Theo Hulu, ngày 14.7 tới, bộ phim "Victoria's Secret: Angels and Demons" sẽ lên sóng, mở ra thế giới bí ẩn phía sau đế chế nội y Victoria's Secret.
Những năm gần đây, loạt bê bối như phân biệt chủng tộc, quấy rối tình dục, bóc lột sức lao động khiến Victoria's Secret xuống dốc, khó khăn trong việc tái định vị thương hiệu.
Thế nhưng, nhìn lại thời kỳ đỉnh cao, thương hiệu này từng gây tiếng vang với những đêm diễn triệu đô có sức hút toàn cầu, chạm mức doanh thu 7,7 tỉ USD (177 nghìn tỉ đồng) vào giai đoạn 2010 - 2012.
Trước khi Victoria's Secret xuất hiện, "đồ lót sexy" là một khái niệm gần như không có trong nhận thức của người Mỹ. Câu chuyện của Victoria's Secret bắt đầu từ những năm 1970, khi Roy Raymond thành lập chuỗi cửa hàng kinh doanh đồ lót.
Đến năm 1982, công ty kiếm được hơn 4 triệu USD doanh thu hàng năm. Tuy nhiên, theo báo cáo, công ty gần như phá sản vào thời điểm đó.
Trước tình hình đó, “cha đẻ” của Victoria’s Secret đã bán thương hiệu cho Les Wexner - người sáng lập L Brand với giá 1 triệu USD.
Sau khi nắm giữ Victoria’s Secret, Les Wexner nghiên cứu và định hướng xây dựng một dòng nội y sang trọng, nóng bỏng nhưng giá cả hợp lý. Chiến lược này không chỉ thu hút khách hàng nữ mà còn đánh vào tâm lý của cánh đàn ông.
Đến đầu năm năm 1990, Victoria’s Secret trở thành nhà bán lẻ đồ lót lớn nhất ở Mỹ, với 350 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu đạt 1 tỉ USD. Đến năm 1995, thương hiệu nâng con số lợi nhuận lên 1,9 tỉ USD, cùng 670 chi nhánh khắp nước Mỹ.
Trong nhiều năm liền, Victoria's Secret giữ vững vị thế số 1 về thị phần.
Năm 1995, đêm diễn Victoria's Secret Fashion Show ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong ngành công nghiệp thời trang và đồ lót.
Những chiếc áo lót nạm đá quý, những đôi cánh khổng lồ và đôi chân dài nóng bỏng biến sàn diễn của Victoria's Secret thành một biểu tượng thành công rực rỡ của giới thời trang thế giới.
Năm 1997, khái niệm “thiên thần nội y” xuất hiện khi các người mẫu Helena Christensen, Karen Mulder, Daniela Peštová, Stephanie Seymour và Tyra Banks quảng bá cho bộ sưu tập đồ lót mang tên “Thiên thần”.
So với những người mẫu thông thường, các “thiên thần” được mang cánh lúc biểu diễn. Đôi cánh càng tinh xảo, càng lớn tức là "thiên thần" đó nóng bỏng, được nhãn hàng o bế, ưu ái.
Ngoài ra, một trong số các "thiên thần" sẽ được lựa chọn để mặc bộ “Fantasy Bra” - nội y được chế tác kỳ công, đắt đỏ.
Fantasy bra là niềm mơ ước của bất kỳ người mẫu nào trên thế giới. Suốt 2 thập kỉ, chỉ những người mẫu xuất sắc nhất mới có cơ hội khoác lên mình chiếc nội y đáng giá trong các show diễn của Victoria’s Secret.
Tính đến hiện tại, nội y giữ kỷ lục đắt nhất thế giới thuộc về chiếc “Red Hot Fantasy Bra” do Gisele Bündchen mặc trong show năm 2000, có giá trị 15 triệu USD với 1300 viên kim cương và đá ruby đính.
Năm 1999, chương trình lần đầu tiên được phát sóng trực tuyến. Tờ Times đã mô tả đây là "khoảnh khắc phá hủy internet của thời đại" sau khi 1,5 triệu người cùng truy cập và làm sập trang web.
Victoria's Secret's từng là huyền thoại của nền thời trang thế giới, đóng góp 1/3 thị phần trong thị trường nội y.
Giờ đây, kỉ nguyên của những thiên thần và đôi cánh đã khép lại. Thế nhưng, tờ Insider khẳng định, Victoria's Secret Fashion Show luôn là biểu tượng hoàng kim của đế chế nội y này.