Có một Đông Sơn - Hàm Rồng như thế ở xứ Thanh

Bùi Liên Nam |

Một chiều cuối thu, tôi xách máy ảnh lang thang vào làng cổ Đông Sơn. Làng cách trung tâm thành phố không xa lắm, nhưng may mắn thay, như nhiều làng quê nông thôn khác, Đông Sơn vẫn còn êm đềm lắm. Cạnh đó là Hàm Rồng với chiến công oanh liệt ngày nào...

Đông Sơn: Tên làng đại diện cho một nền văn hoá

Hóa ra, chỉ với mươi lăm phút đi xe máy, tôi đã được hít thở không khí trong lành của một làng quê yên ả ngay thành phố của mình.

Làng Đông Sơn là một địa chỉ du lịch. Nhưng có lẽ rất nhiều người mới chỉ biết làng Đông Sơn là nơi đầu tiên phát hiện trống đồng, di vật tiêu biểu của nền văn hóa rực rỡ thời kỳ cổ đại mà tên làng đã được chọn để đặt tên cho nền văn hóa ấy,: Văn hóa Đông Sơn. Mà ít ai biết rằng Đông Sơn còn nổi tiếng là một làng cổ. Cứ theo di vật, thì từ hàng nghìn năm trước, cư dân Lạc Việt đã quần tụ ở đây. Bằng chứng là ngoài di vật trống đồng như đã nói ở trên, chúng ta còn phát hiện rất nhiều di vật khác có niên đại tới ba ngàn năm. Cố nhiên, cái "cổ" của làng chưa hẳn được tính tới thâm niên như thế, nhưng chắc chắn rằng, làng Đông Sơn hôm nay và những người dân làng hiện hữu phải là hậu duệ của những cư dân đã có mặt ở đây cả nghìn năm trước.

 
 
Ngõ làng Đông Sơn. Ảnh: Bùi Liên Nam

Làng có nhiều ngõ xóm. Mỗi xóm có một cái cổng xây từ những thập niên thứ hai, thứ ba của thế kỷ trước, được đặt những cái tên chữ rất đẹp: ngõ Trí, ngõ Nhân... non thế kỷ nên trông cổ kính rêu phong lắm.

Tôi vào nhà ông Dương Đình Tường. Không quen biết trước, chỉ vào ngẫu nhiên vì đi ngoài đường thấy hai ông bà đang ngồi uống nước, nên vào chơi. Hóa ra, bà Tường chính là em họ ông Nguyễn Văn Nắm, người đã phát hiện được trống đồng quý báu gần trăm năm trước ở làng này. Trong câu chuyện, ông Tường cho biết: Viện khảo cổ và bảo tàng tỉnh về đây khai quật khoa học đã thu được rất nhiều hiện vật quý, hố khai quật hiện đã được làm mái che, xây tường bảo vệ phục vụ tham quan nghiên cứu.

Theo mách dẫn của ông Tường, tôi đến thăm hố khai quật. Hố khai quật nằm ở giữa làng. Tôi chép vội vào sổ tay lời giới thiệu trên bảng treo cạnh hố khai quật: "Cho đến nay tại làng Đông Sơn đã qua 7 lần khai quật khoa học. Kết quả nghiên cứu và những sưu tập hiện vật độc đáo thu nhận được tại đây là một đóng góp to lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển, sức sáng tạo vĩ đại của người Việt cổ.

Đặc biệt đợt khai quật thứ 7 (2003) tại đây với hàng ngàn hiện vật và 5 tầng văn hóa phát lộ đã minh chứng cho sự phát triển liên tục của cộng đồng người Việt trên đất Đông Sơn, từ trước Văn hóa Đông Sơn cho đến ngày nay".

Hàm Rồng: Từ ngọn núi thiêng đến chiến tích oai hùng

Lâu nay, mỗi khi nhắc đến khu thắng tích Hàm Rồng, ai cũng cho rằng có nghĩa nó đã bao gồm cả làng Đông Sơn rồi, mặc dù chẳng có quy ước nào như thế cả. Quả thực, theo tôi, cái tên Đông Sơn nó đồ sộ quá, lớn lao quá, nên chăng để cho nó đứng ngang với hai chữ Hàm Rồng, tất nhiên thêm cho nó một cái dấu gạch ngang, để thành một cụm từ. Được thế, tin rằng mai mốt tới đây cụm danh từ ấy sẽ luôn luôn được khoanh một khoanh đỏ trong bản đồ du lịch của du khách gần xa.

Làng Đông Sơn còn có một quần thể các di tích có thể hấp dẫn du khách như đền thờ Trần Khát Chân - Lê Uy, động Tiên Sơn...

 
Hai chữ "Quyết Thắng" thể hiện ý chí quyết tâm của người Thanh Hoá trên núi Cánh Tiên, Hàm Rồng.

Hàm Rồng vốn là tên riêng của ngọn núi hình đầu rồng với cái thân uốn lượn như một con rồng từ làng Giàng theo dòng sông Mã bên phía bờ nam. Trên núi Rồng còn có động Long Quang có hang ăn thông sang bên kia như hai mắt rồng. Truyền thuyết kể rằng, con rồng đang vờn hạt ngọc ở phía bên kia sông, bỗng bị trúng mũi tên độc vào mắt phải, nên gục ở bên sông. Mắt phải có lỗ ăn thông lên trên, mùa mưa nước chảy xuống màu đỏ, ấy là nước mắt rồng. Hàm dưới ngập trong nước như đang hút nước, nên có tên chữ là Long Hạm.

Trong "An Nam chí nguyện" của Cao Trùng Hưng, có ghi "Non cao mà đẹp, liền với sông xanh, lên trên trông xuống, nước với trời một vẻ lẫn nhau, thực là một giai cảnh vậy". Sách Minh Trí nói về danh sơn kể tất cả hai mươi mốt ngọn, trong đó có núi Hàm Rồng được tôn "Đệ nhất là Long Đại".

Sông Mã mùa này nước cạn, những ngấn nước bên vách đá chứng tỏ lòng sông đã thấp xuống nhiều. Dòng nước vẫn lững lờ trôi, đôi chỗ nước xoáy ngầu bọt phù du, có lẽ chỗ đó có vực đá. Đang mùa khô, hang Mắt Rồng không có nước rỏ xuống. Có thể, đã từ lâu lắm rồi, Rồng không khóc nữa.

Thế kỷ hai mươi vừa qua, hàng ngàn tấn bom tấn đạn từ trời tây xa tít, thình lình trút xuống đầu rồng, lưng rồng mà rồng vẫn hiên ngang nữa là... Tôi men theo lối cửa hang thông qua bên kia, đây đó vương vãi vỏ bao thuốc lá, giấy gói kẹo, vỏ hộp nước giải khát... tình trạng của những điểm du lịch thiếu sự chăm sóc.

Bên kia sông là núi Ngọc, tên chữ là Hỏa Châu Phong, hay còn gọi là núi Nít. "Chín mươi chín ngọn bên Đông / Còn hòn núi Nít sang sông chưa về. Chín mươi chín ngọn đề huề / Còn hòn núi Nít chưa về bên Đông".

Ngọn núi này tròn trặn, các lớp đá chen dày tua tủa như những ngọn lửa từ trong lòng đất bốc lên, bởi vậy mà có tên gọi là Hỏa Châu Phong.

Chung quanh núi Hàm Rồng còn có nhiều ngọn núi trông rất ngoạn mục như Ngũ Hoa Phong có hình năm đóa hoa sen chung một gốc mọc lên từ đầm lầy. Có hang Tiên với các nhũ đá mang nhiều vẻ kỳ thú, có ngọn Phù Thi Sơn trông xa như một người đàn bà thắt trên mình một dải lụa xanh nằm gối đầu vào thân rồng. Rồi núi Mẹ, núi Con như hình hai quả trứng, có núi Tả Ao, vũng Sao Sa có nước trong vắt quanh năm. Rồi núi Con Mèo, núi Cánh Tiên... đều có hình thù kỳ thú như tên gọi.

Với cảnh trí nên thơ như vậy, Hàm Rồng là nơi dừng chân của nhiều tao nhân, mặc khách: Lý Thường Kiệt, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Ngô Thì Sỹ, Vương Duy Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Tản Đà... Ở động Long Quang vẫn còn một số bài thơ khắc trên vách đá của các danh sỹ. Một lần du thuyền trên sông Hàm Rồng, Nguyễn Trãi đã viết những vần thơ tuyệt mỹ.

Cầu Hàm Rồng nhìn từ hang động. Ảnh: Bùi Liên Nam
Cầu Hàm Rồng nhìn từ hang động. Ảnh: Bùi Liên Nam

Hàm Rồng không chỉ là danh thắng, mà còn là nơi ghi nhiều chiến tích oai hùng. Thế kỷ 13, Chu Nguyên Lương đã hưởng ứng khí thế Diên Hồng, chiêu tập dân làng và học trò của mình thành đội quân, lập nên chiến công oanh liệt ở Vạn Kiếp. Cuối thế kỷ 14, Nguyễn Đa Phương, một danh tướng nhà Hồ đã nhấn xác quân Chiêm Thành xâm lược xuống lòng sông sâu. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến gian nan và oanh liệt chống ngoại xâm ở thế kỷ hai mươi, quân và dân Hàm Rồng đã đương đầu với 1.096 trận oanh tạc của không quân Mỹ với 71.600 tấn bom, đạn, tính bình quân mỗi người dân ở khu vực này phải chịu 5 tấn bom đạn. 116 máy bay Mỹ đã phải đền cho cái giá chịu đựng ấy, mặc dù là vô giá.

Những năm còn chiến tranh, một lần các bạn Cu Ba đến thăm Hàm Rồng, đã nhận xét "Nếu ở đây không có pháo thì đúng là một công viên". Đông Sơn - Hàm Rồng hôm nay đúng là một đại công viên, một lâm viên hoành tráng. Tôi còn nhớ, hồi chiến tranh mới kết thúc, Hàm Rồng bừa bộn hoang tàn lắm. Những sườn đồi trơ trọi xác xơ, chi chít những hố bom lở loét, hố nọ đè lên hố kia, không một bóng cây xanh, không một bóng chim chóc. Buổi trưa đi qua đây vắng lặng đến rợn người. Thế mà qua mấy chục năm, những người đi xa trở về hẳn sẽ không hình dung nổi trước màu xanh ngút ngát, phố xá sầm uất hôm nay.

*

Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng đã hình thành và đang được khẩn trương hoàn thiện. Đền thờ Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sỹ, Quảng trường Hàm Rồng, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng, Thiền viện Trúc lâm Hàm Rồng, Di tích đồi C4, hồ Kim Quy… là những công trình trọng điểm.

 
Thiền viện Trúc Lâm trên danh thắng Hàm Rồng. Ảnh: Liên Nam

Tỉnh Thanh Hoá và Thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng Hàm Rồng thành khu du lịch văn hóa hiện đại, hấp dẫn nhưng thân thiện với môi trường. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, các công trình đường điện cao thế, hạ thế, cấp nước... Hy vọng, mai mốt, những cái tên làng cổ Đông Sơn, khu du lịch Hồ Kim Quy, danh thắng Hàm Rồng - động Long Quang, núi Ngọc, những di tích đồi C4, Nhà máy điện... sẽ là lời mời gọi, là dấu khuyên đỏ trong tua du lịch của du khách gần xa.

Bùi Liên Nam
TIN LIÊN QUAN

Bài 2: Đánh thức tiềm năng để hội nhập, phát triển

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh có 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú từ bao đời đoàn kết bên nhau cùng chung sống, bức khảm tộc người đó ở tỉnh Thanh làm phong phú thêm sắc màu cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sự độc đáo của văn hoá xứ Thanh

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hoá, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Ít có nơi nào như Thanh Hoá, vừa có đầy đủ các hình thái địa – văn hoá, vừa chứa đựng trong đó những thành tố văn hoá đa dạng, đặc sắc.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

Bài 2: Đánh thức tiềm năng để hội nhập, phát triển

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh có 7 dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú từ bao đời đoàn kết bên nhau cùng chung sống, bức khảm tộc người đó ở tỉnh Thanh làm phong phú thêm sắc màu cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Sự độc đáo của văn hoá xứ Thanh

Hoàng Minh Tường |

Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hoá, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Ít có nơi nào như Thanh Hoá, vừa có đầy đủ các hình thái địa – văn hoá, vừa chứa đựng trong đó những thành tố văn hoá đa dạng, đặc sắc.