Giữa tháng 4, UBND thành phố vừa có văn bản về việc tổ chức chương trình lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới. Lễ hội là sự kiện được nâng cấp từ hoạt động thường niên “Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè” với 5 hoạt động chính và 14 hoạt động phụ trợ, được kéo dài trong 3 tháng tại các khu vực bãi biển du lịch, trung tâm thành phố và các khu, điểm du lịch trên địa bàn.
Việc nâng cấp sự kiện này theo Đà Nẵng sẽ tạo hoạt động kích cầu du lịch thành phố sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Giới thiệu, quảng bá điểm đến Đà Nẵng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên du lịch và quảng bá các sản phẩm du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc sắc của thành phố… là hoạt động hứa hẹn trở thành chương trình lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, phục vụ người dân và du khách trong năm 2020.
Bên cạnh đó, Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng cũng sẽ chính thức khởi động. Đây là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận nhằm liên kết cộng đồng doanh nghiệp, tạo thêm nguồn lực cho công tác xúc tiến du lịch, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Năm 2020, dự kiến quỹ sẽ triển khai nghiên cứu thị hiếu du khách Ấn Độ và Hồi giáo; phối hợp Sở Du lịch và Hiệp Hội Du lịch triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng; phối hợp Trung tâm Xúc tiến Du lịch tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Úc, xúc tiến đường bay trực tiếp Melbourne - Đà Nẵng…
Kế hoạch đã có, đội ngũ nhân lực của ngành du lịch hiện nay đã sẵn sàng, tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, Đà Nẵng cần phải đi chậm, thật chắc chắn. Bởi, tất cả các ngành, lĩnh vực đều phải chờ các chủ trương của Chính phủ về giảm giãn cách xã hội đến mức độ nào và tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới ra sao.
“Cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị nhiều sản phẩm nhưng cũng phải dựa trên tình hình cho phép hoạt động đến đâu thì sẽ đưa ra phục vụ du khách đến đó. Ngành du lịch là ngành bị ảnh hưởng sớm nhất của dịch bệnh COVID-19 và cũng sẽ là ngành phục hồi sau cùng nên cần tính toán những bước đi lâu dài, chắc chắn” - ông Dũng cho hay.
Trao đổi thêm về việc này, ông Nguyễn Như Nam - Trưởng Ban sáng lập Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho rằng, nếu được mở cửa đón khách trở lại Đà Nẵng sẽ ưu tiên lựa chọn thị trường nội địa, bởi đây là thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn khách nước ngoài. Tuy nhiên, khi công bố hết dịch, cuộc sống, công việc và kinh tế dần ổn định thì người dân mới quyết định cho nhu cầu du lịch nên thị trường nội địa sẽ phục hồi một phần cũng mất từ 3 đến 5 tháng, thị trường quốc tế thì từ 5 tháng đối với thị trường truyền thống của Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đến một năm đối với thị trường khác như Nhật Bản, Châu Âu.