Thời gian qua, công tác sưu tầm hiện vật liên quan đến những người Cộng sản bị địch bắt tù đày tại Trại giam Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (Nhà tù Phú Quốc) được Ban quản lý di tích tích cực đẩy mạnh. Các hiện vật được khai quật trong quá trình tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ, những hiện vật được sưu tầm từ các nhân chứng sống trở về, được đơn vị tổ chức trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan.
Bà Trần Thị Ngọc Giàu, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP.Phú Quốc cho biết, để có được những hiện vật, trong quá trình thuyết minh, các thuyết minh viên luôn lắng nghe và kết nối những câu chuyện, những nhân chứng từng bị giam cầm tại đây, để thu thập hiện vật, tuyên truyền trao tặng hiện vật cho Di tích.
“Khi nhận bất cứ thông tin nào có liên quan đến hiện vật, chúng tôi đều kết nối nhân vật hoặc gia đình họ để nghe những câu chuyện có thật trong quá khứ. Sau khi tìm hiểu, tìm đến đúng địa chỉ, chúng tôi trao đổi và xin được tiếp nhận để thể hiện vai trò trách nhiệm của người làm công tác bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ sau”.
Bà Giàu cho hay: "Có những gia đình, mình phải đi lại rất nhiều lần để thuyết phục vì đối với họ những kỷ vật đó rất quan trọng, là vô giá nên họ muốn cất giữ. Tuy nhiên, chúng tôi đã thuyết phục để hiện vật này không chỉ có giá trị với họ mà còn có giá trị chung cho nhân dân, cho lịch sử".
Để có những tư liệu, hiện vật trưng bày, giới thiệu cho khách tham quan là cả một quá trình nghiên cứu sưu tầm của đơn vị. Những hiện vật tưởng chừng rất đỗi bình thường trong đời sống hàng ngày, nhưng khi trở thành hiện vật trưng bày tại Di tích lại mang một giá trị lịch sử nhất định.
Chị Võ Thị Thu Hà, Thuyết minh viên di tích Nhà tù Phú Quốc cho biết, các hiện vật được bố trí hợp lý, có chú thích rõ ràng, giúp du khách hiểu được nguồn gốc của các hiện vật, nhất là thế hệ trẻ có cái nhìn tổng quan về cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản kiên trung trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược. Có những chiếc muỗng từng được những cựu tù dùng để đào hầm vượt ngục, hay những cọng thép gai được các đồng chí mài ra thành cây kim may đồ.
Thời gian trôi qua, các cựu tù, các nhân chứng lịch sử tuổi đã cao, trí nhớ suy giảm nên công tác sưu tầm hiện vật thời kỳ kháng chiến gặp nhiều khó khăn. Vì thế, cán bộ làm công tác thuyết minh đã không ngừng khắc phục mọi khó khăn tiến hành sưu tầm theo nhiều hình thức.
Ông Lê Thành Trung, ngụ TP.Đà Lạt, là một cựu tù từng bị địch bắt giam tại đây kể lại, năm 1973 khi trao trả tù binh, lúc đó, ông còn mặc 1 chiếc quần đùi. Đối với các thế hệ sau chưa hiểu rõ, có lẽ sẽ không biết được đồ vật đơn giản này lại là 1 kỷ vật lịch sử không bao giờ phai mờ.
Ông Trung kể: “Lúc trong tù, tôi đã mài dây kẽm thành cây kim, chỉ thì se từ những sợi dây trong chiếc mùng ngủ. Từ cái quần dài xé 2 ống ra để may thành 1 cái quần đùi. Tôi đã cất giữ đến nay cũng 50 năm rồi, giờ giao lại cho các cháu ở Di tích lưu giữ, trưng bày để cho các thế hệ sau có thể hiểu về truyền thống đấu tranh vượt mọi gian khó của người Việt Nam”.
Qua dòng chảy của thời gian, các khu nhà giam, tháp canh, lô cốt đều được giữ nguyên vẹn hoặc tôn tạo lại một phần. Nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật quý về cuộc đấu tranh của các tù nhân, như chiếc áo, chiếc quần đùi, cái ca, cây muỗng...
Nhà tù Phú Quốc mở cửa hằng ngày để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu lịch sử. Từ đầu năm đến nay, Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc thu hút trên 92.000 lượt khách tới thăm viếng. Nhiều du khách không chỉ ghé thăm một lần mà nhiều lần quay lại để tìm hiểu về các giá trị lịch sử.