Cần một sàn đấu giá cổ vật do Nhà nước “cầm cương”

Huy Minh |

Chuyên gia sưu tầm, giám định của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Ngọc Chất nói với tôi: “Thị trường cổ vật nửa kín đáo nửa công khai, không biết thế nào. Những cổ vật có hiện trạng tốt, thể khối lớn, giá trị cao thì thường bán trao tay, đa số là mua bán ngầm, rất khó tiếp cận. Không biết cổ vật đi đâu về đâu, nếu tư nhân không công bố thì mình chịu”.

Bài trước:  - Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Mua đuổi – bán đuổi

- Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Người chơi đồ cổ mộ và người chơi đồ truyền thừa

12. Từ năm 2005 trở lại đây, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã tiến hành sưu tầm qua hình thức mua của dân, tuy nhiên số lượng không nhiều, một phần vì ngân sách hạn hẹp, phần vì giá cổ vật ngày một cao, rất khó tiếp cận. Ngân sách được cấp từ 2005 - 2018 để đi mua cổ vật trong dân tính tổng chỉ khoảng hơn 20 tỉ. Nguyễn Ngọc Chất cho rằng, với số tiền này, hiện giờ không mua nổi một cái trống đồng Đông Sơn hạng nhất. Vào cuối năm 2006, Bảo tàng đã sưu tầm được một trống đồng loại I theo phân loại của Heger. Theo các chủ nhân cũ, trống được phát hiện trong lòng đất khu vực sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân - Thanh Hóa). Trống có đường kính mặt từ 116cm - 116,5cm, cao 86cm, là chiếc trống có kích thước lớn nhất hiện được biết đến ở Việt Nam. Hoa văn trang trí có nhiều nét tương đồng với các trống Ngọc Lũ, Hữu Chung và Hy Cương hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử. Chiếc trống được đặt tên là Sao Vàng - nơi phát hiện ra nó - một cái tên rất đẹp và giàu ý nghĩa.

Nguyễn Ngọc Chất là người tham gia toàn bộ quá trình đàm phán mua trống Sao Vàng. Anh kể: “Sao Vàng có hoa văn đầy đủ, gần như lành, đang bị giới cổ vật tranh nhau. Mình là người nhà nước nên phải đàng hoàng, vừa mặc cả vừa vận động người dân. Hội đồng cho giá khung xong, chúng tôi mặc cả liên tục. Dân đòi 2,5 tỉ, mặc cả xuống còn hơn 1,8 tỉ, khoảng 100 ngàn đô hồi ấy. Bảo tàng mua xong thì bị người trong giới đồ cổ tung tin là đồ giả, kiểu không ăn được thì đạp đổ. Có chuyên gia giàu kinh nghiệm ở Bảo tàng nói rằng: “Ông nào làm giả được trống như thế này thì để tôi rước ảnh về thờ!”. Bảo tàng mua xong thì nhiều nước muốn trưng bày. Hàn Quốc đặt giá bảo hiểm 2 triệu đô sau hơn 1 năm đưa về Bảo tàng Lịch sử. Họ còn giám định Sao Vàng bằng quét X quang. Năm 2013-2014 được đưa sang Đức, bảo hiểm đã gần 5 triệu đô. Sao Vàng mua 100 ngàn đô giờ không thể có giá dưới 1 triệu đô trên thị trường tự do được!”.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Chất trò chuyện với Lao Động. Ảnh: Huy Minh
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Chất trò chuyện với Lao Động. Ảnh: Huy Minh
Các chuyên gia khảo cổ học của BTLSQG nghiên cứu trống Sao Vàng. Ảnh tư liệu của BTLSQG
Các chuyên gia khảo cổ học của BTLSQG nghiên cứu trống Sao Vàng. Ảnh tư liệu của BTLSQG
Phân tích thành phần hợp kim của trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: BTLSQG cung cấp
Phân tích thành phần hợp kim của trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh: BTLSQG cung cấp

Trong nước, theo anh chơi nhiều hiện nay với đồ Đông Sơn là trống, thạp, tượng động vật và rìu, dao có hoa văn đẹp; gốm thời Lý - Trần là men ngọc, trắng, lục hoặc nâu, đồ gốm hoa lam thời Lê, sau khi phát hiện tàu cổ Cù Lao Chàm thì thị hiếu có giảm, nhưng vẫn rất đắt. Cổ vật Champa thì Tây đã chuộng từ xưa, càng ngày càng hiếm. Đồ ngọc tuy không nhiều người chơi nhưng cũng đang bị thổi giá và lẫn lộn thật – giả nhiều. Rìu Đông Sơn có hoa văn người và động vật, giờ cũng 150 - 200 triệu. Khoảng năm 2007 – 2010, một cái ấm quả dưa thời Trần “lành - đẹp - perfect” khoảng 25-30 triệu, giờ không dưới 300 triệu. 10 năm qua, cổ vật đắt gấp 10 lần và càng ngày càng hiếm.

Không phải cổ vật cái gì cũng lên giá, nhưng có những thứ lên giá ở mức độ không tưởng, như đồ sứ ký kiểu Việt Nam đặt hàng Trung Quốc làm từ thế kỷ XVII đến đầu XX. Nhiều món giờ có giá đắt gấp hàng trăm lần so với trước đây; những chiếc bát thời chúa Trịnh – Nguyễn có hiệu đề “Khánh Xuân Thị Tả” hay “Nội Phủ Thị Trung” thì giá ngang ngửa với trống đồng Đông Sơn loại lớn. Vì giá như thế nên đồ giả ngày càng nhiều. Bởi lợi quá lớn. Giả trên mọi chất liệu.

Anh Chất hỏi tôi đã xem các phiên đấu giá cổ vật ở nước ngoài chưa? Người ta đưa ra thông tin về bảo vật trước 2 tuần đến 1 tháng rồi mới đấu giá. Mình thì trong thời gian ấy có muốn mua cũng còn chưa xin xong thủ tục. Gần đây nổi bật nhất là phiên đấu giá thường kỳ của nhà Balclis (21h00 ngày 28.10.2021) ở Tây Ban Nha, có chiếc mũ quan Nhất phẩm triều Nguyễn. Mức giá khởi điểm chỉ 600EUR nhưng khi đấu giá thành công thì mức giá đã lên đến 600.000EUR (khoảng hơn 20 tỉ đồng, cả thuế và phí), cao gấp 1.000 lần so với giá khởi điểm. Còn trong nước hiện nay, các sàn đấu giá cổ vật tư nhân chỉ mới manh nha. Sự minh bạch của thị trường cổ vật là chưa có!

13. “Tôi chưa từng kể chuyện này với ai, anh là người duy nhất” – Giáo sư Trịnh Sinh nói. Và ông kể thong thả, tỉ mỉ, ngõ hầu giúp tôi nhìn thấy đường đi lối lại trong thị trường cổ vật mờ sương. Ở lãnh địa này, có những gương mặt, những cái tên mà đã quan tâm tới đồ cổ ở tầm đỉnh cao là phải biết.

Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Khoa Lịch sử, ra trường năm 1971, có duyên với khảo cổ học, mỹ thuật, văn hóa và sử học, đến nay đã hơn 50 năm lăn lộn. Ông yêu cổ vật, đã viết rất nhiều bài về văn hóa Đông Sơn, về văn hóa Sa Huỳnh, về Mỹ thuật. Cổ vật là những thứ rất đẹp, giờ không làm lại được. Kỹ thuật làm nên nó của người xưa đã thất truyền. Giờ làm được 70% như các cụ, về chất lượng cũng không thể. Cổ vật là tài khéo của các cụ ta xưa, nhưng những kinh nghiệm ấy đã không còn nữa, đến giờ các nhà khảo cổ học vẫn lần mò. Cổ vật ngày càng có giá trị, không làm lại được và nếu làm lại được thì lại không phải là đồ cổ.

Làng Chè (Trà Đông) Thanh Hóa nay cả làng đúc trống đồng nhưng không ai đạt trình độ đúc trống đẹp như Ngọc Lũ. Nó phải không có vết, hoa văn mỏng như sợi tóc, không rỗ, không nứt khuôn. Nếu bây giờ người ta đúc ly tâm phân cực, có thể nét tới từng sợi tóc, nhưng vẫn không thể nào bằng người xưa đúc trống thủ công. Và nếu là đồ công nghiệp thì chỉ có nguyên liệu và công sức, quãng chục triệu một cái trống đồng đúc mới, so sao được với vài chục tỷ đồng một cái trống đồng cổ? Tiền tỷ nó khác, đòi hỏi tay nghề cực kỳ cao và quan trọng nhất là phải... thực sự cổ.

Người ta có thể làm giả cổ. Giả thì trông nhang nhác như thế, đẹp như thế, nhưng vẫn không được như thế, dù đã làm đủ mọi cách. Làm giả chỉ để đi lừa người khác thôi! Nhiều nơi làm giả cổ vật, đầy thị trường. Khoảng hai ba chục năm trước, CAHN đã nhờ ông giám định trống đồng thật hay giả, ông chỉ biết đánh giá đồ, còn các vụ án ấy cụ thể thế nào thì không rõ.

Ông có 10 tiêu chí cho đồ đồng, chỉ sai 1 là “ăn đòn đủ”. Chẳng hạn: Chất làm nên đồ cổ. Cái gì đi kèm theo đồng cổ, li ti bằng ngón tay? Là chất vi lượng các cụ ta xưa gẩy vào. Trống đồng cổ có đồng – chì – thiếc và vi chất. Làm sao nghệ nhân làng Chè hay người đời nay biết được?! Hoặc: 100 năm trở lại đây mới có các chất mới như kẽm, nhôm. Một cái trống mà có lẫn những chất mới vào thì tin làm sao là đồ cổ được? Giám định chỉ có một trong hai nghiệm: Một là thật, hai là giả. “Tiếp đó là hình dáng, hoa văn, kỹ thuật đúc… anh biết sơ sơ thế thôi không có lại thành nhà khảo cổ học”, Giáo sư cười.

Đây là những kinh nghiệm đúc rút của cuộc đời Giáo sư, không có sách vở nào dạy. Ông từng dạy 2 điểm/10 điểm kinh nghiệm này ở Đại học Văn hóa, sau đó bị người làm đồ giả bắt chước. Buổi giảng ấy toàn người có tuổi ghi chép, ghi âm rất đầy đủ. Ông nói về hệ thống con kê và để phân tích thành phần hợp kim đồ đồng thì cứ phải dùi vào đồ một cái. Một tháng sau thị trường đã có đồ mới giả cổ vô hiệu hóa 2 điểm kinh nghiệm này. Họ xay nhuyễn cả đồ cổ đã gãy vỡ để đúc thành đồ mới; họ còn tạo nên hệ thống con kê y như ông nói. Kể từ đó, ông không bao giờ tiết lộ gì thêm về kinh nghiệm giám định.

14. “Cả đời tôi vô vàn chuyện chưa bao giờ kể với ai. Trong giới đồ cổ này ông nào cũng lắm chuyện cả, nhưng không ai nói vì còn liên quan tới cơm áo gạo tiền. Bán cả biệt thự đi mua đồ cổ là chuyện thường. Nhà đào được cái trống tự nhiên đem kể ra vanh vách để làm gì nào? Thế nó mới mờ tỏ tỏ. Cổ vật là chuyện những phóng viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ lần ra được. Ai chơi cổ vật cũng có rất nhiều tâm sự nhưng nhiều người im hơi lặng tiếng, ai cũng sợ bị hở sườn. Thế giới cổ vật này mờ mờ tỏ tỏ như bức màn sương, chứa nhiều số phận và nhiều bí mật. Nhưng công bố những chuyện này có lợi cho cộng đồng và xã hội”, Giáo sư nhận xét.

Nhiều người chơi cổ vật say mê, thậm chí có những người có phần mê muội, có phần thái quá. Nhưng kinh nghiệm của họ thường là nghiệp dư. Cỡ có đủ kinh nghiệm thì phải học hành bài bản, học từ đầu chí cuối, đi đông đi tây… Trong những kiến thức này, kiến thức về trống đồng là sâu nhất, khó nhất, không phải dạng phổ cập. Thành ra chuyên gia về nó cực kỳ ít. Giám định một cái trống đồng bằng tất cả phương tiện khoa học kỹ thuật cũng không bằng kinh nghiệm của con người.

“Mỹ mời tôi sang giao lưu khoa học, dù họ chẳng thiếu gì máy móc. Tôi chỉ cái này của Việt Nam, cái này của Campuchia… Họ bắt tay tôi rất trọng thị, phát cho tờ séc thích đi đâu thì đi, đủ “ngao du” các Bảo tàng bên ấy 1 năm.

Đời tôi đã thấy rất nhiều đồ giả, và tiếp xúc với đồ giả cổ là chủ yếu. Có những cái trống nhìn là choáng, nhưng xem kỹ thì không phải. Người mua bị mắc lỡm hơi bị sâu. Giả lại cho người bán không được. Đau! Tôi gặp những người như thế nhiều lắm. 100 ngàn đô một cái trống rởm, tôi vừa gặp cách đây mấy tháng. Dạo này tôi đi giám định nhiều, bận kinh khủng. Không phải niên đại càng sâu càng có giá mà là: Của độc - mỹ thuật - nguyên lành. Có cái tuổi đời cả vạn năm cũng không giá trị gì về kinh tế, vì vỡ mẻ”.

15. Tự nhiên thi thoảng ông được thấy đồ thật nên đã rất xúc động. Gần đây có cái trống cực quý, mà 100% người đến xem đều bảo là đồ giả. Hội đồng di sản quốc gia 28 người bảo cái này để lại tạm thời chưa xem xét. Chủ nhân của nó rất đau đầu, đi tìm chuyên gia hàng đầu về giám định. Ban đầu ông cũng không tin là trống thật. Nhưng sau khi xem xét kỹ, ông xác định – đây là Báu vật. Giám định trong vòng 24 tiếng, kể cả làm báo cáo, ký tá giấy trắng mực đen. Ông nói là trống thật thì rất nhiều người đến xem lại, soi từng sợi tóc, dùng kinh nghiệm cả đời của họ để phân tích. Khi thấy chứng cứ của ông, họ không phản biện gì thêm nữa. Bốn phương phẳng lặng.

Giáo sư Trịnh Sinh và trống đồng Kính Hoa - Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.
Giáo sư Trịnh Sinh và trống đồng Kính Hoa - Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân.
Dấu vết của vải trên trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Dấu vết của vải trên trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Hoa văn con sam và thú bốn chân trên trống đồng Kính Hoa. Ảnh NVCC
Hoa văn con sam và thú bốn chân trên trống đồng Kính Hoa. Ảnh NVCC
Hoa văn hình chữ S và chim bay trên mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Hoa văn hình chữ S và chim bay trên mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Hoa văn giữa mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Hoa văn giữa mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Bản dập hoa văn hình người múa và chim bay trên trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Bản dập hoa văn hình người múa và chim bay trên trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Bản vẽ mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Bản vẽ mặt trống Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu trống đồng Kính Hoa. Ảnh: NVCC

Khỏi phải nói chủ nhân của chiếc trống đồng vui đến mức nào. Ông đã viết chung một cuốn sách về chiếc trống ấy và đã xuất bản. Làm cuốn thứ nhất rồi lại tái bản thành cuốn thứ hai, có bổ sung nhiều tư liệu. Và chiếc trống ấy đã trở thành Bảo vật Quốc gia đầu tiên thuộc sở hữu tư nhân – trống Kính Hoa.

“Giới đồ cổ có rất nhiều sân chơi – anh vào sân nào? Thượng thặng nhất là sân nào? Xịn nhất trong thế giới đồ cổ vẫn là trống đồng. Trống đồng là số 1. Sau đó đến đồ gốm quý thời Lý - Trần và đồ đá ngọc cách đây mấy ngàn năm. Chơi đồ cổ đến tầm trống đồng mới là thượng thặng.

Nguyên tắc giám định là phải nói thật. Người ta có đồ thật mà bảo đồ rởm là bị đốt nhà, và ngược lại, đồ rởm mà bảo là đồ thật thì cũng bị như thế. Có những vụ tôi không dám vào, vì cả người mua người bán đều gớm mặt cả, họ chỉ cần có kết luận giám định là “xông vào” nhau ngay, có khi người giám định còn bị vạ lây. Tôi chưa từng bị tai tiếng. Nghề này bị một vụ là toi ngay. Nó đòi hỏi kiến thức phải thượng thừa, chắc chắn. Tiền đi mua cổ vật là mồ hôi nước mắt của người ta, mình để người ta đi vào đường sai lầm là chết. Làm hại tiền của người ta là làm hại người ta. Nhưng dù cái tâm mình không bịp bợm người ta, nếu kiến thức không thượng thừa thì mình cũng chết. Nếu mình sai thì mất cả thanh danh lẫn sự nghiệp, còn người ta chỉ mất tiền. Khi giám định, chủ nhân của trống Kính Hoa, doanh nhân Nguyễn Văn Kính, 5 lần nói trước mặt tôi: Anh phải giám định cẩn thận nhé, vì nếu sai thì tôi bị mất tiền còn anh thì sẽ mất hết uy tín”, ông kể.

Thị trường cổ vật sẽ ngày càng sôi động. Ông dự cảm sau đại dịch COVID-19 sẽ lên khá cao, trong “tốp” đứng sau bất động sản. Trong kinh tế có những ngành giá trị rất cao nhưng lại mờ mờ tỏ tỏ. Mua bán đồ cổ – nhà nước không có cách nào kiểm soát được; mua bán toàn biết riêng với nhau, tiền to; trao tay lãi liền dăm tỷ mà không ai phải nộp thuế 1 đồng. Không có cuộc mua bán nào nhà nước thu được thuế.

Thị trường đồ cổ thế giới là một trong những thị trường quan trọng nhất, dành cho những người có tiền. Giá cao khủng khiếp. “Khi mở sàn, nhà nước phải “cầm cương” được. Khi ấy không còn nhức nhối chuyện thật - giả nữa. Vật đưa lên sàn đấu giá hiển nhiên phải là cổ. Nó có chức năng hoài niệm, cổ và độc bản, thì giá sẽ ngất trời. Bởi nó là di sản dân tộc. Ta có thể hình dung, có một sàn đấu giá như vậy trong nước thì mọi thứ đều minh bạch, từ gốc gác xuất thân của cổ vật tới quyền sở hữu của chủ nhân. Các tầng lớp nhân dân sẽ quan tâm rất nhiều tới các phiên đấu giá và tiền thuế nhà nước thu về là không nhỏ. Nó là tất yếu của sự phát triển xã hội hiện đại, nếu chúng ta không làm từ bây giờ thì bao giờ?”, ông hỏi.

Tôi gấp sổ ghi chép lại và cảm ơn Giáo sư vì đã giúp tôi – chúng ta “tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” để nhìn thị trường cổ vật. Ngoài hiên, nắng đã chói chang từ lâu, hôm nay là một ngày rất đẹp!

Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Mua đuổi - bán đuổi

Huy Minh |

Họa sĩ Tuấn Long nói với tôi rằng, người anh em của anh -  Dương Minh Chính - rất am hiểu về cổ vật lẫn giá trị. Tôi cũng nghe có người đánh giá anh Chính là “bậc thầy đồ đá”, “nhà nghề nhất trong giới nhà nghề”. Nhưng Dương Minh Chính chỉ tự nhận mình là một người kinh doanh thuần túy.

Hai cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế

Tường Minh |

Huế - Hai cổ vật Mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế. Và lễ tiếp nhận hai cổ vật này sẽ diễn ra vào ngày 17.4 tới đây.

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật (bài 1)

Nhóm PV |

Một chuyên gia giám định hơn 50 năm lăn lộn trong nghề chưa từng tai tiếng nói với tôi rằng, thị trường cổ vật đang tăng trưởng chóng mặt, chỉ sau bất động sản. “Thế giới cổ vật mờ mờ tỏ tỏ, phóng viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ lần ra được”, ông nói, và ngắm tôi một lát. Nào, ta khởi hành thôi!

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật: Mua đuổi - bán đuổi

Huy Minh |

Họa sĩ Tuấn Long nói với tôi rằng, người anh em của anh -  Dương Minh Chính - rất am hiểu về cổ vật lẫn giá trị. Tôi cũng nghe có người đánh giá anh Chính là “bậc thầy đồ đá”, “nhà nghề nhất trong giới nhà nghề”. Nhưng Dương Minh Chính chỉ tự nhận mình là một người kinh doanh thuần túy.

Hai cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế

Tường Minh |

Huế - Hai cổ vật Mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế. Và lễ tiếp nhận hai cổ vật này sẽ diễn ra vào ngày 17.4 tới đây.

Trong màn sương mờ của thị trường cổ vật (bài 1)

Nhóm PV |

Một chuyên gia giám định hơn 50 năm lăn lộn trong nghề chưa từng tai tiếng nói với tôi rằng, thị trường cổ vật đang tăng trưởng chóng mặt, chỉ sau bất động sản. “Thế giới cổ vật mờ mờ tỏ tỏ, phóng viên chuyên nghiệp cũng không bao giờ lần ra được”, ông nói, và ngắm tôi một lát. Nào, ta khởi hành thôi!