Blackfishing còn bị coi là một dạng thức chiếm đoạt văn hóa - cố tình sao chép văn hóa của người khác nhưng lại chưa hiểu hoặc chưa tôn trọng văn hóa của họ. Trong khi người có hành động blackfishing đang tự đánh mất bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình.
Chuyện “blackfishing” của hai người phụ nữ trên còn phải kiểm chứng khi hình ảnh trên mạng và hình ảnh ngoài đời thường khác nhau và nhiều khi chênh nhau khá rõ rệt. Và đó có lẽ chỉ là sự tôn vinh một vẻ đẹp khỏe khoắn, sexy hơn là một chủ ý để châm biếm. Dẫu sao, thái độ cảnh tỉnh, chống sự lai căng để bảo vệ bản sắc văn hóa là không thừa.
Xưa, các cụ ta có câu “Chửi cha không bằng pha tiếng”, để chỉ những người giả tiếng của một ngôn ngữ vùng miền nào đó như một sự giễu nhại mà không sử dụng phương ngữ của vùng miền mình. Và hiện tượng này không chỉ xuất hiện trong nhiều cuộc vui trà dư tửu hậu mà còn ở trong một số băng đĩa hài của hải ngoại và trong nước nhiều khi phát trên những chuyến xe ôtô đường dài cho khách nghe. Ở đây còn câu chuyện không ít người ở một số tỉnh xa ra sống và làm việc ở các thành phố lớn đã tự động bắt chước giọng người địa phương để khỏi bị cô lập và chỉ khi họ tụ lại với nhau theo các nhóm đồng hương thì mới nói tiếng của vùng miền sinh ra. May mắn là hiện tượng trên ngày càng giảm đi khi yếu tố mặc cảm, tự ti ngày càng mất đi trong những thành phố “đa vùng miền” và chính làn sóng nhập cư đã tạo nên sức sống cho thành phố. Và chính sự riêng biệt trong cách biểu đạt ngôn ngữ của từng vùng miền đã tạo ra sự phong phú, đa dạng của ngôn ngữ tiếng Việt…
Câu chuyện về sự chiếm dụng văn hóa bản địa hay tự nguyện để mình bị chiếm dụng bởi văn hóa bản địa nhiều khi còn ở mức độ rất tinh vi, khó nhận biết nếu như mỗi cá nhân không trang bị, bồi đắp cho mình một nền tảng văn hóa với những hiểu biết về giá trị, lịch sử văn hóa.