Phải 3 -5 tháng mới cho ra kết quả
Theo ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, ngay những ngày cách ly toàn xã hội, Sở Du lịch đã có những đề xuất đến UBND thành phố làm việc với các hãng hàng không để xúc tiến các đường bay từ các vùng chưa có dịch; tiến hành các chương trình kích cầu; xây dựng các điểm đến kết nối Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với những sản phẩm du lịch mới gồm du lịch biển đảo, du lịch sông nước…
Từ giữa tháng 4, UBND thành phố Đà Nẵng đã lên kế hoạch cho việc tổ chức chương trình lễ hội “Tuyệt vời Đà Nẵng 2020” dự kiến diễn ra vào tháng 6 với những hoạt động hứa hẹn trở thành chương trình lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, phục vụ người dân và du khách trong năm 2020.
Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch Đà Nẵng cũng đã khởi động. Đây là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận nhằm liên kết cộng đồng doanh nghiệp, tạo thêm nguồn lực cho công tác xúc tiến du lịch, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Hiện quỹ đang triển khai nghiên cứu thị hiếu du khách Ấn Độ và Hồi giáo, phối hợp Sở Du lịch và Hiệp Hội Du lịch triển khai Chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Du lịch tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Đà Nẵng tại Australia, xúc tiến đường bay trực tiếp Melbourne - Đà Nẵng…
Theo ông Nguyễn Như Nam - Trưởng ban Sáng lập Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thì trước mắt, Đà Nẵng sẽ ưu tiên lựa chọn thị trường nội địa, bởi đây là thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, khi công bố hết dịch, cuộc sống, công việc và kinh tế dần ổn định thì người dân mới lựa chọn cho nhu cầu du lịch nên thị trường nội địa phục hồi một phần cũng mất từ 3 đến 5 tháng, thị trường quốc tế thì từ 5 tháng, đối với thị trường truyền thống của Đà Nẵng như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… và đến 1 năm đối với thị trường khác như: Nhật Bản, Châu Âu.
Thiệt hại hơn 20.000 tỉ đồng
Về dịp lễ 30.4 -1.5, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - nhận định: “Hiện mọi thứ đã sẵn sàng, nhưng gần như không có hy vọng gì về việc khách sẽ đến bởi nhiều lý do. Trước hết, du khách chưa có sự an tâm tuyệt đối bởi tín hiệu của việc hết hay còn dịch vẫn chưa rõ ràng, trong khi nhiều loại hình dịch vụ, nhiều khu vui chơi giải trí vẫn chưa được phép mở cửa. Du khách đến Đà Nẵng trong dịp lễ nếu có, chỉ là một số rất ít khách nội địa đi theo diện du lịch gia đình...”.
Cũng theo ông Dũng, thời điểm này các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng vẫn đang vật lộn để làm sao vượt qua thời kỳ khủng hoảng, khó khăn do dịch bệnh. Theo tính toán, ngành Du lịch Đà Nẵng thiệt hại gần 20.000 tỉ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Để doanh nghiệp nhanh chóng gượng dậy hoạt động, địa phương và Chính phủ cần sớm có những hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp, có gói hỗ trợ và kích cầu doanh nghiệp xúc tiến thị trường mới; giảm hoặc miễn tiền thuê đất đối với những doanh nghiệp có hệ số sử dụng đất lớn cho dịch vụ, du lịch.
Theo ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, các chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, thành phố đã và đang kiến nghị đến Chính phủ, vẫn đang phải chờ “bật đèn xanh” để triển khai ngay nhằm không để khó khăn của doanh nghiệp bị kéo dài thêm. Về mặt địa phương, ông Hồ Kỳ Minh yêu cầu: “Các ngành Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường phải tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nếu không cần thiết; xem xét khả năng miễn 100% phí tham quan tại nhiều điểm vui chơi giải trí, khu danh thắng trên địa bàn; thúc đẩy nhanh việc hình thành các điểm đến mới cho ngành Du lịch.
Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực hết mình để góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi, phát triển. Chính quyền mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và người dân tích cực chung tay cùng thành phố để vượt qua thử thách.