Cuối chiều thật đẹp!

ĐỖ QUANG HẠNH |

Từ nơi rất xa, khi nghe tin Trịnh Tú trở bệnh, tôi biết phép lạ với anh, với chúng tôi giờ hầu như không bao giờ có nữa...

Bác sĩ Đào Thế Tân - từng giữ mục “Sức khoẻ” cho Báo Lao Động Cuối tuần - người mà Trịnh Tú thân từ thuở làm ở Bệnh viện Việt - Đức đã báo cho tôi rằng, theo ngôn ngữ ngành y thì với Tú chỉ còn tính theo tháng…

Khi ấy đã là đêm. Chiều đã tắt từ lâu, nhưng không rõ làm sao tôi lại nhớ đến bữa uống bia rất “khẽ” theo lối nói của Trịnh Tú lúc cuối chiều đầu đông năm 1997 ở quán cà phê phố cũ, sát ga đầu cầu Long Biên. Dù thời ấy đã ít chuyến tàu ngược xuôi phía Bắc, nhưng đôi lần vẫn nghe tiếng bánh xe lửa miết khan phía trên đầu…

Có lý do - dù hầu hết những lần chúng tôi gặp nhau, chẳng có lý do gì vẫn phải uống - hôm ấy chúng tôi vui vì Trịnh Tú lần đầu làm nghề minh hoạ, lại là cho Báo Lao Động Cuối tuần. Tôi cứ nghĩ, bức vẽ ấy cho truyện ngắn “Gánh chèo mảnh” in lại của nhà văn Võ Huy Tâm - cho đến mãi về sau, vẫn là minh hoạ đẹp nhất của Trịnh Tú. Anh vẽ có hồn, kỹ càng và điều làm tôi ngạc nhiên, là rất chèo, khác hẳn cái goût thưởng thức nghệ thuật vẻ như thiên về phương Tây của anh.

Ông chủ quán mặt lạnh, hơi u buồn như không cần đến khách, nhưng rất được khi mở cái băng cassette đã hơi nhão cho nghe ca khúc Pháp qua cái máy cũng lởm khởm, cũ mèm. Ca khúc Pháp chúng tôi nghe không phải là thứ nửa mùa lời Việt chêm lời Tây. Chẳng ở quán nào ở Hà Nội lại được nghe những “Paroles” với giọng Dalida trên nền lời đệm của Alain Delon, thì Tú xuýt xoa khi nghe bài “Les Feuilles mortes” với giọng trời cho Yves Montand. Những đám lá cứ rơi đầy trên hè phố, làm chúng tôi thêm nhớ một phần đời đã tắt…

Tôi được chơi với Trịnh Tú vào cuối những năm 1970, có lẽ là qua họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Cẩm chưa có tên tuổi gì, thân với Trịnh Tú và hay “làm nũng” ông anh.

Ngày ấy Tú đạp chiếc xe nam nhưng hơi nhỏ màu xanh lá cây suốt ngày lêu bêu trên phố. Hà Nội còn vắng vẻ và thật đẹp. Đối với Tú, không có bạn tính theo thâm niên, anh chơi với nhiều loại người. Tôi cứ nghĩ, ngoài tài hoa, Tú còn được trời cho khả năng đặc biệt về giao tiếp và không phải ngẫu nhiên mà bè bạn gọi yêu anh là Tú “mỏ đỏ”.

Trịnh Tú chơi với nhiều người trong giới văn nghệ. Đó là điều hiển nhiên vì anh là con của lão hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Hầu hết con cháu của cụ, hoặc theo đuổi nghệ thuật hoặc chí ít cũng yêu và dính dáng đến phần nào.

Cái thời chúng tôi sống không có nhiều niềm vui. Khi ấy đất nước chưa “mở cửa”, khó khăn, thiếu thốn đủ mọi đường nên lũ chúng tôi “mải chơi” vì chẳng còn biết làm gì khác. Thế rồi chỉ tìm nhau, mong có dăm chén rượu - dù là rượu đểu, rượu vớ vẩn mà giờ chúng tôi nghĩ lại còn thấy rùng mình…

Do mối quan hệ thân thiết với hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, bác sĩ Tôn Thất Tùng nhận anh làm giúp việc, nhưng đến năm 1982, ông đột ngột qua đời, Tú lập tức rời Việt - Đức. Chúng tôi rất tiếc nuối. Ngoài những gì anh học hỏi được ở bác sĩ Tôn Thất Tùng, Trịnh Tú có nhiều tình thân trong ngành y, vì vậy anh giúp được bạn bè khá nhiều khi ốm đau.

Những người gần gũi đều biết khi ra khỏi bệnh viện, Trịnh Tú khốn khó thế nào. Anh lại vừa chia tay “tập đầu”, con gái theo mẹ, anh về co ro một mình trong căn phòng như cấp 4. Hình như bạn bè có đặt thêm biệt danh là “Tú đói” từ ấy. Thật ra thì lũ chúng tôi cũng đói khổ có khi còn hơn anh, nhưng chí ít chúng tôi còn có gia đình, hầu hết vẫn đi làm nhà nước.

Tú chẳng có bằng cấp gì, vả lại thời ấy tìm việc không dễ. Thỉnh thoảng Tú được bạn kéo đi làm công trình có dính dáng ít nhiều đến mỹ thuật, nhưng cơ may ấy không nhiều. Từ sâu thẳm, chúng tôi thương Tú vì là con cái nhà vừa có tiếng vừa có của. Ngày bé, chưa đủ tuổi để “Tối rượu sâm - banh” nhưng “sáng sữa bò” (thơ Tú Xương) là chuyện thường ngày. Anh còn chỉ cho tôi nhà, xưởng và kể về trang trại cũ của gia đình, nói rằng hồi bé đi đến đâu cũng có “xe hơi nhà”.

Tú ăn uống sành điệu và nấu ăn không xoàng. Tôi còn nhớ khi nhà văn Bùi Ngọc Tấn về Hà Nội đến nhà tôi lấy sách của anh gửi, tôi có mời anh đến nhà một người bạn đã hẹn trước. Tôi kéo theo Trịnh Tú để làm món gà sốt cam. Bùi Ngọc Tấn sau này trong “Hậu chuyện kể năm 2000” có nhắc lại với lời cảm thán: “Chưa bao giờ mình được ăn món gà ngon như thế…”.

Có thể nói Tú sống vì bạn bè và cũng có phần sống được nhờ bè bạn. Ngay cả về sau này khi đời sống và hoàn cảnh của Tú đã khá hơn, hầu như trong mọi cuộc chơi Tú vẫn không phải, thậm chí là không được góp tiền, trả tiền. Điều đặc biệt là ở chỗ, sự có mặt của anh luôn là niềm vui không thể kể hết của bè bạn, đôi khi còn là món “nhắm” rất đáng yêu và cần thiết nữa...

Trịnh Tú có thể theo đuổi cuộc rượu, bữa bia cả ngày nhưng không uống phàm, luôn khẽ khàng, đôi khi chẹp miệng như thưởng trà và luôn vui vẻ, đón và đưa chuyện nhẹ nhàng, tinh tế và chút hài hước có duyên.

Tôi không rõ liệu tôi có nói hơi quá không, nhưng một góc độ nào đó, nhiều người trong chúng tôi thấy may mắn được gặp Tú trên kiếp người ngắn ngủi này. Với tôi, có thể còn hơn cả cơ may. Sau khi chính thức chuyển về Báo Lao Động, gần như chiều nào tôi cũng nhao từ toà soạn ở phố Hàng Bồ về sân 51 (51 Trần Hưng Đạo, Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam).

Ở đó tôi có nhiều đàn anh, bè bạn vong niên. Những cuối chiều như thế, tôi thường gặp Trịnh Tú. Anh đến đón vợ, làm nhân viên của Hội Nhạc sĩ mà anh đặt tên là “Thuý ngố” nhưng chẳng ngố chút nào, được nhiều người quý mến, là “tập 2” hạnh  phúc cho đời anh. Cả nhà anh chỉ có chiếc xe máy cũ, lúc ấy anh chưa có công ăn việc làm chính thức.

Năm 1997, tôi được giao phụ trách Ban Văn hoá và trực tiếp làm Thư ký toà soạn Lao Động Chủ nhật bộ mới. Tôi nghĩ đến Trịnh Tú và dọn đường cho anh đến Báo Lao Động bắt đầu từ làm minh hoạ, ký hoạ chân dung nhân vật cho các bài viết, anh còn thường xuyên tham gia vẽ tranh biếm với bút danh là Đốp.

Rồi sau đó, anh viết về triển lãm mỹ thuật, các hoạ sĩ, mỗi bài đều cẩn thận, đôi khi rất “nhọc nhằn” bởi phê bình mỹ thuật là thứ khó với dân trong nghề. Anh nâng niu, ân tình kể cả với các hoạ sĩ còn rất trẻ, những người chưa khẳng định được mình, chưa có phong cách riêng.

Cuộc đời Trịnh Tú như đã bước sang một giai đoạn mới, nhưng nhiều người còn tiếc cho Tú vì anh lười vẽ dù đó là tình yêu suốt cả đời mình.

Nhưng cuối cùng chỉ có thời gian mới là vị quan toà công tâm, người thầy đúng nhất. Khi “Đêm thôi đen và tóc mình đã bạc” (Mais la nuit n’est plus noire et j’ai les cheveux blanc), nhà thơ lớn của nước Pháp, Louis Aragon đã nói thế, và cũng đôi lần bệnh tật cảnh báo, Tú uống ngày càng khẽ hơn. Và điều đáng mừng nhất, sau khi về hưu, anh lập “xưởng vẽ” tại căn phòng nhỏ nhoi trên tầng 2 của mình.

Sự lao động nghệ thuật buổi cuối chiều của một đời ấy đã mang lại cho anh rất nhiều. Tú hoàn chỉnh hơn, sống có ý nghĩa nhiều hơn, mang lại niềm vui cho rất nhiều người thân quen, bè bạn. Trong khoảng thời gian không dài buổi cuối chiều ấy, Trịnh Tú đã làm được không ít, anh cặm cụi vẽ như để bù lại cho thời gian đã qua và quỹ thời gian phía trước còn ít ỏi.

Anh triển lãm tranh ở Hà Nội và Sài Gòn, bán được tranh và góp phần không nhỏ cho con gái Trịnh Cẩm Nhi tiếp bước anh. Cô bé có tư chất hội hoạ và có nhiều hy vọng sau khi được học từ Ý trở về.

Trịnh Tú đã có buổi cuối chiều của đời mình thật đẹp, nhưng chúng tôi tiếc nuối vì nó ngắn ngủi, “và chưa chi chiều đã tắt...” (thơ Salvatore Quasimodo). Đối với tôi, dù không còn bao giờ tìm lại được trọn vẹn cái cảm giác bữa uống bia một cuối chiều với Trịnh Tú ngày nào, khi nhìn theo và nghe tiếng “lá rụng”, ca từ của Jacques Prévert vẫn còn ám ảnh tôi: “Em muốn anh phải quên em như thế nào? Và bài em đã hát anh luôn còn nghe…”. Và như thế, thêm một lần nữa cho tôi nhớ đến người bạn vong niên Trịnh Tú của tôi...

(Tưởng nhớ hoạ sĩ Trịnh Tú) 

ĐỖ QUANG HẠNH
TIN LIÊN QUAN

Trịnh Tú đã bay về miền mây trắng…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI |

Thế là Trịnh Tú đã giã biệt cõi trần mênh mang của đời người và cũng là cõi riêng của Tú. Ai rồi cũng phải giã từ cõi trần và ai rồi cũng bay về miền mây trắng...

Họa sĩ Trịnh Tú qua đời ở tuổi 73

Hải Minh |

Sự ra đi của họa sĩ Trịnh Tú khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp thương tiếc. Theo thông tin từ gia đình, ông qua đời vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 10.8.

Đi khẽ thôi Trịnh Tú nhé!

Lê Thanh Phong |

"Khẽ" là chữ của Trịnh Tú. Nhớ có lần uống rượu lâu lắm rồi, Trịnh Tú nói với bạn bè: “Chúng ta già rồi. Uống khẽ thôi để còn nhiều quỹ thời gian rong chơi với đời”.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Trịnh Tú đã bay về miền mây trắng…

NGUYỄN THỊ MINH THÁI |

Thế là Trịnh Tú đã giã biệt cõi trần mênh mang của đời người và cũng là cõi riêng của Tú. Ai rồi cũng phải giã từ cõi trần và ai rồi cũng bay về miền mây trắng...

Họa sĩ Trịnh Tú qua đời ở tuổi 73

Hải Minh |

Sự ra đi của họa sĩ Trịnh Tú khiến người thân, bạn bè và đồng nghiệp thương tiếc. Theo thông tin từ gia đình, ông qua đời vào lúc 23 giờ 36 phút ngày 10.8.

Đi khẽ thôi Trịnh Tú nhé!

Lê Thanh Phong |

"Khẽ" là chữ của Trịnh Tú. Nhớ có lần uống rượu lâu lắm rồi, Trịnh Tú nói với bạn bè: “Chúng ta già rồi. Uống khẽ thôi để còn nhiều quỹ thời gian rong chơi với đời”.