Cách tân áo yếm dung tục, phản cảm: Không thể gắn mác nghệ thuật để diễn trò

VIỆT PHONG |

Những thiết kế gây sốc trong show diễn thời trang “New Traditional” gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho nhà sáng tạo trẻ về lằn ranh giữa "cách tân", "thể nghiệm" với sự "bức tử" văn hóa. Lâu nay, dư luận không ít lần thở dài ngao ngán trước những bộ trang phục mang hình hài truyền thống nhưng trông lại rất kém duyên, thiếu thẩm mĩ.

Dung tục, tầm thường và hơn thế nữa...

Vừa qua, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết đã xác định đơn vị vi phạm trong tổ chức show thời trang "New Traditional" (tạm dịch: truyền thống mới).

Các cơ quan quản lí đã phối hợp lập biên bản vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao đang trong quá trình tham mưu UBND TP Hồ Chí Minh để ra quyết định xử phạt theo quy định.

Trước đó, show diễn "New Traditional" của nhà thiết kế Tường Danh khiến dư luận bức xúc vì để nhóm người mẫu đội nón quai thao, mặc áo yếm cách điệu, lộ phần lưng và vòng ba phản cảm.

Thêm nữa, hình ảnh khác còn kệch cỡm hơn khi một người mẫu nam đầu trọc, mặc bộ trang phục màu vàng cổ trụ, tạo dáng bên chiếc chuông vàng gợi nhắc đến chư tăng khất thực. Cùng với đó, nhiều thiết kế trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ áo dài, áo yếm cũng có những chi tiết cắt xẻ lố bịch...

Trang phục phản cảm tại Show diễn “New traditional”. Ảnh: Chụp màn hình
Trang phục phản cảm tại Show diễn “New Traditional”. Ảnh: Chụp màn hình

Tại thời điểm show diễn nhận phản hồi tiêu cực, nhà thiết kế Tường Danh lên tiếng đính chính: “Nếu là áo yếm truyền thống chắc chắn nó sẽ là câu chuyện khác. Ở đây nó là một chiếc đầm được lấy cảm hứng từ áo yếm nhưng thành phẩm cuối cùng nó đã được thay đổi hoàn toàn so với chiếc áo yếm truyền thống".

Cũng theo nhà thiết kế này, thể nghiệm là cụm từ được sử dụng để nói về tính chất của bộ sưu tập "New Traditional". Tuy nhiên, lời phân trần trên càng khiến dư luận lẫn giới chuyên môn bức xúc hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, nhà thiết kế này đang lợi dụng danh nghĩa "thể nghiệm" - khái niệm vốn chỉ các hoạt động cải tiến, thực hiện hóa ý tưởng độc đáo trong thời trang, qua đó đưa đến các bộ trang phục lai căng, phản cảm, thậm chí gọi là "rác văn hóa" cũng không sai.

Trao đổi với Lao Động, hoạ sĩ, nhà nghiên cứu áo dài Nguyễn Đức Bình bức xúc: "Người làm bộ trang phục này muốn dựa trên nền tảng truyền thống để kể câu chuyện của chính họ. Tuy nhiên, họ đang nhầm lẫn nghiêm trọng.

Bản sắc văn hoá trong trang phục người Việt là giản dị, khiêm nhường, kín đáo. Làm gì có chuyện cách tân khi đưa chiếc nón quai thao truyền thống kết hợp chung với trang phục phản cảm như vậy. Trang phục dù có cách tân, sáng tạo chừng nào đi nữa vẫn phải toát lên bản sắc văn hoá người Việt".

Đối với nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng, anh cho rằng, quan điểm của mỗi người về thời trang có thể khác nhưng không tách rời giá trị văn hóa.

"Không ai có thể đánh giá xấu hay đẹp vì đó là cảm quan riêng của từng cá nhân trong thời trang.

Tuy nhiên, sự sáng tạo không nên đi ngược với thuần phong mĩ tục. Mỗi nhà thiết kế cũng cần tìm hiểu và nghiên cứu kĩ càng trước khi đưa giá trị truyền thống vào thời trang", nhà thiết kế Phan Đăng Hoàng nói.

Còn nhà nghiên cứu văn hoá Hoàng Long cho rằng: "Không thể vịn vào chuyện cách tân áo yếm lộ liễu, dung tục rồi gắn mác đó là nghệ thuật thì công chúng sẽ chấp nhận".

Giới hạn nào cho việc cách tân?

Những năm trở lại đây, đi kèm với sự lên ngôi của các cuộc thi sắc đẹp thì phần thi về trang phục dân tộc cũng được chú ý nhiều hơn. Đây là mảnh đất màu mỡ cho nhiều nhà thiết kế trẻ thể hiện tài năng nhưng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Một số bộ trang phục thiếu yếu tố văn hóa hoặc gây phản cảm như: áo bà ba ở trên nhưng lại để chân trần và không mặc quần truyền thống; áo yếm phối áo bà ba...

Hay các thiết kế lấy cảm hứng từ cua Cà Mau, nghề làm nail, nước mắm Phú Quốc... khiến công chúng đặt ra dấu chấm hỏi lớn về ý tưởng cũng như thông điệp truyền tải.

Thiết kế áo bà ba ở trên, người mẫu đi chân trần ở dưới từng gây tranh cãi. Ảnh: Ban tổ chức
Thiết kế áo bà ba ở trên, người mẫu đi chân trần ở dưới từng gây tranh cãi ở một cuộc thi nhan sắc. Ảnh: Ban tổ chức

Ngoại trừ mô tả, cố ý “gắn” vào văn hóa Việt một cách khiên cưỡng, thì các thiết kế này được đánh giá kém thẩm mĩ, thậm chí không thể hiện được yếu tố "truyền thống" như tên gọi của phần thi.

Nói về cách tân trang phục dân tộc, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết: "Hiện nay, thời trang ứng dụng lẫn biểu diễn đều nảy sinh nhiều bất cập.

Một số nhà thiết kế luôn hô hào khẩu hiệu phải cách tân, đưa hơi thở hiện đại vào thời trang nhưng lại không nắm được căn nguyên của vấn đề. Họ theo đuổi sự lố lăng, phản cảm nhưng vẫn ngộ nhận đó giá trị của thời đại ngày nay".

Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cũng chỉ ra vấn đề về cách tân áo dài hiện nay. Theo ông, nhiều trang phục được gọi là áo dài cách tân lại không mang giá trị bản sắc Việt Nam, mà thay vào đó lại chạy theo xu hướng của các quốc gia trên thế giới.

"Điều này khiến nhiều người lầm tưởng là sự cách tân từ giá trị truyền thống và hậu quả để lại cho văn hóa hết sức nặng nề".

Ông Nguyễn Đức Bình cho hay, cách tân là tạo ra một xu hướng mới mẻ trên cơ sở các giá trị cũ, đồng thời mang lại giá trị tích cực về văn hóa.

"Chúng ta không nhất thiết dựa theo hoàn toàn giá trị truyền thống nhưng phải tìm ra được yếu tố cốt lõi về tinh thần dân tộc, qua đó kết hợp chung với những âm hưởng của thời đại hiện nay".

Có thể thấy, với những trường hợp kể trên, hai yếu tố "văn hóa" và "truyền thống" đều bị xem nhẹ trong quá trình sáng tạo, dẫn đến việc không thuyết phục được dư luận ủng hộ.

Để tạo ra một thiết kế độc đáo, đảm bảo tính thẩm mĩ và tôn vinh được nét đẹp của văn hóa, con người Việt Nam là điều không dễ dàng, nhưng không có nghĩa là không làm được.

Cái công chúng thực sự mong ngóng là những tác phẩm đến từ các nhà thiết kế tài năng, sự tâm huyết và có hiểu biết sâu sắc về văn hóa chứ không phải các văn hóa phẩm lai căng, cứ ảo tưởng mang hình hài "trang phục truyền thống" rồi mặc sức xuyên tạc, "cưỡng bức" văn hóa.

VIỆT PHONG
TIN LIÊN QUAN

Tổ chức cuộc thi sắc đẹp trái phép còn tìm cách đối phó cơ quan chức năng

MINH QUÂN |

TP Hồ Chí Minh – Đơn vị tổ chức cuộc thi Miss and Mister Universe World International 2023 - Hoa hậu và Nam Vương Hoàn vũ thế giới quốc tế 2023 trái phép nhưng né tránh, đối phó khiến cơ quan chức năng chưa thể xử lý, phải nhờ công an vào cuộc.

Bức xúc khi hình tượng văn học bị chế nhạc phản cảm trên mạng xã hội

NGUYỄN DUY |

Việc biến tấu hình tượng văn học, ca dao tục ngữ gắn với những hình ảnh, ngôn từ phản cảm không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận văn hóa của giới trẻ mà còn đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.

Nội dung lệch chuẩn, phản cảm tràn ngập TikTok

ANH VŨ |

Bắt đầu từ năm 2022, trên nền tảng TikTok dần xuất hiện nhiều nội dung độc hại, ảnh hưởng tới người dùng mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em.

Chăm lo cho người lao động bằng hành động thiết thực từ kinh phí công đoàn

Tuyết Lan |

Kinh phí công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng để chăm lo trực tiếp cho người lao động. Đây chính là nguồn lực để công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Kiểm tra hoạt động bán chui vàng miếng ở Lạng Sơn sau phản ánh của Lao Động

NHÓM PV |

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lạng Sơn gửi văn bản hỏa tốc giấy mời họp với đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan để trao đổi các biện pháp xử lý trước thông tin phản ánh của Báo Lao Động về hoạt động bán chui vàng miếng trên địa bàn tỉnh này.

Bất chấp mạng sống, đua nhau vớt củi giữa nước lũ cuồn cuộn ở Điện Biên

NHÓM PV |

Mưa lớn kéo dài khiến nước lũ dâng cao, rất nhiều người dân tại Điện Biên đã bất chấp nguy hiểm để vớt củi trên dòng nước đục ngàu, cuồn cuộn.

Thủy điện ở Hòa Bình xả lũ không thông báo, nhiều du khách suýt bị cuốn trôi

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Phản ánh đến Báo Lao Động, người dân, du khách bức xúc vì cho rằng Thủy điện Suối Mu (xã Tự Do, huyện Lạc Sơn) xả lũ mà không thông báo khiến nhiều người suýt bị lũ cuốn trôi.

Bổ sung một dự án hơn 4ha vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 của quận Tây Hồ

KHÁNH AN |

Hà Nội bổ sung dự án xây dựng hạ tầng khu nhà ở, đất ở đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước với diện tích 4,006ha vào kế hoạch sử dụng đất năm 2024 quận Tây Hồ.

Tổ chức cuộc thi sắc đẹp trái phép còn tìm cách đối phó cơ quan chức năng

MINH QUÂN |

TP Hồ Chí Minh – Đơn vị tổ chức cuộc thi Miss and Mister Universe World International 2023 - Hoa hậu và Nam Vương Hoàn vũ thế giới quốc tế 2023 trái phép nhưng né tránh, đối phó khiến cơ quan chức năng chưa thể xử lý, phải nhờ công an vào cuộc.

Bức xúc khi hình tượng văn học bị chế nhạc phản cảm trên mạng xã hội

NGUYỄN DUY |

Việc biến tấu hình tượng văn học, ca dao tục ngữ gắn với những hình ảnh, ngôn từ phản cảm không chỉ ảnh hưởng đến việc tiếp nhận văn hóa của giới trẻ mà còn đi ngược lại với thuần phong mỹ tục.

Nội dung lệch chuẩn, phản cảm tràn ngập TikTok

ANH VŨ |

Bắt đầu từ năm 2022, trên nền tảng TikTok dần xuất hiện nhiều nội dung độc hại, ảnh hưởng tới người dùng mạng xã hội, đặc biệt là trẻ em.