Những ngày cuối tháng 8.2022, tìm về vùng mường cổ Mường Bi, huyện Tân Lạc - một trong 4 mường lớn của tỉnh Hòa Bình, PV đã có dịp đến thăm ngôi nhà sàn của thầy mo Bùi Văn Lựng ở xóm Mường Lầm, xã Phong Phú, một trong những thầy mo đang nắm giữ và am hiểu rất rõ về những bộ lịch Đoi cổ.
Khi được hỏi về Lịch Đoi, thầy mo Lựng chậm rãi kể: "Nghe các cụ xưa truyền lại, lịch Đoi có từ thuở đất còn bạc lạc, đá thì mới đẻ, con dân Mường Bi nhìn trăng đoán nắng, nhìn sao đoán gió, qua hàng trăm đời người mới làm ra được. Cũng kể từ khi đó, người Mường Bi đi cày đi cuốc, bắt tôm, đánh cá, dựng vợ gả chồng, ngày lành tháng tốt… cứ theo lịch Đoi mà làm".

"Trong cách tính lịch Đoi, các ngày từ 1-10, người Mường gọi là "ngày cây”; từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”. Trong lịch Đoi ghi rất rõ ngày mưa tương ứng với gạch thẳng, mũi tên là ngày bão, biểu tượng chữ v là ngày thích hợp để đi chài lưới bắt cá, còn ngày có chấm lỗ là ngày xấu, kiêng kị làm việc quan trọng" - cầm trên tay bộ lịch cổ, ông Lựng giảng giải.
Theo tìm hiểu được biết, bộ lịch tre của dân tộc Mường Hòa Bình được làm từ những thanh tre được dóc, vót và đánh bóng cẩn thận. Người ta khắc lên đó những vạch, khấc để biểu thị cho ngày, tháng và các hiện tượng, quy luật tự nhiên trong năm.
Bộ lịch dân gian này có 3 dạng, bao gồm loại thanh dài, thanh trung bình và thanh ngắn. Với bộ lịch tre thanh dài, có chiều dài 25 - 30cm, rộng 2,2cm, dày 0,5cm, bộ lịch thanh trung bình, có chiều dài 15 - 20cm, rộng 1,5 - 2cm, dày 0,5cm và bộ lịch tre thanh ngắn, có chiều dài 10 - 15cm, rộng 2 - 2,5cm, dày 0,5cm.
Cả 3 dạng đều có 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Mỗi thanh tre được tạo hình chữ nhật, có 2 mặt rộng gọi là mặt lịch và 2 mặt hẹp gọi là sống lịch. Trên mỗi thanh tre có các bộ phận chính gồm: Gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Tất cả các thanh tre đều khắc 30 khấc tương đương với 30 ngày trong 1 tháng, 12 thanh tre tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Theo thông tin từ Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Hòa Bình cho biết, người Mường gọi là “Lịch Đoi” bởi lịch này được phân chia ngày tháng trong năm theo sự vận hành của sao Đoi - còn gọi là sao Tua Rua - chòm sao có 7 ngôi vận hành theo chiều từ Đông sang Tây.
Trao đổi với PV, ông Bùi Xuân Trường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hòa Bình - cho hay: "Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Mường tỉnh Hòa Bình đã xây dựng cho mình một cách tính lịch rất độc đáo. Theo Lịch Đoi, dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình tính ngày Âm lịch không chỉ theo sự vận hành của Mặt Trăng mà còn lồng ghép yếu tố thời tiết vào chu kỳ vận hành của sao Đoi. Đây chính là điểm đặc biệt nhất của lịch tre dân tộc Mường mà ta không tìm thấy ở các hệ lịch khác trên thế giới".
"Giá trị tri thức dân gian lịch tre của người Mường hiện nay vẫn còn được ứng dụng trong nhân dân thể hiện sự trường tồn của tri thức dân tộc, xứng đáng là một tri thức, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" - vị lãnh đạo cho biết thêm.