Âm nhạc được truyền cảm hứng từ đề thi Ngữ văn
Phương Mỹ Chi vừa ra mắt MV “Đẩy xe bò” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân.
Trên khắp diễn đàn mạng xã hội, các sĩ tử bàn luận sôi nổi, liệu “Vợ nhặt” có nằm trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay hay không.
Đây là chiêu bài có tính toán của Phương Mỹ Chi, khi trào lưu đoán đề Ngữ văn qua âm nhạc đã được Đen Vâu và Hoàng Thùy Linh tạo dựng và “làm mưa làm gió” nhiều năm trở lại đây.
Trào lưu đoán đề có thể giúp MV âm nhạc gây bão, đạt kỳ tích về lượt truy cập chỉ trong thời gian ngắn.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT đang được âm nhạc bắt trend.
Tháng 6.2019, ngay trước thềm kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hoàng Thùy Linh tung ra MV Để Mị nói cho mà nghe. MV lập tức có sức hút, nhanh chóng leo lên top trending, tạo nên trào lưu chế ảnh rầm rộ trên mạng xã hội, kéo theo những dự đoán về đề thi Ngữ văn “nóng bỏng” mạng xã hội.
MV “Để Mị nói cho mà nghe” nhắc đến hàng loạt nhân vật trong các tác phẩm văn học nổi tiếng như Vợ nhặt, Số đỏ, Lão Hạc, Tắt đèn... Nhưng cũng trong năm 2019, chỉ cách “Để Mị nói cho mà nghe” vài giờ, Đen Vâu đã ra mắt MV “Hai triệu năm”.
“Hai triệu năm” với bối cảnh chính là… nước. Từ đầu đến cuối, Đen Vâu nổi trên mặt nước và rap. Cuối cùng, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2019 là tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, vì điều này, Đen Vâu khiến các sĩ tử dậy sóng và phong tặng danh hiệu “thánh đoán đề”.
Năm 2021, khi kỳ thi tốt nghiệp khối THPT vừa mới bắt đầu, Đen Vâu đã được réo gọi khắp các diễn đàn trên mạng xã hội.
Trước kì thi, nam rapper viết trên Facebook cá nhân một đoạn lyric (lời) trong MV "Trốn tìm": “Anh đi tìm thì em trốn, anh đi trốn em không tìm. Lòng em không gợn sóng cuối cùng anh mất công chìm”.
Đề thi Ngữ văn năm đó rơi vào tác phẩm “Sóng” của nhà thơ Xuân Quỳnh. Một lần nữa, cái tên Đen Vâu lại khiến sĩ tử nức lòng. Vì chỉ rap “vu vơ” anh cũng nhắc đến tên tác phẩm nằm trong đề thi Ngữ văn.
Đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Đen Vâu thu hút sự chú ý lớn khi ra mắt MV "Ai muốn nghe không" vào tháng 6, ngay trước thềm kỳ thi.
Trong MV xuất hiện hình ảnh nam rapper đứng câu cá, mắt nhìn ra xa xăm, và đề thi Ngữ văn năm 2022 rơi vào tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Chính Đen Vâu cũng bối rối trước tên gọi “thánh đoán đề” của mình, anh chia sẻ, anh không cố ý đưa ra bất kỳ dự đoán nào về đề thi Ngữ văn, chỉ đơn thuần là sự trùng lặp hài hước, và bản thân anh cũng thấy thú vị với điều này.
Khi kỳ thi THPT 2023 đang đến rất gần, trước thời điểm Phương Mỹ Chi cho ra mắt MV lấy cảm hứng từ “Vợ nhặt”, Đen Vâu đã “chào hàng” với loạt tác phẩm Luôn yêu đời, Nấu ăn cho em... Hiện, 2 MV mới của nam rapper đều được mang ra mổ xẻ từng ca từ, phân cảnh để tìm ra sự ẩn giấu của đề Ngữ văn trong đó.
Văn học làm giàu giá trị cho âm nhạc
Sáng tác âm nhạc và dàn dựng MV lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học nổi tiếng đang trở thành trào lưu ở nhạc Việt.
Ca sĩ Đức Phúc lấy ý tưởng từ tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao để xây dựng kịch bản cho MV "Hết thương cạn nhớ", Bùi Lan Hương lấy cảm hứng từ chuyện “Mị Châu – Trọng Thủy” cho tác phẩm Mặt trăng, Chi Pu xây dựng kịch bản “Anh ơi ở lại” từ tác phẩm dân gian Tấm Cám, Hoàng Thùy Linh có “Bánh trôi nước” lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của “bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương, ca sĩ Jun Phạm cũng lấy ý tưởng từ trích đoạn “Hạnh phúc của một tang gia” từ Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng để xây dựng kịch bản cho MV "Đây là một bài hát vui"...
Việc đưa văn học vào âm nhạc đã giúp các tác phẩm nhạc Việt có thêm sức hút và lớp lang ý nghĩa. Hình ảnh những nhân vật nổi tiếng trong văn học khi được tái dựng lại trong MV âm nhạc với sức sống mới, như Mị ở “Để Mị nói cho mà nghe”, hay Cám ở “Anh ơi ở lại”... đã mang đến sự thú vị, vừa quen vừa lạ cho khán giả.
Khi sự sáng tạo được thực hiện chỉnh chu, nghiêm túc, có thể thấy văn học đã và đang giúp sức làm giàu giá trị hơn cho âm nhạc hiện đại.