"Đi khắp nơi, tôi vẫn thấy Việt Nam là tuyệt vời nhất"

Ngọc Dủ thực hiện |

Vòng quanh thế giới, trải qua hành trình với gần 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, Trần Đặng Đăng Khoa đã hiện thực được giấc mơ của mình - giấc mơ học hỏi, trải nghiệm thú vị. Sau những chuyến đi, anh càng nhận rõ một điều: Việt Nam mình vẫn là tuyệt vời nhất!

Những bài học quý giá

Sau chuyến đi đến các quốc gia vừa qua, anh được gọi là “chàng trai vòng quanh thế giới”, anh nghĩ sao về danh xưng này?

- Điều này phản ánh đúng tính chất của chuyến đi. Nhưng có nhiều người gọi tôi là phượt thủ thì tôi lại không thích danh xưng này vì thường mọi người hay nghĩ phượt thủ là tiêu cực. Mặc dù tôi không có ác cảm nhưng tôi không quen với danh xưng này. Nên chàng trai vòng quanh thế giới là một tên gọi đẹp với tôi.

Sau khi trở thành 1 hiện tượng, 1 người nổi tiếng, cuộc sống anh thay đổi ra sao?

- Tôi thấy mọi thứ vẫn bình thường. Tôi không phải là người ham nổi tiếng. Chuyến đi này thỏa mãn giấc mơ của tôi và truyền được cảm hứng đến mọi người. Bản thân tôi nghĩ chuyến này như 1 hành trình tôi phải làm trong cuộc đời chứ không đặt kỳ vọng mình sẽ được nổi tiếng hay không.

Vậy với anh chuyến đi là hành trình trải nghiệm chứ không phải là điều gì quá vĩ đại?

- Nhiều khi nghĩ lại, tôi thấy mình đã đi rất xa so với dự kiến ban đầu, có những chuyện bất ngờ xảy đến. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đi từ Việt Nam đến Pháp, sau đó tôi đi tiếp Nam Mỹ, Bắc Mỹ rồi Châu Úc, Nam Cực, Châu Phi… Càng đi, tôi càng thấy quen với cuộc sống và hành trình này. Dù đi nhưng tôi vẫn làm việc online để kiếm thêm thu nhập. Quãng thời gian sinh hoạt không cố định trong hành trình ấy, tôi thấy thú vị, lạ lẫm. Nhiều khi mọi người nghĩ chuyến đi của tôi là phi thường, thấy vĩ đại nhưng nó không ghê gớm lắm đâu. Ai cũng có thể làm được cả, chỉ là bạn muốn hay không?

Anh nhớ rằng mình đã đi qua bao nhiêu nước?

- Khoảng 60-65 nước.

 
 
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Để đi vòng quanh thế giới, anh đã lên kế hoạch như thế nào? Động lực từ đâu mà anh chấp nhận bỏ ra 1 quỹ thời gian dài như vậy để đi?

- Thật ra, ngày xưa tôi đã nghĩ về chuyến đi này rồi. Tôi hay đọc báo, thấy những chuyến phiêu lưu, tôi rất thích. Nhưng sau này cuốn vào cuộc sống, đi làm, tôi chưa thực hiện được. Ban đầu, tôi chỉ đặt ra những chuyến đi gần như Lào, Campuchia thôi. Sau đó, tôi mua được chiếc xe máy (đó cũng là chiếc xe đi vòng quanh thế giới của tôi). Ban đầu, tôi đi từ nhà lên TPHCM chỉ 50km, sau đó tăng quãng đường lên 100-200km. Và tôi quyết định đi phượt xuyên Việt.

Và từ chuyến đi từ Việt Nam qua Singapore, tôi nhận ra việc trải nghiệm này cũng không quá khó khăn. Cuối cùng, tôi lại nghĩ đến chuyến đi vòng quanh thế giới. Bởi tôi nghĩ, người ta đi được mình cũng đi được. Tôi đã chuẩn bị gần 2 năm để thực hiện chuyến đi với những việc như: Việc sửa xe, xin visa…

6 tháng cuối trước khi đi, tôi chạy nước rút, xin visa nước nào trước và sau. Sau đó, tôi tính đến phương án nên đi xe nào. Tôi nghĩ đến chiếc xe mình từng đi Đông Nam Á. Nó như một cái duyên vậy. Tôi từng dùng nó và cả 2 không làm nhau thất vọng. Thế là tôi quyết định sử dụng nó để đi vòng quanh thế giới mà quyết định không mua xe mới. Tôi đi chậm để trải nghiệm nhiều hơn.

1 tháng trước khi đi, tôi phải chào tạm biệt mọi người, sắp xếp công việc... Tôi không có nhiều tiền. Số tiền dành dụm được, tôi để lại cho cha mẹ. Tôi chỉ giữ khoảng vài chục triệu đồng thôi. Nhưng trong hành trình ấy, tôi đều làm những việc online như: Đăng tin quảng cáo, làm KOLs… để tạo ra thu nhập giúp bản thân có thêm chi phí trang trải.

Trước khi đi, nhiều người cũng nghi ngờ không biết tôi có thực hiện được không. Và sau khi trở về, nhiều người lại không tin vào chuyến đi của tôi vì nó vượt sức tưởng tượng của họ.

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những chuyến đi dạy cho anh bài học thế nào?

- Nó là một vấn đề rất dài. Mỗi quốc gia, con người đều mang lại cho tôi một cái hay, cần học hỏi để hoàn thiện mình hơn. Tôi học được tính chấp nhận những điều không may có thể xảy ra, vì cuộc đời cũng như những chuyến đi, sau mỗi khúc cua đều có những tai nạn bất ngờ. Tôi có nhiều kỹ năng mềm, kinh nghiệm hơn từ những chuyến đi: Ví dụ xin visa nước này không được, tôi sẽ đi vòng qua nước khác. Tôi luôn nghĩ về việc không có con đường nào túng quẫn cả, chỉ là bản thân có chịu đi tiếp hay không.

Đi Bắc Âu, tôi học được tính đúng giờ của người Thụy Sĩ. Tôi cũng là người đúng giờ, nhưng cái đúng của người Việt mình 5, 10 phút không sao nhưng quốc gia này dù trễ 1 giây cũng là trễ.

Tôi học được việc không nên có định kiến về một người, về một đất nước nào cả. Họ như thế nào là vì lịch sử hay tình hình chính trị của quốc gia họ mà thôi. Mình chỉ là lữ khách đến thì đừng nên chê bai, phàn nàn. Mọi thứ đều trung dung, đều có xấu có tốt.

Từng có ý định bỏ cuộc

Có nhiều người bắt đầu chuyến đi vì mục đích chinh phục, còn với anh, nói đúng hơn là sự trải nghiệm?

- Mỗi chuyến đi đều có những khó khăn riêng, mình cố gắng vượt qua những khó khăn đó thì gọi những chuyến đi như mọi người nói là hành trình chinh phục cũng đúng.

Mỗi người đều có lý do và quan điểm riêng cho mỗi chuyến đi nên không có gì đúng và sai cả. Có nhiều người kinh phí hạn hẹp, họ muốn đi thật nhanh để có thể đến nhiều nơi. Có nhiều người muốn tìm đến những nơi mạo hiểm, không quan tâm ẩm thực. Còn nhiều người khác thích trải nghiệm văn hóa… Mỗi người có nhân sinh quan, thái độ sống khác nhau. Với tôi, tôi cũng sẽ đa dạng trong việc lựa chọn, có nơi tôi đi nhanh, nơi đi chậm, có nơi ở đến 1-2 tuần để trải nghiệm. Ví dụ vùng sa mạc phải đi nhanh vì nơi đó rủi ro tăng cao.

Có khi nào anh muốn bỏ cuộc?

- Cũng rất nhiều lần. Nhiều khi hỏng xe nặng, nằm vất vưởng giữa trời. Nhiều khi trời mưa, tuyết rơi. Nhiều khi visa xin mãi không được, tôi đều nghĩ đến việc bỏ cuộc. Nhiều khi lễ Tết, tâm lý lại muốn về nhà. Nhưng niềm đam mê lấn át mọi thứ và khiến tôi phải đi tiếp.

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những ấn tượng nào về con người, quốc gia anh đã đi qua?

- Rất nhiều. Tôi chỉ kể được một số vì nhiều thứ xảy ra dồn dập. Đến Ấn Độ, đây là một đất nước nhiều màu sắc, tôn giáo, sắc dân khác nhau. Đi qua Tiểu Á, có muôn vàn cảnh đẹp. Qua Châu Âu trúng vào mùa lá vàng, ngắm những ngôi làng, nhà cổ rất lãng mạn.

Tôi thường chọn những con đường nhỏ để đi thay vì đường cao tốc, nên trải nghiệm của mình rõ nét hơn và gần gũi thiên nhiên hơn. Qua Pháp, tôi thấy một Paris khác với những gì tráng lệ trước đây trên màn ảnh. Vùng Bắc Âu, mùa đông có tuyết trắng xóa. Ban đầu, tôi thấy mọi người ở đây có vẻ lạnh lùng nhưng khi tiếp xúc thấy họ rất ấm áp.

Đi Nam Mỹ, nhất là Peru, tôi thấy nó có nét tương đồng như Việt Nam về khí hậu, vĩ độ. Nước Mỹ phồn hoa đô hội nhưng đồ ăn ở đây không phong phú như Việt Nam, chỉ đa phần thức ăn nhanh. Đi qua sa mạc ở Australia vào đợt nắng 50 độ C rất nóng, nhưng biển ở đây rất đẹp.

Ở Châu Phi, tôi gặp nhiều chuyện xảy ra như bị cướp giật, nhưng lại có nhiều người thân thiện, hòa nhã. Ở Châu Phi mới hiểu rằng, vì sao người da trắng qua Châu Á lại sốc văn hóa vì sự khác biệt quá lớn về đất nước, con người.

Vậy anh có bị sốc văn hóa khi đến các quốc gia trên thế giới?

- Tôi không bị sốc văn hóa. Tôi đã quen với kiểu lang thang, đụng đâu cũng dễ sống, dễ bắt chuyện. Nếu sốc thì tôi không thích nghi được. Tôi có một kinh nghiệm là trước khi đến một quốc gia nào đó, tôi không thích tìm hiểu trước. Vì nếu tìm hiểu, tôi sẽ bị ý kiến khác ảnh hưởng nên sẽ bị định kiến. Tôi chỉ tìm hiểu sơ qua và đến sẽ trải nghiệm thú vị hơn.

Nhìn những chuyến đi của anh, thật sự quá sức tưởng tượng và còn có sự phi thường trong đó nên sẽ có nhiều người cho rằng, anh phóng đại câu chuyện của mình?

- Tôi mặc kệ những chuyện phiến diện. Vì mỗi người có một suy nghĩ, quan điểm riêng, họ không trải qua, họ sẽ không hiểu. Những ai chưa trải qua cuộc sống bần hàn thì không hiểu được cuộc sống của những người bần hàn. Họ không trải qua mối tình đau khổ sẽ không hiểu được và trách người đó yếu đuối. Cũng như hành trình của tôi vậy. Nếu mất thời gian thanh minh, điều đó sẽ không đáng.

Thực hiện dự án gây quỹ về du lịch

Đối với những người có đam mê du lịch và khát khao vòng quanh thế giới như anh, anh có ủng hộ không?

- Nếu họ có đam mê, hãy trải nghiệm. Cũng như việc bạn khởi nghiệp, làm dự án cộng đồng vậy… phải thật sự thích thì hãy làm. Hãy chấp nhận những rủi ro, tôi sẽ không ngăn cản hay ủng hộ mà tôn trọng quyết định của họ.

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh có bắt gặp hay nghe được câu chuyện nào về niềm đam mê của các bạn trẻ về du lịch?

- Nhiều bạn cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ về hành trình của tôi. Đặc biệt, không chỉ có người cùng lứa tuổi của tôi mà còn có người già, trẻ em. Tôi thấy vui vì phần nào truyền cảm hứng cho mọi người yêu du lịch.

Đối với cá nhân anh, sau chuyến đi, anh muốn lan tỏa năng lượng tích cực gì đến mọi người không chỉ niềm đam mê du lịch mà còn nhiều bài học khác?

- Đầu tiên mình phải làm tốt nhiệm vụ, phận sự của mình. Mỗi người có hoàn cảnh, thái độ sống khác nhau. Đừng để quá nhiều thứ tiêu cực tác động, thành công sẽ không còn ý nghĩa nếu mình không thật sự đam mê.

Tôi mượn câu nói của Trịnh Công Sơn: “Khi yêu hãy yêu bằng tất cả trái tim, dù cuộc tình này đau cũng 1 phần máu thịt của mình rồi”. Câu nói này không chỉ nói về tình yêu mà còn nói về hành trình của mỗi người. Trong cuộc sống, mỗi người khi thức dậy đều phải đối mặt với nhiều rủi ro. Không ai đoán được hôm đó có chuyện gì xảy ra. Hãy vui sống, hãy lạc quan, hãy chấp nhận những khó khăn và sống hết mình dù kết quả thế nào thì chúng ta cũng không hối hận.

Nghe anh nói chuyện, nhiều người sẽ thấy sự sâu sắc trong từng câu nói, có phải do chuyến đi đã tôi luyện cho anh?

- Ngày xưa, tôi cũng hay đọc sách triết lý. Trước đây, tôi chọn cách sống vội. Những chuyến đi cho tôi thấy cuộc đời bể dâu, thấy được niềm vui, nỗi buồn của những con người và nhìn nhận vấn đề thấu đáo hơn. Cũng như câu nói: “Trên đời này, mỗi người đều yêu 1 cái gì đó, sợ 1 cái gì đó và từng đánh mất 1 cái gì đó”. Và chuyến đi cho tôi thấy cuộc đời không đơn giản như mình suy nghĩ. Mỗi người trên thế giới ai cũng phải chiến đấu cho cuộc sống riêng, đều có cách giải quyết riêng trước những khó khăn.

Anh nghĩ mình sẽ lưu lại chuyến hành trình này bằng 1 cuốn sách hay 1 vai trò như đại sứ du lịch chẳng hạn?

- Tôi không ham những chức danh lắm. Tuy nhiên, tôi thấy mình có trách nhiệm với nước nhà, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Tôi đã khuyên mọi người đi du lịch nhiều hơn. Cuối năm, tôi ra 1 cuốn sách để gây quỹ cho trẻ em. Đó là lời hứa của tôi trước khi đi. Tôi hứa là khi thực hiện giấc mơ của mình thì cũng phải giúp những đứa bé nghèo khác thực hiện giấc mơ của nó.

Sẽ cố gắng làm hết sức mình đưa càng nhiều khách đến Việt Nam

Anh thấy rằng mình có trách nhiệm trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt ra thế giới?

- Tôi hoàn toàn đồng ý vì đó là trách nhiệm công dân. Không chỉ tôi mà mỗi người đều có cách đóng góp riêng. Khi về nước từ chuyến đi, tôi được nhiều người biết đến nên cũng cố gắng làm những việc ý nghĩa liên quan đến du lịch, mang niềm cảm hứng tích cực đến cho mọi người. Đó là cách tôi có thể làm.

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đặt anh trong tâm thế quảng bá du lịch Việt, anh sẽ thực hiện bằng cách nào?

- Tôi sẽ dùng hình ảnh của mình. Tôi làm các Vlog cho mọi người biết đến cảnh đẹp Việt Nam nhiều hơn. Ở Đông Nam Á, cộng đồng người Việt trên thế giới biết tôi rất nhiều, bạn bè quốc tế của tôi khắp nơi từ chuyến đi vừa qua nên tôi sẽ dễ dàng quảng bá. Ví dụ, có những dự án về du lịch phi chính phủ nếu mời, tôi sẽ sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ để đẩy mạnh hình ảnh du lịch đất nước hơn. Theo tôi, muốn làm gì đó, cần đi theo câu chuyện đường dài chứ không phải thay đổi hình ảnh 1 sớm 1 chiều là được.

Anh trải nghiệm nhiều quốc gia và khắp mọi miền Việt Nam, anh thấy điểm gì nước mình khác với thế giới?

- Nó như một sự định vị thương hiệu của một quốc gia vậy. Tôi thấy có con người Việt Nam thân thiện, du lịch đa dạng. Mọi người có thể trải nghiệm du lịch của các resort sang trọng cho đến những dịch vụ rẻ tiền như các món ăn đường phố, đất nước mình có thể đáp ứng hết được.

Việt Nam là đất nước giàu truyền thống lịch sử, du khách có thể trải nghiệm điều này. Ví như đến Hội An, họ có thể trải nghiệm văn hóa, lịch sử ở đây. Vấn đề quan trọng là mình phải cung cấp đầy đủ thông tin để du khách họ đến đây cảm thấy an toàn và yên tâm hơn.

Để du khách đến Việt Nam thì việc bảo vệ môi trường, tài nguyên rất quan trọng, anh có đồng tình với quan điểm này không?

- Tôi đồng ý. Tôi rất thích câu chuyện “du lịch bền vững”. Chẳng hạn ở Peru, họ làm rất tốt vấn đề này. Xây dựng nhưng phải chú ý bảo vệ môi trường bằng việc tạo công ăn việc làm cho người địa phương, như thế tài nguyên đất nước không bị ảnh hưởng. Những người địa phương cũng phải cùng nhau kết nối để tạo nên một hệ thống cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh cho đất nước. Chứ còn mỗi địa phương họ đều làm cái này, cái kia thì lại không ăn khớp với quyết sách nhà nước. Một cảnh quan sạch sẽ, thiên nhiên được bảo tồn thì du khách mới đến.

Nếu cho anh nói một lời kêu gọi mọi người đi du lịch trong thời điểm này, anh sẽ nói gì?

- Hiện tại, theo tôi được biết, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 99% vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vậy nên, mọi người hãy đi du lịch trong nước, ủng hộ du lịch nước nhà để tạo thu nhập cho người địa phương. Điều này sẽ hỗ trợ, giúp ích cho kinh tế quốc gia mình. Hãy trải nghiệm vì Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp mà có thể bạn chưa khám phá hết.

Anh kỳ vọng thế nào du lịch Việt Nam trong những năm tới?

- Tôi mong dịch bệnh mau qua để khách nước ngoài trở về. Hy vọng, hệ thống du lịch Việt sẽ hoàn thiện hơn nữa, thương hiệu du lịch Việt được nhiều người biết đến hơn. Đó là 1 câu chuyện dài, không thể ngày 1 ngày 2. Tôi cũng là người nhỏ bé thôi, nhưng sẽ cố gắng làm hết sức mình để đưa càng nhiều khách đến Việt Nam càng tốt.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Anh từng nói dù đi khắp nơi nhưng với anh Việt Nam vẫn là tuyệt vời nhất?

- Đúng là như vậy. Việt Nam không phải có những thứ đỉnh nhất thế giới. Ví dụ, sa mạc không thể so với Sahara, những cánh rừng không thể so với rừng nhiệt đới Amazon… Nhưng Việt Nam lại có mọi thứ trong một đất nước nhỏ bé như thế này từ biển, hang động, núi rừng, sa mạc... và đặc biệt còn rất đẹp. Nó lại tiện lợi cho việc du lịch khi trong 1 diện tích nhỏ, bạn dễ dàng trải nghiệm và đi đến được nhiều nơi hơn. Nếu những ai không có điều kiện đi quốc tế, hãy đi Việt Nam.

Mình có thể khám phá mọi cảnh vật của Việt Nam mà đều có ở thế giới, tại sao không đi? Việt Nam về con người, cuộc sống, tôi thấy tuyệt vời nhất. Con người Việt Nam thân thiện, mọi người có thể dễ dàng mua nhiều thứ. Cộng đồng người Việt giúp đỡ nhau, gia đình thắm thiết. Nên tôi vẫn thấy, Việt Nam là tuyệt vời nhất.

Ngọc Dủ thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Vòng quanh thế giới ngắm nhật thực hình khuyên tuyệt đẹp ngày hạ chí

Phương Linh |

Nhiều người trên khắp thế giới từ Châu Phi, bán đảo Ả Rập cho tới Châu Á, đã cùng nhau theo dõi hiện tượng nhật thực hình khuyên hiếm gặp diễn ra đúng ngày 21.6 - ngày hạ chí năm 2020.

Ngắm sắc xuân rộn ràng vòng quanh thế giới

Phương Linh |

Chùm ảnh về các hoạt động chào đón Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 đang cận kề trong không khí vui tươi, rộn ràng sắc xuân tại nhiều nước Châu Á và trên thế giới.

Quảng Ninh tham gia cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới

Nguyễn Hùng |

Ngày 19.7, ông Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo đề xuất chủ trương về việc tỉnh Quảng Ninh trở thành nhóm đối tác của Cuộc đua thuyền buồm Clipper Round the World 2019 - 2020, đăng cai là điểm đến cho cuộc đua 2021 - 2022, cử đội tham gia đua thuyền buồm quốc tế tại Anh vào tháng 9/2019.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Vòng quanh thế giới ngắm nhật thực hình khuyên tuyệt đẹp ngày hạ chí

Phương Linh |

Nhiều người trên khắp thế giới từ Châu Phi, bán đảo Ả Rập cho tới Châu Á, đã cùng nhau theo dõi hiện tượng nhật thực hình khuyên hiếm gặp diễn ra đúng ngày 21.6 - ngày hạ chí năm 2020.

Ngắm sắc xuân rộn ràng vòng quanh thế giới

Phương Linh |

Chùm ảnh về các hoạt động chào đón Tết Nguyên Đán Canh Tý 2020 đang cận kề trong không khí vui tươi, rộn ràng sắc xuân tại nhiều nước Châu Á và trên thế giới.

Quảng Ninh tham gia cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới

Nguyễn Hùng |

Ngày 19.7, ông Nguyễn Văn Thắng – Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – chủ trì buổi làm việc, nghe báo cáo đề xuất chủ trương về việc tỉnh Quảng Ninh trở thành nhóm đối tác của Cuộc đua thuyền buồm Clipper Round the World 2019 - 2020, đăng cai là điểm đến cho cuộc đua 2021 - 2022, cử đội tham gia đua thuyền buồm quốc tế tại Anh vào tháng 9/2019.