Du lịch biển đảo “lên ngôi”
Khép lại kỳ nghỉ dài ngày trước thềm mùa cao điểm hè, top địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước ghi nhận những tín hiệu tích cực về cả lượng khách và doanh thu.
Thanh Hóa phục vụ hơn 1,5 triệu lượt khách - tăng 27,2% so với cùng kỳ 2023; với tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.805 tỉ đồng, tăng 32,8%. TP Hồ Chí Minh phục vụ khoảng 969.000 lượt khách, tăng 2%; tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 3.235 tỉ đồng, tăng 3,4%.
Hà Nội phục vụ khoảng 737.900 lượt khách, tăng 4%; doanh thu du lịch khoảng 2.500 tỉ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2023. Tiếp đến là, Quảng Ninh với 1 triệu lượt khách du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng - tăng 48,0%; doanh thu du lịch khoảng 2.210 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nghệ An phục vụ khoảng 950.000 lượt khách, tăng 22%; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng hơn 1.700 tỉ đồng.
Đà Nẵng phục vụ khoảng 336.000 lượt khách, tăng 11,6%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 1.336 tỉ đồng, tăng 12,7%... Khánh Hòa phục vụ khoảng 969.950 lượt khách, tăng 21,5%; với doanh thu du lịch khoảng 1.306,7 tỉ đồng, tăng 53%. Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ khoảng 626.360 lượt khách, tăng 25%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 712,8 tỉ đồng, tăng 12,49%.
Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc đạt khoảng 60%, tới trên 70% vào một số ngày cao điểm. Một số điểm đến ven biển đạt tỉ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Đặc biệt, yếu tố thời tiết cũng góp phần ảnh hưởng đến xu hướng chọn tour của du khách. Phần lớn điểm đến phổ biến trong kỳ nghỉ là nơi có biển như Hạ Long, Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang; hoặc các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ hơn như Đà Lạt, miền Tây… Đối với du khách TPHCM, các điểm đến du lịch gần như Phan Thiết, Vũng Tàu… được ưa chuộng hơn cả do thuận tiện di chuyển bằng đường bộ.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý du lịch, thời tiết nắng nóng kéo dài và giá vé máy bay tăng cao nên người dân có xu hướng đi du lịch gần. Một số điểm đến như Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang)... cũng chịu ảnh hưởng từ giá vé máy bay nội địa cao.
Đơn cử như Kiên Giang, khách du lịch đến các đảo dịp này không đông như kỳ vọng, dù một lượng lớn khách chuyển sang di chuyển bằng đường thủy ra Nam Du, Phú Quốc, Hòn Sơn… Còn tại Khánh Hòa, nguồn khách chiếm ưu thế trong kỳ nghỉ là khách du lịch đi cao tốc từ phía Nam đến Nha Trang, theo hình thức tự túc.
Thích ứng với xu hướng, thúc đẩy mùa cao điểm
Theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, sự chủ động chuẩn bị và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao… có quy mô lớn tại địa phương, trung tâm du lịch, đặc biệt là sự đồng hành của doanh nghiệp đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng trong kỳ nghỉ lễ và cao điểm du lịch hè 2024.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đa dạng hóa loại hình tour theo hướng tăng tour đi xe ôtô chất lượng cao ở những chặng ngắn; kết hợp các phương tiện tàu hỏa, ôtô, đường thủy ở những chặng xa. Giải pháp này vừa giảm giá thành tour, vừa tăng trải nghiệm cho khách trong bối cảnh cần thích ứng với giá vé máy bay nội địa tăng cao.
Bà Vũ Thị Bích Huệ - đại diện Flamingo Redtours - cho biết với các tour nội địa, khách Việt có xu hướng chuyển sang tour đi đường bộ hoặc di chuyển bằng tàu hỏa. Thời điểm này, du khách đã bắt đầu tìm hiểu các tour đường tàu như Quảng Bình 5 ngày 4 đêm giá 4.750.000 đồng; Huế - Đà Nẵng 5 ngày 4 đêm giá 5.150.000 đồng khởi hành vào dịp hè.
Trong khi đó, đại diện Vietravel cho biết, đã lên kế hoạch hợp tác cùng nhiều đối tác cung cấp dịch vụ uy tín, đặt trước series để đảm bảo giá bình ổn cho các tuyến tour của công ty, phục vụ nhu cầu của du khách trong mùa cao điểm.
Đề xuất chốt lịch nghỉ lễ sớm hằng năm
Doanh nghiệp du lịch đề xuất lịch nghỉ lễ, Tết cố định hằng năm cần được thông báo sớm để người dân chủ động trong kế hoạch di chuyển, du lịch còn các đơn vị không bị động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Giám đốc Vitamin Tours - cho biết: “Các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ nói chung mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng có kế hoạch công bố sớm kỳ nghỉ lễ để kịp xây các sản phẩm du lịch, tour tuyến phù hợp, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, tạo ra các tuyến điểm du lịch mới phù hợp hơn”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp đề xuất xem xét giảm số ngày của kỳ nghỉ hè, tăng thêm kỳ nghỉ đông để thu hút du khách nội địa. Bởi kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng, trong khi học sinh vào năm học không còn kỳ nghỉ dài nào khác ngoài dịp Tết Nguyên đán.