ra sản phẩm tích hợp đặt tour trọn gói hoặc dịch vụ bao gồm khách sạn và vé máy bay của hãng với giá thành ưu đãi, đáp ứng được sự chi tiêu của khách hàng.
Mùa hè - thời điểm kích cầu du lịch nội địa
Theo ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhìn nhận, dịp lễ 30.4-1.5 là thời điểm để khởi động cho thị trường du lịch nội địa vào mùa hè tới. Khảo sát gần đây của TAB cho thấy, 30% du khách đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp lễ này và hơn nửa số đó chuẩn bị tâm thế đi nghỉ dưỡng, khám phá vào mùa hè tới. Mùa hè cũng được xem là “cột mốc” mà các doanh nghiệp lữ hành kỳ vọng, sẽ sớm giúp du lịch nội địa vực dậy trở lại sau mùa dịch bệnh.
“Năm 2020, trong bối cảnh ngành du lịch thế giới lao đao và gần như đóng cửa vì đại dịch COVID-19, lượng khách nội địa của Việt Nam vẫn đạt 56 triệu lượt, chiếm gần 66% lượng khách nội địa năm 2019. Những con số này đã cho thấy nguồn khách nội địa đóng vai trò chủ chốt đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”, bà Bùi Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group nói.
Cũng theo bà Hương, tiếp nối những thành công của các chương trình kích cầu năm 2020, phía doanh nghiệp lữ hành sẽ liên tục triển khai các hoạt động, chương trình ưu đãi, khuyến mãi hấp dẫn vào dịp hè tại các khu vui chơi, các khách sạn, resort trên cả nước. Các chương trình khuyến mãi trên cũng sẽ góp phần tạo nên hiệu ứng kích cầu du lịch nội địa vô cùng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng mong mỏi Chính Phủ sẽ hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phục hồi khó khăn sau như giảm thuế, giảm lãi suất, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay… và có như thế ngành du lịch Việt Nam mới vững vàng “vượt bão” và trở lại.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Mới đây, Tổng cục Du lịch cũng đã đề xuất với Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch.
Đồng thời, để chuẩn bị cho các công tác kích cầu du lịch nội địa trong thời gian tới, việc bắt tay liên kết cùng phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước đều nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp lữ hành. Sắp tới đây, dưới sự kết nối của các tỉnh/thành trên toàn quốc, một số sản phẩm du lịch đặc trưng sẽ được đưa vào triển khai và giới thiệu đến du khách. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, giúp quảng bá hình ảnh trực tiếp và nhanh nhất đến với bạn bè quốc tế; cũng như nghiên cứu xây dựng hiệu quả “sàn giao dịch du lịch trực tuyến” và chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn phục hồi phát triển du lịch.