Du lịch nội địa bùng nổ
Đánh giá lượng khách đặt tour dịp nghỉ lễ năm nay rất tích cực, anh Nguyễn Công Hoan - Giám đốc Công ty Du lịch Redtour cho rằng xu hướng của khách hàng đã có sự dịch chuyển lớn sau dịch COVID-19. Nếu như trước đây, dịp nghỉ lễ lớn như Giỗ Tổ Hùng Vương, 30.4 - 1.5, du khách thường sẽ đi theo từng đoàn, nhóm gia đình nhưng năm nay khách thường chọn tour tự đi phương tiện cá nhân nhiều hơn.
Anh Nguyễn Công Hoan chia sẻ: "Nghỉ lễ dài ngày, nhiều người dân thường có nhu cầu đi tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện các khu nghỉ dưỡng như ở Đại Lải, Cát Bà của công ty đã kín lịch và khách hàng ở đây thường chọn gói nghỉ dưỡng dài ngày để hạn chế di chuyển nhiều. Nhu cầu khách hàng tăng cao nên nhiều công ty du lịch, lữ hành ở thời điểm này cũng đang phải chạy đua, tuyển nhiều nhân viên maketing online, nhân viên sale, chăm sóc khách hàng, tổ chức sự kiện"...
Lượng khách hàng đặt tour tăng đột biến, chị Đoàn Thị Thanh Trà - Giám đốc Tiếp thị Truyền thông lữ hành Công ty Saigontourist cũng thông tin, chỉ tính riêng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, công ty của chị đã nhận khoảng 8.000 khách hàng và đang chuẩn bị chốt sổ. Theo chị Trà, việc tổ chức hội chợ VITM Hà Nội 2022 mới đây đã góp phần tiếp đà cho các doanh nghiệp du lịch từng bước hồi phục. Khách hàng năm nay thường có xu hướng đặt tour rất sớm, chọn những gói combo, săn voucher kích cầu du lịch có mức giá ưu đãi. Đáng chú ý, kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, lượng khách đặt tour ở Saigontourist hiện tại đã lên tới con số 14.000 người, thực sự "cháy" tour và nằm ngoài sự mong đợi của doanh nghiệp.
Những xu hướng du lịch mới
Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), 80% lượng khách du lịch đặt phòng và dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi đã ngắn hơn nhiều so với con số trung bình 36 ngày ở thời điểm năm 2019. Xu hướng "staycation" (du lịch tại chỗ) được ưa chuộng trong năm 2021 và hứa hẹn sẽ tiếp tục phổ biến trong năm 2022. Đối với các chuyến đi đến các điểm đến xa, du khách có xu hướng lựa chọn ít điểm đến hơn trong một chuyến đi và thời gian lưu trú cũng dài hơn trong một điểm đến.
Thời gian qua, nhiều ứng dụng, công nghệ thông tin cũng đã được ứng dụng hiệu quả để quảng bá và bán các sản phẩm du lịch, góp phần tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến như công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR). Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, các công nghệ này đã được nhiều doanh nghiệp du lịch sử dụng để thúc đẩy nhu cầu và bán các sản phẩm trực tuyến.
Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022, Diễn đàn Du lịch Việt Nam với chủ đề "Phục hồi du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới", Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cũng đã phân tích rất kỹ về những xu hướng du lịch trên thế giới. Qua đó, Việt Nam sẽ có thêm nhiều thông tin để định hướng và xây dựng những sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng và thị trường du lịch.
Về sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, năm 2022 có xu hướng tăng lên về nhu cầu sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhu cầu về du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, nhu cầu về phục hồi sức khỏe và du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch chữa bệnh sẽ tăng lên đáng kể trong năm 2022 và những năm tiếp theo sau dịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt cũng tăng lên đáng kể sau dịch COVID-19. Xu hướng đi du lịch ở các địa điểm gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là sự lựa chọn an toàn của nhiều khách du lịch trong năm 2022.